Hãy lên tiếng khi bị quấy rối

Ngày 22/11, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội và Tổ chức Plan International phối hợp tổ chức Talkshow "Tôi lên tiếng – Chấm dứt quấy rối". Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái”, đồng thời hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022.
Nhức nhối vấn nạn quấy rối tình dục từ ngoài đời đến mạng xã hội Hãy lên tiếng trước hành động quấy rối trên xe bus “Tô cam học đường” tránh bạo lực và quấy rối tình dục nơi trường học

Mọi hình thức quấy rối tình dục đều không thể chấp nhận

Quấy rối tình dục với phụ nữ, em gái, cộng đồng đa dạng giới và xu hướng tính dục (LGBTIQ+) - đặc biệt nơi công cộng không phải là vấn đề mới, nhưng chưa bao giờ bị coi là vấn đề cũ, thậm chí còn có xu hướng gia tăng với nhiều hình thức phức tạp. Buổi talkshow được thực hiện với mong muốn trở thành một phần của giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, đóng góp cho việc lên tiếng chấm dứt quấy rối tình dục phụ nữ, trẻ em gái và cộng đồng LGBT. Chương trình có sự tham gia của gần 300 thanh niên trường Đại học Giao thông vận tải và thanh niên đang học tập trên địa bàn Hà Nội.

Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS Lê Hoài Đức – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải nhấn mạnh: “Với ngôi trường mà phần lớn các bạn sinh viên là nam, vấn đề bình đẳng giới luôn được trường quan tâm. Qua diễn đàn ngày hôm nay, nhà trường hy vọng rằng tất cả các sinh viên biết được các cách tốt hơn trong việc giao tiếp và ứng xử trong trường cũng như bên ngoài xã hội. Hôm nay cùng sự tham gia của các tổ chức xã hội với những thông tin quý giá, hy vọng chúng ta có một buổi nói chuyện thẳng thắn để truyền đạt được về chủ đề Quấy rối tình dục.”

Chia sẻ về thông điệp của chương trình, bà Trần Vân Anh – Giám đốc Chương trình MSD cho biết: “Bảo vệ phụ nữ, thanh thiếu niên, trẻ em gái, cộng đồng đa dạng giới và xu hướng tính dục khỏi nguy cơ bị quấy rối tình dục ở những nơi công cộng cũng chính là bảo vệ phẩm giá, quyền tự do và quyền tự do di chuyển của họ, cũng như cũng như quyền được toàn vẹn về thể chất và tinh thần. Mọi hình thức quấy rối tình dục đều không thể chấp nhận và không thể dung túng.

Hãy lên tiếng khi bị quấy rối
Các diễn giả tại tọa đàm

Chúng tôi luôn đánh giá cao vai trò của thanh, thiếu niên trong nỗ lực xây dựng và kiến tạo một cộng đồng an toàn, thân thiện, văn minh. Do đó, trong mọi hoạt động của mình, chúng tôi luôn huy động sự tham gia tích cực từ các nhóm thanh, thiếu niên bằng cách: nâng cao nhận thức, năng lực của các em về các vấn đề liên quan như vận động chính sách có chuyển biến giới, truyền thông xã hội về bình đẳng giới,… từ đó đồng hành và trao quyền để các em có thể thực hiện các sáng kiến do các em khởi xướng. Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể trở thành những người tiên phong dẫn dắt sự thay đổi. Khi chúng ta đồng lòng lên tiếng, đoàn kết – hợp tác và nỗi lực hành động, mọi hành động quấy rối dù ở đâu, dưới hình thức nào đều sẽ phải chấm dứt.”

Im lặng có phải là vàng?

Phiên toạ đàm được bắt đầu bằng những câu chuyện, những trải nghiệm thực tế của các bạn trẻ khi bản thân là nạn nhân hoặc chứng kiến các hành vi quấy rối tại nơi công cộng. Trong đó, điểm chung của những câu chuyện này là hầu hết nạn nhân đều im lặng và không có hành động phản ứng nào.

Theo báo cáo “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái: Nơi giấc mơ thành sự thật”, phần lớn người bị hại khi phải đối mặt với tình huống bị quấy rối tình dục hoàn toàn bị động và những người chứng kiến hoàn toàn thờ ơ: 66% phụ nữ và trẻ em gái được phỏng vấn không có bất kỳ hành động phản ứng nào và 65% nam giới và người chứng kiến không hề có các hành động can thiệp. 34% phụ nữ có chung suy nghĩ rằng việc khai báo với công an về các hành vi quấy rối cũng không mang lại thay đổi gì.

Lý giải cho sự im lặng này, ThS Nguyễn Đức Nam - Giám đốc Công ty Tham vấn, Nghiên cứu và Tâm lý học cuộc sống cho biết, ở góc độ nạn nhân, khi bị quấy rối tình dục thường sẽ hoảng loạn, lo sợ dẫn đến không biết phải xử lý thế nào. Thêm vào đó, những định kiến về giới vẫn còn tồn tại như đổ lỗi cho nạn nhân, hay tư duy giữ im lặng để bảo vệ danh dự khiến cho nạn nhân e dè, không dám lên tiếng vì không biết liệu khi lên tiếng sẽ có ai giúp đỡ, hỗ trợ mình không. Ở góc độ người chứng kiến, nguyên nhân chính là cùng chung nỗi sợ: sợ bị trả thù, sợ không có ai cùng lên tiếng, sợ chỉ có 1 mình đơn độc giúp đỡ nạn nhân, hoặc đôi khi cho rằng “có rất nhiều người khác sẽ giúp đỡ nạn nhân, nên mình không cần phải làm điều này.”

Thực tế, việc giữ im lặng của những người chứng kiến là một thực hành vô cùng có hại khi đang vô tình dung túng cho những hành vi sai trái, thủ phạm vẫn ngoài vòng công lý, điều này khiến cho những sự việc quấy rối tình dục càng trở nên phổ biến và diễn ra thường xuyên hơn. Nghiêm trọng hơn, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, cộng đồng LGBTIQ+ đã trở thành một vấn đề bình thường và được “chấp nhận” bởi đại bộ phận xã hội.

Hãy lên tiếng khi bị quấy rối
Nhiều bạn trẻ tham dự đã bày tỏ quan điểm về việc cần lên tiếng khi bị quấy rối

ThS Nguyễn Đức Nam cũng cho rằng, những người chứng kiến có thể lên tiếng bằng hành động hoặc lời nói, thể hiện cho họ thấy rằng mình không đồng ý với hành động đó. Cần cho thấy rằng mình sẽ đứng về phía nạn nhân và mình sẽ là người bảo vệ nạn nhân. Không nên sợ hãi và cần hiểu rằng dù thủ phạm có đáng sợ đến đâu thì khi có nhiều người đồng lòng và cùng lên tiếng, cái xấu sẽ trở nên yếu thế.

Bên cạnh đó, người chứng kiến có thể hỗ trợ nạn nhân ổn định tâm lý bằng một số hành động đơn giản như: lắng nghe câu chuyện mà không cần hỏi quá nhiều; đưa nước uống, giữ gìn đồ đạc cá nhân cho nạn nhân,… và khi họ sẵn sàng, hãy khuyến khích để họ chia sẻ câu chuyện của mình và tìm sự trợ giúp từ người thân, chính quyền và các tổ chức xã hội. Một sự giúp đỡ, hỗ trợ đúng thời điểm sẽ tiếp thêm sức mạnh để nạn nhân giảm bớt sợ hãi, tự tin và góp phần đẩy lùi các hành vi quấy rối.

Chị Thu Hà – Đại diện MSD cũng gợi ý thêm: Khi đi xe bus, nếu không may bị quấy rối tình dục hay chứng kiến những hành vi quấy rối tình dục, bạn hãy tìm cách thông báo cho nhân viên lái xe hoặc bán vé trên xe bus. Trong những trường hợp này, nhân viên xe bus có thể yêu cầu đổi chỗ, xuống xe hoặc nghiêm trọng hơn có thể khoá xe và tới cơ quan công an gần nhất để trình báo.

Ngoài ra, để thay đổi tận căn của vấn nạn này, bên cạnh việc trang bị kĩ năng ứng phó, việc nâng cao nhận thức để phòng ngừa quấy rối tình dục cũng là một hoạt động quan trọng.

Bạn Hiền Mai – học sinh trường THPT Vân Nội bày tỏ: “Em rất mong muốn được trang bị kiến thức để nhận biết hành vi quấy rối tình dục, kĩ năng tự bảo vệ bản thân và giúp thêm những người xung quanh. Ngoài ra, em nghĩ rằng người trẻ chúng em có rất nhiều cách để góp phần chấm dứt vấn nạn quấy rối tình dục. Ví dụ như trong thời đại công nghệ, CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi của chúng em đã tận dụng mạng xã hội như một kênh truyền thông hiệu quả thông qua các bài đăng cung cấp thông tin hay các chiến dịch truyền thông hướng đến giới trẻ.”

Thanh Tú
Phiên bản di động