Hành trình làm lại cuộc đời của chàng trai nghiện ma túy

Nguyễn Hữu Hiếu đã từng là một con ngoan, trò giỏi, từng đoạt giải nhì Toán cấp tỉnh trên máy casio. Vậy mà, do biến cố gia đình, Hiếu đã bỏ học, lao vào các cuộc chơi bời rồi trở thành một kẻ nghiện nặng. Những tưởng cuộc đời của chàng trai trẻ này sẽ mãi trượt dài như vậy. Nhưng, sau một lần tỉnh ngộ, Hiếu quyết định phải cai nghiện để bắt đầu lại từ đầu.
Tiếp nhận và tổ chức cai nghiện bắt buộc cho 821 người Công an TP Hà Nội bắt đối tượng nghiện ma túy mang chất cấm đi bán 46% người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp, đa số là giới trẻ

Không dám về nhà vì lừa bán xe máy của mẹ

Nhắc lại chuyện cũ, Hiếu bảo, chính cái đêm cùng bạn lang thang ngoài đường dưới trời mưa ướt nhẹp ấy đã thức tỉnh cậu. Đêm đó, vì mới lừa bán chiếc xe máy của mẹ để lấy tiền mua ma túy nên Hiếu không dám về nhà. Bạn Hiếu cũng thế, hết lần này đến lần khác lừa bố mẹ bán đồ đạc để lấy tiền thỏa mãn những cơn vật may túy.

Hai kẻ nghiện lang thang trong đêm, bạn Hiếu thì nghĩ làm cách nào để kiếm được chỗ ngủ, còn Hiếu thì nghĩ "Sao đời mình lại ra nông nỗi này? Mình nhất định sẽ phải từ bỏ ma túy để làm lại cuộc đời".

hanh trinh lam lai cuoc doi cua chang trai nghien ma tuy
Sau 2 năm đoạn tuyệt với ma túy, Hiếu đã ngộ ra được nhiều điều.

Sau đêm hôm đó, Hiếu lên kế hoạch sẽ cai nghiện ma túy. Và Hiếu nhớ tới lời của người dì, rằng, "chỉ cần cháu có quyết tâm, dì sẽ giúp cháu từ bỏ ma túy". Vay bạn 200 nghìn đồng, Hiếu không nói với ai về ý định làm lại cuộc đời. Tháng 5-2017, cậu được dì đưa đến Hội Liên hiệp Thanh niên quốc tế (IYF) - tổ chức do giáo sư Park Ock Soo sáng lập ở Hàn Quốc năm 2001, dạy cho thanh niên về Mind Education (định hướng tinh thần). Một nhánh hoạt động của tổ chức này là giúp định hướng lại cho những người bị nghiện ma túy, nghiện game...

Hiếu sinh ra trong một gia đình có điều kiện về kinh tế nhưng điều đó đồng nghĩa với việc bố mẹ Hiếu mải mê làm ăn. Bất kể nhu cầu nào về vật chất của con bố mẹ Hiếu cũng có thể đáp ứng nhưng thời gian để quan tâm đời sống tinh thần của con mình thì họ lại không có. Hơn nữa, trong thời điểm đó, hôn nhân của bố mẹ Hiếu đang trục trặc. Hiếu thường xuyên thấy mẹ khóc thầm.

Nhà ít người nhưng cơm dọn ra mỗi người ăn một đợt. Hiếu bảo, nhìn cảnh đó cậu cảm thấy buồn và chán nản vô cùng. Nghĩ rằng chẳng ai quan tâm đến cảm giác của mình nên Hiếu thường xuyên bỏ học để lao vào các cuộc chơi bời, đánh nhau.

Chỉ đến khi biết con dính vào ma túy, bố mẹ Hiếu mới thực sự sốc. Mẹ Hiếu đau đớn thốt lên: "Tao mang nặng đẻ đau mà giờ mày trả công tao thế này à?". Còn bố Hiếu thì bất lực nói với con: "Thà tao nuôi con chó còn có giá trị hơn mày".

hanh trinh lam lai cuoc doi cua chang trai nghien ma tuy
Nguyễn Hữu Hiếu trong một buổi lao động tình nguyện.

Từ khi dính vào ma túy, Hiếu nhận ra một điều bất cứ nơi nào mình đến đều bị mọi người nhìn với ánh mắt khinh bỉ. Không còn bạn bè, người thân, không có ước mơ, đã vài lần cậu tìm tới cái chết. "Có lần mình mua thuốc ngủ uống thật nhiều để chết nhưng ngủ ba ngày rồi tự tỉnh. Một số lần khác mình đứng trên lan can, định nhảy xuống nhưng lại không đủ can đảm" - Hiếu kể.

Sẽ đi du học và trở thành hướng dẫn viên du lịch

Khi được dì đưa tới Hội Liên hiệp Thanh niên quốc tế (IYF), Hiếu thấy không khí ở đây khác hẳn. Khi được những nụ cười thân thiện. Người ta còn chủ động tiếp cận và bắt chuyện với cậu. Mỗi ngày từ một đến hai lần, cậu được thầy cô trong trung tâm trò chuyện riêng.

hanh trinh lam lai cuoc doi cua chang trai nghien ma tuy
Giáo sư Nam Jin Hyang - Giám đốc IYF tại Hà Nội - một trong những người thầy đã đưa phương pháp Mind Education thay đổi cuộc đời Hiếu.

Chẳng ai bảo cậu "phải cai nghiện đi", "phải làm lại cuộc đời" mà họ thường xuyên hỏi Hiếu "hôm nay có khoẻ không?", "vào đây đã quen chưa?"... Cậu có cảm giác giữa mình và những người mình gặp trong IYF không hề có khoảng cách. Khi Hiếu sẵn sàng mở lòng mình thì các giảng viên của IYF bắt đầu nói với cậu về "Mind Education".

"Trong này các thầy cô giảng bài hay lắm. Đôi khi chỉ là câu chuyện về động cơ và cái phanh thôi các thầy cô cũng khiến mình ngộ ra được nhiều điều. Chẳng hạn động cơ được coi như nhu cầu, còn cái phanh là khả năng kiềm chế của con người. Cái phanh phải thắng động cơ mới là chiếc xe an toàn. Tức là khả năng kiềm chế phải mạnh hơn nhu cầu để khi cần thiết thì phải biết chế ngự lại" - Hiếu chia sẻ.

Hiếu bảo, do trước kia "cái phanh" trong con người mình không mạnh nên cậu đã bị lôi cuốn vào những thú vui vô bổ và trượt dài trong những cơn phê ma túy. Nhưng cho đến bây giờ thì Hiếu tự tin rằng "cái phanh" của cậu có thể hoàn toàn điều khiển được động cơ.

Để luyện cho "cái phanh" của mình tốt, Hiếu tập làm những việc mình không thích, thay vì làm điều mình thích. Cậu bắt đầu từ việc ăn mướp đắng, sầu riêng, lao ra trời mưa làm việc... Cậu cũng học nhảy, ngoại ngữ và tham gia nhiều hoạt động tình nguyện.

Có hôm Hiếu phải xách vữa lên tầng, vì mệt nên Hiếu ngồi phệt xuống một góc cầu thang để nghỉ. Thấy thái độ làm việc có vẻ uể oải của cậu, một học viên khác đã nhắc nhở nhưng vẫn thấy cậu ngồi ì ở đó. Bực tức, người này đã xông vào đấm Hiếu chảy máu mũi.

hanh trinh lam lai cuoc doi cua chang trai nghien ma tuy
Hiếu học và làm tình nguyện tại Philippine.

"Nếu như trước kia chắc chắn mình đã lao vào đánh cho người kia một trận nhừ tử rồi. Thực sự lúc đó máu nóng cũng bốc lên ngùn ngụt thế nhưng không hiểu sao lúc đó mình không có chút phản kháng nào mà chỉ nói rất nhẹ nhàng "tôi đang cai nghiện nên sức khỏe còn yếu. Anh thông cảm nhé!" - Hiếu kể lại. Chàng thanh niên này cười bảo có lẽ nguyên lý về "động cơ" và "cái phanh" đã thực sự ngấm vào tiềm thức của cậu nên cậu mới kiềm chế được cảm xúc được tốt như thế.

Nếu như giai đoạn mới vào, Hiếu từng có ý định bỏ trốn mỗi khi lên cơn thèm thuốc, nhưng dần dần Hiếu đã luyện cho mình khả năng kiềm chế mạnh mẽ. Chính "cái phanh" này đã giúp cậu chiến thắng các cơn nghiện. Sau ba tháng ở đây, Hiếu không còn lên cơn thèm thuốc nữa.

Tết 2019, sau một năm đi Philippines với sự hỗ trợ riêng của giáo sư Nam Jin Hyang, giám đốc IYF tại Hà Nội, Hiếu trở về nhà với một con người khác, tinh thần khác. "Chỉ trong một năm, giao tiếp tiếng Anh của Hiếu tốt hơn cả những sinh viên ngoại ngữ học bốn năm. Tại IYF, chúng tôi chỉ tạo ra tinh thần mạnh mẽ và môi trường tích cực. Như Hiếu đi sang Philippines một năm.

Bạn ấy được tiếp xúc môi trường mới, thấy tiếng Anh thú vị, được học nhảy. Dần dần, Hiếu thấy sự thú vị của môi trường mới. Khi nói được 2 ngôn ngữ, bạn ấy bắt đầu tự hào về bản thân. Chính những điều này sẽ giữ gìn cuộc sống cho bạn ấy và dễ dàng hướng bạn ấy bước đi theo hướng tích cực hơn" - Giáo sư Nam Jin Hyang, Giám đốc IYF tại Hà Nội cho biết.

22 tuổi, Hiếu đi học trở lại. Chàng trai từng đạt giải Toán trên máy casio giờ phải nhờ bạn chỉ cho cách giải phương trình... nhưng Hiếu không ngại. Sáng học chương trình lớp 12, chiều học lớp tiếng Hàn, tối học lớp tiếng Anh. Hiếu đặt mục tiêu mình sẽ phải học Tiếng Anh, tiếng Hàn của cả kỳ sau luôn. Chàng thanh niên này có vẻ như đang chạy đua với thời gian để bù đắp cho những năm tháng sai lầm của tuổi trẻ.

Phong Anh
Nguồn: CAND
cstc.cand.com.vn
Phiên bản di động