Hệ luỵ khôn lường từ nghiện game

Người “nghiện game” chẳng khác gì nghiện ma túy. Do vậy, cách tốt nhất để kiểm soát mầm mống tội phạm từ “nghiện game” thì ngay trong mỗi gia đình cần phải có cách giáo dục, dạy con một cách khoa học, kiểm soát hợp lý...
Thêm nỗi lo học sinh nghiện game Nghiện game, nhiều người trẻ nhập viện vì rối loạn tâm thần Thanh niên trộm hàng chục chiếc điện thoại của cửa hàng để bán lấy tiền để chơi game
'Nghiện' game và con đường dẫn đến vòng lao lý ảnh 1
Đối tượng Nguyễn Nhật Trường

Tình trạng nhiều thanh, thiếu niên hiện nay 'nghiện' game không còn là chuyện lạ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những vụ án bắt nguồn từ 'nghiện' game đang trở thành vấn đề dư luận băn khoăn, lo ngại.

Đi cướp vì… 'nghiện game'

Vụ cướp hy hữu được CAP Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) triệt phá vào ngày 1-5-2020. Trong lúc tuần tra, mật phục, CAP Thành Công đã kịp thời bắt giữ Nguyễn Nhật Trường (SN 2000, ở tổ 54, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội), khi đối tượng vừa thực hiện hành vi “Cướp tài sản”.

Theo tài liệu của cơ quan công an, do ham mê chơi game, không có tiền nên Nguyễn Nhật Trường nảy sinh ý đồ chiếm đoạt tài sản của người khác. Khoảng 10h ngày 1-5, Trường đặt đơn hàng qua mạng xã hội (facebook), mua linh kiện của Công ty "Lắc đầu", ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội để lắp ráp cây máy tính. Trường yêu cầu bên bán hàng chuyển đơn hàng về số 100 phố Nguyên Hồng, phường Thành Công.

Khoảng 12h cùng ngày, anh Lý Văn Thiện (quê Vĩnh Phúc, là nhân viên giao hàng của công ty) mang hàng đến giao cho Trường tại địa chỉ trên. Tại đây, Trường giả vờ mở túi hàng kiểm tra và chỉ nhà mình ở đối diện số 115A1 để tạo niềm tin, rồi bất ngờ cầm túi hàng bỏ chạy.

Đúng lúc này, tổ công tác CAP Thành Công trong quá trình tuần tra, mật phục đã vây bắt thành công đối tượng cùng tang vật (1 bàn phím, 1 lót chuột, 3 quạt tản nhiệt, 1 điều khiển) với tổng giá trị trên hoá đơn 1,67 triệu đồng.

Quá trình điều tra đối tượng khai nhận, từ đầu tháng 4-2020 đến khi bị bắt, bằng phương thức thủ đoạn tương tự, Nguyễn Nhật Trường đã thực hiện trót lọt 5 vụ cướp giật tài sản của các bị hại với tổng số tiền lên tới hơn 10 triệu đồng. Toàn bộ tài sản là các linh kiện máy tính Trường đặt mua ở các cửa hàng khác nhau, rồi về lắp ráp thành một bộ máy vi tính, để phục vụ mục đích chơi game.

Cũng theo Nguyễn Nhật Trường khai nhận, lợi dụng dịch Covid-19, khi tiếp xúc với các bị hại, Trường thường đeo khẩu trang nên họ không thể nhận dạng được. Bên cạnh đó, trước khi lên mạng đặt hàng, Trường tìm hiểu một số địa điểm có lối thoát hậu, ngõ lắt léo lấy làm địa chỉ giao hàng. Khi khách mang hàng đến, Trường giả vờ kiểm tra hàng, hoặc xác định được con mồi liền ra tay cướp giật tài sản rồi chạy trốn, khiến cho bị hại không kịp trở tay.

Trong một diễn biến khác, ngày 31-3-2020, Công an xã Phùng Xá và Đội Điều tra tổng hợp CAH Thạch Thất, Hà Nội tiếp nhận điều tra vụ trộm cắp tài sản xảy ra tại thôn 9, xã Phùng Xá.

Quá trình điều tra, cơ quan công an đã làm rõ đối tượng gây án là Nguyễn Xuân Dương (SN 1998, trú tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Dương có 1 tiền án về tội 'Trộm cắp tài sản'.

Tại cơ quan công an, Nguyễn Xuân Dương khai nhận, tháng 8-2019, đối tượng đến thuê trọ ở xã Phùng Xá. Sau đó, do nghỉ làm công nhân và 'nghiện' game, nên Dương đã nảy sinh ý định trộm cắp tài sản để lấy tiền tiêu xài cá nhân.

'Nghiện' game và con đường dẫn đến vòng lao lý ảnh 2
Địa điểm Trường hẹn người giao hàng đến giao dịch luôn có lối thoát hậu

Khoảng 4h ngày 31-3, đối tượng đi đến khu vực gần nhà văn hóa thôn 9, phát hiện nhà chị S. không đóng cửa nên đã lẻn vào bên trong lục lọi đồ đạc. Đối tượng vào phòng ngủ lấy được 2 chiếc điện thoại iPhone 8, Samsung A50 và 1 túi xách có 25 triệu đồng.

'Nghiện' game như 'nghiện' ma tuý

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hoàng – Phó trưởng CAP Thành Công, quận Ba Đình cho biết, trong xu thế bùng nổ mạng Internet toàn cầu, game online được phát triển với tốc độ rất nhanh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người chơi. Nhiều thanh thiếu niên khi lao vào game một cách “điên rồ”, quên ăn quên ngủ.

Với những cách chơi game như vậy, sẽ dẫn đến rất nhiều hậu quả, để lại cho chính những người 'nghiện' game tâm lý bị thay đổi bởi các hành vi trong game, dẫn đến bạo lực, cướp giật… gây ra những hậu quả tổn thất cho chính gia đình và xã hội rất lớn, mà thủ phạm chính là các “game thủ”.

Dẫn chứng về nội dung này, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hoàng chỉ ra rằng, thời gian qua xảy ra rất nhiều vụ án liên quan đến game online. Chỉ cần click vào mạng đọc về nội dung game, là có thể thấy xuất hiện nhiều tin tức như: nam sinh bị đâm chết tại phòng game, mâu thuẫn chơi game, nhóm thiếu niên chém nhau cũng vì game…

'Nghiện' game và con đường dẫn đến vòng lao lý ảnh 3
Đối tượng Nguyễn Xuân Dương

Trung tá Bùi Mạnh Cường - Đội phó Đội CSHS - CAQ Ba Đình cho rằng, trên thực tế, 'nghiện' game, nhất là game online có tính chất bạo lực nguy hiểm. Những đối tượng 'nghiện, game thường sẽ tăng nặng theo thời gian, ngày càng tạo ra tư tưởng hiếu thắng hoặc cay cú mỗi khi thua. Nguy hiểm hơn, 'nghiện' game chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hành vi phạm tội. Từ 'nghiện' game, khi không có tiền chơi game, các đối tượng sẽ nghĩ ra các trò như trộm cắp, cướp tài sản, thậm chí là giết người.

Trung tá Bùi Mạnh Cường cũng chia sẻ, người 'nghiện' game chẳng khác gì nghiện ma túy. Do vậy, cách tốt nhất để kiểm soát mầm mống tội phạm từ 'nghiện' game là ngay trong mỗi gia đình cần có cách giáo dục, dạy con một cách khoa học, kiểm soát hợp lý và hiệu quả khi con sử dụng điện thoại, chơi các trò chơi trực tuyến...

Nguồn: ANTĐ
anninhthudo.vn
Phiên bản di động