Hái “lộc trời” ngày giáp Tết

Bao đời nay mứt biển được xem là lộc trời cho giúp người dân Nam Ô có thêm thu nhập vào những ngày cận kề Tết và buổi giêng hai…Mứt biển mỗi năm chỉ có một mùa, đó là vào mùa biển động, là sau mùa mưa. Mứt biển mọc ra và bám chắc vào các rạn đá, đen óng và mượt mà. Nhờ loài rong mỗi năm xuất hiện một lần này, bao đời nay được xem là lộc trời cho giúp người dân Nam Ô có thêm thu nhập vào những ngày cận kề Tết và buổi giêng hai…
Thả cá đừng thả túi nilon

Trong ký ức của những cư dân sống ở làng biển Nam Ô (hay còn gọi là phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), từ bao đời nay, nếu như đi biển là nghề quanh năm nuôi sống gia đình thì hái rong mứt bên gành biển cũng là một công việc cho họ kiếm thêm thu nhập mùa vụ vào những ngày cuối đông, đầu xuân.

hai loc troi ngay giap tet

Mưu sinh ngày cuối năm bên gềnh đá Nam Ô

Khi trời còn chưa tỏ, hơi sương lạnh còn len lỏi theo những đợt gió lùa, những người dân Nam Ô đã bắt đầu một ngày đi hái rong mứt trên các ghềnh đá với đầy hi vọng. Công việc hái “lộc trời” thường bắt đầu từ 3 giờ sáng. Bãi Rạn – Gềnh Nam Ô vào lúc đó hiện lên ảo diệu bởi hàng trăm ánh sáng từ đèn pin cá nhân phủ đầy gềnh. Từng nhóm người chia nhau ra các rạn đá để hái mứt biển. Dụng cụ hái mứt biển của người dân chỉ đơn giản gồm 1 miếng kim loại tròn, mỏng, sắc để hái và một túi lưới nhỏ để đựng mứt thu hoạch.

Liên tay miết tấm dụng cụ hái mứt vào đá, cô Đinh Thị Kế (59 tuổi) cho biết mùa hái mứt biển bắt đầu từ tháng 10 (khoảng tháng 9 âm lịch) và kết thúc vào khoảng cuối tháng 2 (tháng 1 âm lịch) năm sau, tùy thời tiết. Nhưng cao điểm mùa mứt biển là vào khoảng tháng 10 đến tháng 12 hàng năm. Nhà cô Kế có 3 người, cứ đến mùa mứt biển là 2 mẹ con cô đi hái mứt.

hai loc troi ngay giap tet

Mứt biển được xem là lộc trời cho giúp người dân Nam Ô có thêm thu nhập vào những ngày cận kề Tết và buổi giêng hai…

“Vào cao điểm, hôm nào cào nhiều thì thu nhập bạc triệu là bình thường, có người cào được cả chục, mười năm ký, thu nhập cả vài bai triệu ấy chứ”, cô Kế chia sẻ và cho biết, đặc thù mứt biển chỉ mọc ở các gềnh đá, nên vào mùa này, cả làng chia nhau ra đi khắp các gềnh, trẻ thì đi những gềnh xa ra tới tận chân đèo Hải Vân hay sang phía gềnh bán đảo Sơn Trà, già thì bám những gềnh quanh làng Nam Ô như bãi Rạn.

Đối với phụ nữ làng chài, dù mùa mứt chỉ kéo dài vài bốn tháng nhưng đó cũng như là nghề mưu sinh chính. Bởi nếu chịu khó, thời tiết ủng hộ và may mắn thì chỉ sau một mùa mứt họ có thể thu nhập lên đến 50 – 70 triệu.

“Người dân ở đây coi đi biển như lẽ mưu sinh tất yếu. Gềnh đá là nơi mưu sinh cho người dân bao đời. Mùa biển êm thì sống nhờ cá, mùa biển động thì nhờ mứt biển. Đàn ông thì đi biển, đàn bà đi cào ốc, bào ngư, đi hái mứt. Cái nghề bám biển mưu sinh cũng đủ nuôi con, nuôi cái nên người”, cô Kế tâm sự.

hai loc troi ngay giap tet

Mứt biển đang vào mùa tại các bãi đá ở Nam Ô

Sinh ra và lớn lên tại làng Nam Ô, đến nay đã 65 tuổi, cô Trương Thị Lượng vẫn từng ngày bám biển. Cô Lượng kể, từ nhỏ đã theo chân bố mẹ ra biển, mùa biển êm thì đi thuyền thúng đánh bắt cá, hải sản, mùa biển động thì đi cào mứt, bắt ốc, bào ngư. Cứ vậy lớn lên từ biển, sống nhờ biển, rồi thì đến mười tám, đôi mươi thì tự đi biển xa bờ. Đến bây giờ, khi đã không còn sức khỏe như trước vẫn bám biển, nhưng gần bờ, đó là đi hái mứt.

“Dân làng chài việc gì liên quan đến biển đều làm hết, làm riết rồi quen, như là thấm vào người, nên cực thì không cực, chỉ là mình phải canh “trời”. Mứt biển phụ thuộc vào thời tiết, năm nào mùa mưa mưa nhiều thì mứt nhiều, mưa ít thì mứt ít. Rồi thì cũng theo thủy triều lên xuống”, cô Lượng nói và cho biết thêm mứt biển được gọi là lộc trời bởi nó mọc vào mùa biển động, khi những con thuyền thúng, tàu bè phải nằm bờ. “Đó coi như là sự bù trừ của tự nhiên, và người dân không phải ra biển, mà chỉ quanh các gềnh đá, bám đó, thu hoạch mứt để mưu sinh. Đó là lộc trời”.

Khi đã qua tuổi mưu sinh rồi, người dân làng chài vẫn ra biển vì nhớ. “Con cô không cho đi đâu, nhưng nhớ biển nên cứ mò ra, chỉ hái ở vài rạn đá ngay lối xuống, làm để đỡ nhớ biển, để thấy mọi người mưu sinh với biển, mỗi buổi chỉ hái được vài ba lạng mứt, mang về ăn hoặc cho con cái mỗi đứa vài làng nấu canh chứ không buôn bán gì”, cô Mai Thị Ba (68 tuổi) góp chuyện.

hai loc troi ngay giap tet

Mứt biển sau khi thu hoạch về được phơi khô

Khoảng 8 giờ sáng, khi mặt trời đã lên cao, người dân làng Nam Ô từ khắp các gềnh đá hái mứt trở về. Mứt biển sau khi được thu hoạch sẽ được người dân mang về rửa sạch và sẽ được đem bán tươi hoặc hong khô, tùy thời tiết, giá cả. Sợi mứt càng dài, càng óng và dày thì giá càng cao.

Hiện nay, mứt không chỉ còn là một món ăn quen thuộc trong bữa cơm của người dân Nam Ô nữa. Mứt đã trở thành một món chay không thể thiếu trong bữa cơm chay của những người theo đạo phật ở Đà Nẵng, xuất hiện trong các nhà hàng sang trọng ở Sài Gòn, Hà Nội, hay tận bên Trung Quốc, Nhật Bản xa xôi. Đặc biệt hơn thì mứt là món ăn rất phù hợp với những người ăn chay trường vì nó giàu chất dinh dưỡng. Giá của mứt biển dao động từ 100.000 – 350.000 đồng/kg tùy theo mùa ít nhiều, chất lượng mứt đối với mứt tươi, và có giá từ 1,5 – 2 triệu đồng/kg đối với mứt xe (mứt hong khô tự nhiên).

Những ngày cuối năm ở bãi biển Nam Ô tấp nập hơn ngày thường bởi sự rộn ràng cười nói của những cư dân ra biển sớm để hái rong mứt. Với người dân sinh ra và lớn lên ở làng chài này, sau mỗi mùa mứt, họ lại tràn đầy hi vọng về một cái Tết ấm no, đủ đầy hơn.

Nguồn TNMT
baotainguyenmoitruong.vn
Phiên bản di động