Hàng hóa dự trữ dồi dào, đảm bảo chống “bão” Covid-19

Lượng hàng hóa dự trữ tăng từ 150 - 500% so với tháng thường, giá cả ổn định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng lên của người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Lần đầu tiên dự trữ bằng vàng của Nga nhiều hơn USD Nhiều tỉnh miền Trung “cấm biển”, cho học sinh nghỉ học tránh bão Thống nhất bổ sung 274 tỷ đồng mua bù gạo dự trữ

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Bộ Công thương đã thành lập bộ phận thường trực gồm đại diện Vụ Thị trường trong nước và đại diện Phòng Quản lý Thương mại của 63 Sở Công thương các tỉnh, thành phố nhằm kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh lưu thông, tiêu thụ nông sản cho địa phương.

Theo lãnh đạo Bộ Công thương, tại các hệ thống phân phối lớn, công tác chuẩn bị nguồn hàng dự trữ vẫn được duy trì trong giai đoạn chống dịch Covid-19 với lượng hàng hóa tăng từ 150-500% so với tháng thường giá cả ổn định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng lên của người dân trong bối cảnh dịch bệnh.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ các địa phương trên cả nước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Công thương đã chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch; Tiếp tục tiếp nhận thông tin và phối hợp với các địa phương, các đơn vị chức năng có liên quan để giải quyết các khó khăn vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp… trong việc vận chuyển lưu thông hàng hóa (đặc biệt là nông sản) tại các địa bàn bị phong toả và có dịch.

Hàng hóa dự trữ dồi dào, đảm bảo chống “bão” Covid-19
Lãnh đạo Bộ Công thương đi kiểm tra công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ công tác chống dịch Covid-19 (Ảnh: MOIT)

Đồng thời, Bộ Công thương cũng đã đề nghị các doanh nghiệp phân phối cam kết bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong hệ thống phân phối, nhất là tại địa phương có dịch bệnh; Chủ động liên hệ với các doanh nghiệp phân phối lớn để nắm thông tin nguồn cung hàng hóa trong hệ thống các siêu thị nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Đại diện Bộ Công thương cho biết, trên cơ sở đề nghị của Bộ, các địa phương, doanh nghiệp cũng đã chủ động xây dựng các phương án, kịch bản lưu thông, tiêu thụ nông sản để ứng phó với các mức độ của dịch bệnh.

Đơn cử như tỉnh Bắc Giang đã xây dựng các phương án tiêu thụ nông sản theo ba cấp độ của dịch bệnh ứng với kịch bản. Trong đó, kịch bản 1 là dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ thuận lợi; Kịch bản 2 là dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát và kịch bản 3 là dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, sản lượng vải thiều 90% tiêu thụ nội địa và 10% xuất khẩu.

Hàng hóa dự trữ dồi dào, đảm bảo chống “bão” Covid-19
Nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân, thị trường không có hiện tượng tăng giá đột biến

Trong khi đó, các doanh nghiệp phân phối lớn đều cam kết bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong hệ thống phân phối, trong đó có kế hoạch bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống; có báo cáo phương án cung ứng hàng hóa về Vụ Thị trường trong nước.

Tại các hệ thống phân phối lớn như Sài Gòn Co.op (chuỗi siêu thị Co.op Mart, Co.op Food, Co.op Extra), Vincommerce (chuỗi Vinmart và Vinmart +); BRG Retail (chuỗi Hapro Mart, Intimex, Fuji Mart, Seika Mart), Central Group (chuỗi Big C; Go!; Lan Chi Mart), Bách Hóa Xanh… công tác chuẩn bị nguồn hàng dự trữ vẫn được duy trì trong giai đoạn chống dịch Covid-19 với lượng hàng hóa tăng từ 150 - 500% so với tháng thường, giá cả ổn định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng lên của người dân khi dịch.

Đồng thời, hệ thống phân phối (siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối…) cũng đã sớm làm việc với các địa phương sản xuất nông sản tập trung, có sản lượng lớn để xây dựng kế hoạch, phương án chế biến, dự trữ, vận chuyển, lưu thông tiêu thụ nông sản trong hệ thống và phấn đấu tăng lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh từ hai lần trở lên so với năm trước.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong bối cảnh dịch bệnh, nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân, thị trường không có hiện tượng tăng giá đột biến, việc tiêu thụ nông sản thuận lợi, không có hiện tượng ùn ứ nông sản như giai đoạn trước.

Trong thời gian tới, để việc lưu thông, tiêu thụ nông sản kịp thời hiệu quả, đặc biệt trong yêu cầu, điều kiện phòng chống dịch, Bộ Công thương đề nghị ngành Y tế nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn về các thủ tục xét nghiệm; Tạo điều kiện cho đội ngũ lái xe và người áp tải hàng được tiêm vaccine phòng dịch Covid-19.

Đồng thời, Bộ Công thường cũng đề nghị ngành Giao thông vận tải nghiên cứu hướng dẫn để thực hiện việc phương tiện vận chuyển hàng hóa khi có đầy đủ giấy xác nhận phòng chống dịch theo quy định được ưu tiên “luồng xanh” để lưu thông trong thời gian ngắn nhất; Phối hợp các địa phương chủ động phương án xây dựng các điểm, các trạm dừng nghỉ do quân đội quản lý bảo đảm an toản phòng dịch, an toàn giao thông cho lái xe và phương tiện (gọi là vùng đệm trung chuyển hàng hóa).

Trong khi đó, ngành Nông nghiệp chỉ đạo, điều tiết sản xuất nông nghiệp theo đúng nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, nhu cầu nông sản trong bối cảnh dịch bệnh thường giảm hơn điều kiện bình thường (để hạn chế tối đa việc tồn ứ nông sản); Căn cứ nhu cầu của thị trường đề điều tiết lại sản xuất cũng như phát triển ngành chế biến, dự trữ và dịch vụ logistics phù hợp, để giảm thiểu tình trạng cung vượt cầu (là lý do cơ bản gây ra tình trang giá nông sản bấp bênh như thời gian qua).

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đề nghị các địa phương tiếp tục thực nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để tao điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động lưu thông hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, ưu tiên nguồn lực để góp phần thiết lập “luồng xanh” trong lưu thông hàng hóa.

Theo TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động