Hà Nội

Hiệu quả từ chủ trương “lấy học sinh làm trung tâm” của ngành Giáo dục quận Cầu Giấy

“Xây dựng trường học lấy học sinh làm trung tâm” là chủ trương của ngành Giáo dục cả nước. Chủ trương trên được triển khai thực hiện đồng bộ ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận Cầu Giấy với mục tiêu đổi mới từ nhận thức đến hành động, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn, xứng đáng là lá cờ đầu của ngành giáo dục TP Hà Nội.
Thanh niên quận Cầu Giấy tiếp lửa ngày hội tòng quân 2023 Xuân về “quận nội thành đáng sống” ở Thủ đô Thanh niên quận Cầu Giấy xuất sắc dẫn đầu

Để học sinh hứng thú đến trường

Phương pháp dạy học “lấy học sinh làm trung tâm” là phương pháp dạy học tích cực nhằm phát huy sự chủ động sáng tạo của người học. Với phương pháp này, người học sẽ là người tự khai phá tri thức, thầy cô giáo chỉ là người hướng dẫn và cung cấp thông tin.

Điều đặc biệt của quan điểm giáo dục lấy học sinh làm trung tâm là khi giao nhiệm vụ học tập cho các em, thầy cô phải quan tâm đến cảm xúc, hứng thú của học trò với nhiệm vụ đó. Điều này đồng nghĩa với việc, giáo viên phải tổ chức được nhiều hoạt động học tập tạo hứng thú cho học trò càng nhiều càng tốt, chứ không phải giáo viên chỉ thuyết trình, truyền thụ kiến thức một chiều.

Cô và trò Trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy) trong lễ hội gói bánh chưng.
Cô và trò Trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy) trong lễ hội gói bánh chưng.

Trước đây, khi lấy giáo viên và việc dạy học là trung tâm thì giáo viên chỉ thuyết trình, giải quyết được vấn đề kiến thức cơ bản để chạy đua với thời gian trong 45 phút của tiết học. Còn bây giờ, trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, có thêm bao nhiêu tiết cho bài học nữa thì giáo viên cũng không đủ thời gian để truyền thụ. Như vậy thì người ta sẽ phải chuyển sang đào tạo cho người học năng lực làm việc và tiếp cận nguồn tư liệu. Học sinh đến lớp được “học cái mà mình muốn, thể hiện cái mà mình thích” theo định hướng thì các em làm việc đúng cách, đúng sở trường, đam mê của mình thì sản phẩm của nhiệm vụ đó sẽ sống động, đặc sắc và sáng tạo hơn.

Với quan điểm đó, học kỳ I năm học 2022 - 2023, các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận Cầu Giấy đã triển khai nghiêm túc nội dung trên. Đến nay đã có 49/49 trường xây dựng mô hình giáo dục phát triển thể chất trong trường mầm non; 49/49 trường thực hiện mô hình số hóa trường học, 12 trường xây dựng mô hình vườn rau Vietgap, 100% các trường xây dựng trường học xanh, an toàn, hạnh phúc…

Học sinh Trường Tiểu học Dịch Vọng Hậu trong một buổi ngoại khoá về pháp luật
Học sinh Trường THCS Dịch Vọng Hậu hào hứng tham gia một buổi ngoại khoá về pháp luật

Là một trong những cơ sở giáo dục tiêu biểu trong việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, Trường THCS Dịch Vọng Hậu luôn mong rằng mỗi học sinh trường THCS Dịch Vọng Hậu sẽ trở thành những công dân Thủ đô gương mẫu, văn minh. Cô Nguyễn Thị Loan, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng Hậu cho biết, ngoài việc thường xuyên nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên, nhà trường chú trọng việc lồng ghép và tổ chức ngoại khoá trang bị kỹ năng sống cho học sinh. Học kỳ I vừa qua, nhà trường đã tổ chức chương trình “Hưởng ứng ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam”. Đây được coi là một trong những hoạt động trọng điểm của năm học 2022-2023. Với nhiều hoạt động gần gũi và thiết thực, các em tự tin nói lên niềm vui khi được lĩnh hội, thu nhận các kiến thức pháp luật bổ ích, qua đó, yên tâm học tập, đạt kết quả khả quan trong học kỳ vừa qua.

Còn đối với Trường Tiểu học Nghĩa đô, việc sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất trong các hoạt động trường TH Nghĩa Đô đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 giúp học sinh phát triển toàn diện. Theo cô Nguyễn Minh Uyên, Hiệu trưởng nhà trường, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã có thông báo công khai thông tin cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục tiểu học, năm học 2022 – 2023 kèm theo Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày28 tháng 12 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc công khai số phòng học, số lớp, loại phòng học, số điểm trường lẻ, diện tích sân chơi, bãi tập, diện tích phòng học, thư viện, thiết bị dạy học tối thiểu của các khối lớp, số máy tính đang được sử dụng phục vụ học tập… Việc công khai cơ sở vật chất giúp giáo viên thuận tiện hơn trong quá trình giảng dạy, học sinh hiểu biết hơn về ngôi trường mình học để chủ động không gian học tập và sinh hoạt thoải mái, phụ huynh cũng yên tâm tạo điều kiện cho con em minh học tập tốt. Việc công khai này cũng đảm bảo tính cập nhật, phù hợp thực tế để đáp ứng nhu cầu dạy và học, tạo điều kiện tốt cho nhà giáo không ngừng cải tiến phương pháp dạy học, học sinh thích thú tìm tòi học tập theo từng khả năng riêng biệt của mình.

Nâng cao chất lượng giáo dục

Thực tế cho thấy, cái khó nhất khi thực hiện quan điểm lấy người học làm trung tâm cần phải chuẩn bị nhiều điều kiện, trong đó, quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên. Sau đó là chuẩn bị cơ sở vật chất, đặc biệt là phương tiện dạy học, những điều kiện đảm bảo tốt nhất cho quá trình tổ chức và thực hiện hoạt động dạy học.

Nhận thức sớm điều này, ngành Giáo dục quận Cầu Giấy tập trung vào việc nâng cao chất lượng giáo viên.

Theo đó, quận tổ chức tốt Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Quận với 100% các trường mầm non tham gia. Từ đầu năm học đến nay Phòng GDĐT đã tổ chức được 8 buổi kiến tập chuyên đề cấp Quận, 1 buổi kiến tập chuyên đề cấp Thành phố, 12 chuyên đề bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán thu hút được hàng nghìn lượt cán bộ giáo viên, nhân viên tham dự.

Học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Đô được học tập giáo dục thể chất trong môi trường đạt chuẩn
Học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Đô được học tập giáo dục thể chất trong môi trường đạt chuẩn

Đối với cấp giáo dục tiểu học, Phòng GD&ĐT quận bố trí đội ngũ giáo viên, tổ chức bồi dưỡng và tập huấn chuyên đề nhằm chuẩn bị tốt và triển khai hiệu quả các hoạt động dạy học và sách giáo khoa mới đối với khối lớp 1, 2, 3.

Một số trường chưa có đủ giáo viên Tiếng Anh, Tin học đã chủ động hợp đồng để đảm bảo thực hiện chương trình lớp 3. Phòng GD&ĐT đã kết hợp với trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức lớp bồi dưỡng môn Công nghệ cho giáo viên vào ngày nghỉ dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp nhằm đáp ứng kịp thời việc giảng dạy chương trình GDPT 2018. Bên cạnh đó, Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp quận cũng tiếp tục được duy trì.

Còn các giáo viên cấp THCS thì được tạo điều kiện thời gian, vật chất để tập huấn lấy chứng chỉ, một số trường liên kết với nhau để thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng… đảm bảo nhiệm vụ năm học và cập nhật kiến thức mới…

Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết, mặc dù có sự chuyển biến tích cực về công tác dạy và học ở các cấp học mà Phòng quản lý trong thời gian qua, song với những nỗ lực của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục quận vẫn cần phải khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới. Trước hết là sĩ số học sinh trong các trường công lập còn cao khiến giáo viên gặp khó khăn cho việc đổi mới dạy học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Thu nhập của giáo viên khối mầm non còn thấp so với mặt bằng chung; Bên cạnh đó, tỉ lệ tiêm vắc - xin phòng COVID-19 trong trường học còn thấp… Hiện nay, thầy và trò các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã bước vào học kỳ II, với mục tiêu quan trọng là bồi dưỡng học sinh lớp 9 để thi vào lớp 10 THPT, bên cạnh đó duy trì chất lượng các mặt giáo dục ở các cấp học để đảm bảo tốt chất lượng giáo dục của các nhà trường, xứng đáng với sự tin tưởng của cấp trên, cấp uỷ, chính quyền và người dân trong quận.

Toàn ngành Giáo dục quận Cầu Giấy đã hoàn thành nhiệm vụ học kỳ I năm học 2022 - 2023 theo đúng kế hoạch. Chất lượng giáo dục ở các cấp học được giữ vững. Công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý triển khai thiết thực, hiệu quả. Kết quả học kỳ I: Khối tiểu học, xếp loại hoàn thành tốt môn Tiếng Việt, môn Toán từ 72% trở lên; Về năng lực, phẩm chất tốt từ 76,3% trở lên. Khối THCS: học lực khá giỏi đạt từ 90% trở lên; về rèn luyện khá, tốt với học sinh khối 6, 7 đạt gần 99% và 100% học sinh đạt hạnh kiểm khá tốt khối 8, 9.
Hoa Thành
Phiên bản di động