Học sinh áp lực vì học thêm nhiều

Những ngày trong tuần, học trên trường gần như đã kín lịch, nhiều học sinh vẫn tham gia các lớp học thêm vào buổi tối và cuối tuần.
Huyện Thanh Oai tổ chức “Ngày hội đọc sách” cho các học sinh Học sinh Tiểu học Việt Nam - Cu Ba hiến tóc cho bạn nhỏ ung thư Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dạy và học ở huyện Ba Vì

Học sinh mệt mỏi vì học nhiều

Có con trai sắp vào lớp 10, chị Nguyễn Ánh Hường ở Long Biên, Hà Nội không khỏi thương con vì thời gian học từ đầu tuần đến cuối tuần đều kín mít cho đến tận 23 giờ đêm. “Năm nay con thi vào lớp 10 nên tôi rất lo lắng. Vì thế, ngoài lịch học kín tuần ở trường, tôi còn tôi còn đăng ký để con ôn luyện thêm Toán, Văn, tiếng Anh vào cuối tuần nữa.

Nhiều khi thấy con đi học cả ngày, tối về lại tiếp tục ôn lại kiến thức ở lớp đến hơn 11 giờ đêm mới ngủ và thức dậy lúc 6 giờ sáng để chuẩn bị đi học, tôi thấy thương vì con phải chịu nhiều áp lực học hành”, chị Hường giãi bày.

Áp lực học tập gây ra nhiều vấn đề tâm lý ở lứa tuổi học sinh (Ảnh minh họa)
Áp lực học tập gây ra nhiều vấn đề tâm lý ở lứa tuổi học sinh (Ảnh minh họa)

Tại Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh trên đường phố cha mẹ đèo con đi học trong tình trạng con ngủ gật hay vừa đi vừa ăn vội miếng xôi hoặc mẩu bánh mì để kịp vào lớp học thêm.

Trần Vân Mi, học sinh lớp 7 ở quận Thanh Xuân cho biết: “Do bố mẹ lo em bị mất gốc, học không theo kịp các bạn nên ngay từ lớp 6, họ đã liên hệ để em đi học thêm 3 môn Toán, Văn, Anh. Hiện nay, ngoài đi học các cô giáo ở trường, 1 tuần em phải học thêm 3 buổi nữa từ các giáo viên ở bên ngoài để bổ sung và nâng cao kiến thức cơ bản. Nhiều lúc mệt mỏi, em muốn đi chơi, tâm sự với bạn bè nhưng không có ai bởi các bạn đều bận học thêm”.

Bị “nhồi” kiến thức, việc học thêm có hiệu quả?

Tan học buổi sáng lúc hơn 11 giờ trưa, về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi đến 13h chiều em Lê Phương Thảo (lớp 8, Trường THCS Tản Hồng, Ba Vì) lại cắp sách đến trường học thêm ca 2. Ca 2 học 3 buổi nhưng Thảo vẫn không được nghỉ ngơi bởi lịch học thêm ngoài nhà trường của em cũng chiếm gần hết những buổi nghỉ, kể cả cuối tuần.

Ngoài các môn học tăng cường ở trường, Thảo còn học thêm ngoài 3 môn Toán, Văn, tiếng Anh. “Em thấy việc học thêm khá hiệu quả. Không chỉ đạt điểm cao trong kỳ thi học kỳ mà còn giúp em nắm chắc kiến thức, mở rộng ôn luyện cho kỳ thi vào lớp 10 sang năm. Cũng có những lúc em thấy mệt mỏi vì học thêm nhiều nhưng em nghĩ phải cố gắng thì mới thuận lợi cho kỳ thi cử năm sau”, em Thảo cho biết.

Nhiều học sinh cảm thấy áp lực vì phải học thêm nhiều (ảnh minh họa)
Nhiều học sinh cảm thấy áp lực vì phải học thêm nhiều (ảnh minh họa)

Chia sẻ về việc học thêm nhiều có mang lại nhiều hiệu quả, lợi ích cho học sinh không, Thảo cho rằng: “Đối với em thì học thêm rất tốt nhưng em thấy một số bạn không tự giác, chưa nhận ra mục đích của việc học và thi, các bạn đi học thêm vì bố mẹ bắt ép thì thường không mấy hiệu quả. Các bạn ấy không chủ động làm bài tập cô giao, không ôn lại bài, đi học thêm hầu hết là nói chuyện không nghe cô giảng, như thế việc học thêm là vô nghĩa”.

Việc học thêm không những cần sự truyền đạt của giáo viên mà đòi hỏi học sinh phải có ý thức tự học và chủ động. Học thêm không có chủ đích sẽ ảnh hưởng đến lớp học và ảnh hưởng đến chính bản thân học sinh bởi vừa mất tiền, vừa mất thời gian.

Đừng áp lực cho con trẻ

Không chỉ cấp THCS, ở các lớp tiểu học hiện nay, nhất là lớp 5, nhiều cha mẹ cũng đang chạy đua cho con đi học thêm, ít thì tuần 2 buổi học cô giáo chủ nhiệm, nhiều thì ngoài học thêm cô giáo chủ nhiệm, không ít em còn phải chạy đua ôn luyện cô nọ, cô kia để vào các trường THCS top đầu của thành phố.

Mới chỉ học lớp 5 nhưng Lê Ngọc Đạt (Trường Tiểu học Đan Phượng, Hà Nội) có rất ít thời gian nghỉ ngơi bởi phải đi học cả ngày trên trường, những ngày cuối tuần em còn phải đi học thêm.

Đạt thật thà kể: “Mẹ bảo phải đi học thêm cô giáo chủ nhiệm mới được điểm cao”.

Chia sẻ về vấn đề cho con đi học thêm, chị Lê Thị Vân (phụ huynh em Lê Ngọc Đạt) cho biết, từ năm con học lớp 1 đến giờ, chị đã đăng ký cho con tham gia lớp học thêm do cô giáo chủ nhiệm dạy, kể cả dịch COVID-19 cháu cũng học thêm trực tuyến.

“Tôi muốn cho con học thêm để có bổ sung kiến thức vì trên trường học nhiều môn nên không được dạy kỹ. Vả lại đi học thêm cô giáo hay cho ôn đề thi học kỳ sát hơn, con sẽ dễ dàng tiếp cận được nhiều đề thi thì làm bài sẽ được điểm cao”, chị Lê Thị Vân cho biết.

Áp lực học hành của trẻ ở trường đã nhiều, áp lực điểm số phụ huynh đặt lên con còn nhiều hơn. Muốn con trẻ học hành tiến bộ, thay vì bắt ép học, nhà trường và phụ huynh nên giáo dục kỹ năng tự học cho con ngay từ khi còn nhỏ. Như thế vừa tạo tâm lý thoải mái, vừa giúp trẻ phát huy hết năng lực của mình.

Đình Trung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động