Hai bệnh nhân Covid-19 416 và 418 tiên lượng rất nặng, nhiễm chủng virus chưa từng có

2 bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng (bệnh nhân 416 và bệnh nhân 418) được tiên lượng rất nặng. Đến thời điểm này đây là hai bệnh nhân COVID-19 nặng nhất trong tổng số 55 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước ta
Sẵn sàng công tác đón bệnh nhân mắc Covid-19 từ Guinea Xích Đạo về nước Covid-19 tái định hình an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thế nào? Bắc Giang giám sát 914 trường hợp trở về từ Đà Nẵng sau 2 ngày rà soát

Bệnh nhân 416 được công bố ngày 25/7. Trước đó, bệnh nhân 416 nhập viện Bệnh viện C Đà Nẵng từ ngày 20 đến sáng 24/7 với chẩn đoán viêm phổi. Tới 9h30 ngày 24/7, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Đà Nẵng với chẩn đoán viêm đường hô hấp cấp do nhiễm SARS-CoV 2 (Covid-19), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn.

Bệnh nhân diễn biến tăng nặng rất nhanh, phải chạy ECMO (hệ thống tuần hoàn oxy ngoài cơ thể (còn gọi là hệ thống tim phổi nhân tạo), đến hôm nay là ngày thứ 4, lọc máu liên tục, thở máy hỗ trợ.

Đến sáng ngày 27/7, bệnh nhân còn sốt nhẹ (37-38 độ C). Bệnh nhân không ghi nhận dấu hiệu xuất huyết.

Tiểu ban Điều trị nhận định các chỉ số và chức năng trong phạm vi kiểm soát, nhưng tiên lượng rất nặng, khả năng vẫn tiếp tục thở máy, ECMO phổi nhân tạo, lọc máu liên tục.

Về bệnh nhân 418 được công bố sáng ngày 26/7. Bệnh nhân đang được điều trị tại Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đà Nẵng từ 21/7 với chẩn đoán theo dõi lao phổi bội nhiễm trên nền bệnh đái tháo đường type2, tăng huyết áp.

hai ca mac covid 19 moi tai quang ngai va da nang
Ảnh minh họa

Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực chống độc cuối giờ chiều 23/7. Tới 2h30 ngày 26/7, bệnh nhân được chuyển sang Khoa Y học nhiệt đới cùng bệnh viện.

Bệnh nhân 61 tuổi này đã gặp biến chứng suy hô hấp, suy tim, tổn thương thận cấp, hiện nằm yên dưới tác dụng an thần, giãn cơ, sốt nhẹ, có thở máy hỗ trợ.

Bệnh nhân đến hôm nay nằm yên dưới tác dụng an thần, giãn cơ; nhiệt dao động từ 37-39 độ C. Bệnh nhân phải thở máy hỗ trợ, không ghi nhận dấu hiệu xuất huyết.

Theo Tiểu ban Điều trị, bệnh nhân này có tiên lượng rất nặng, tiếp tục thở máy và lọc máu liên tục.

Trước đó, tối ngày 26/7, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng có Công văn hoả tốc số 964/KCB-NV gửi Sở Y tế TP Đà Nẵng. Tại công văn này, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê yêu cầu Đà Nẵng tổ chức họp thống nhất kế hoạch, phân công công việc giữa các đơn vị của Đà Nẵng và phối hợp chặt chẽ với các đội cơ động, tổ công tác của Bộ Y tế để đảm bảo không trùng lặp đạt hiệu quả cao.

Cùng đó, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân và các điều kiện làm việc cần thiết cho các đội, tổ công tác thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên tham gia các cuộc họp do các tổ, đội công tác yêu cầu, đề xuất để phối hợp thực hiện các giải pháp khoanh vùng, dập dịch.

Tập trung tối đa mọi nguồn lực để ưu tiên quản lý, điều trị chăm sóc toàn diện cho các người bệnh đặc biệt là ca bệnh 416, 418 đang có diễn biến nhanh và nặng

Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng yêu cầu Bệnh viện cũng phải nghiêm túc tuân thủ và thực hiện các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế của Tiểu ban Điều trị để quản lý, điều trị, chăm sóc hiệu quả cho người bệnh. Tuyệt đối bảo đảm nguyên tắc quản lý, cách ly an toàn triệt để người bệnh. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ, kiểm soát nhiễm khuẩn tránh lây nhiễm cho cán bộ y tế, người bệnh và cộng đồng.

Trong sáng ngày 27/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh vừa qua xuất hiện một số ca dương tính tại TP. Đà Nẵng.

Báo cáo tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Y tế - GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện chưa có đủ bằng chứng là 4 ca nhiễm vừa công bố ở Đà Nẵng có cùng nguồn lây, có thể dịch đến từ nhiều nguồn và khởi phát của ổ dịch bắt đầu từ cộng đồng. Chủng virus ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng mới so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam, là chủng xâm nhập từ bên ngoài.

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, dịch có thể bắt đầu từ đầu tháng 7 và cho đến nay, Đà Nẵng đã trải qua 4 chu kỳ lây nhiễm và có thể còn nhiều trường hợp lây nhiễm nữa.

Sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng, TP. Đà Nẵng và Bộ Y tế đã có nhiều biện pháp ngăn chặn sự lây lan.

Đà Nẵng đã chủ động bao vây, khoanh ổ dịch. Ngành y tế tăng cường cán bộ trực tiếp vào Đà Nẵng. Quân khu 5 đã huy động bộ đội hóa học khử trùng nơi có bệnh nhân dương tính. Đà Nẵng đã chủ động giãn cách một bước như không tập trung trên 30 người, khuyến cáo làm thủ tục để khách rời Đà Nẵng. Tối qua, các hãng hàng không đã tăng cường hàng chục chuyến để đưa hành khách rời Thành phố.

Hiện Bộ Y tế đã cử 4 đội cán bộ tinh nhuệ nhất vào Đà Nẵng để hỗ trợ phòng chống dịch.

D.Minh
Phiên bản di động