Hà Nội ưu tiên sử dụng xe buýt để giảm thiểu ùn tắc giao thông

Trong kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc trong 3 năm tới, Hà Nội ưu tiên phát triển phương tiện công cộng trong đó có xe buýt. 
Hà Nội nỗ lực khắc phục giảm tai nạn và khắc phục ùn tắc giao thông

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/2/2019 của Chính phủ về “Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021” trên địa bàn thành phố.

Theo kế hoạch này, Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội và các sở, ban, ngành liên quan tập trung tham mưu hoàn thiện Đề án mở rộng, nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Làm sao để đến năm 2020 đảm bảo chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng đạt 20% - 25% tổng nhu cầu đi lại; năm 2030, chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng khu vực đô thị trung tâm đạt khoảng 50% - 55% tổng nhu cầu đi lại, khu vực các đô thị vệ tinh đạt khoảng 40% tổng nhu cầu đi lại.

ha noi uu tien su dung xe buyt de giam thieu un tac giao thong
Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ nâng cao chất lượng vận tải công cộng đặc biệt là xe buýt bằng cách: đổi mới phương tiện xe buýt, chọn xe buýt có sức chứa phù hợp, mở rộng phạm vi tuyến xe buýt và liên kết xe buýt với các nhà ga, đường sắt, bến xe... để người dân đi lại thuận tiện hơn.

Thành phố cũng sẽ tiếp tục mở mới các tuyến buýt kết nối Thủ đô với các tỉnh, thành phố lân cận; Tổ chức quản lý, khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt đô thị; trong năm 2019, tập trung khai thác hiệu quả tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sau khi Bộ Giao thông Vận tải bàn giao cho thành phố Hà Nội quản lý, khai thác…

TP Hà Nội cũng ưu tiên phát triển các hình thức vận tải công cộng. Khuyến khích các bến xe xã hội hóa đầu tư (bến xe hiện hữu và các bến xe mới) nâng cấp xây dựng thành bến xe cao tầng, gắn với tổ hợp thương mại; đồng thời tổ chức các tuyến xe buýt sức chứa nhỏ, các loại hình vận tải hành khách công cộng khác như taxi, xe hợp đồng, xe 4 bánh gắn động cơ (chạy điện hoặc chạy xăng sinh học), xe đạp công cộng để kết nối điểm đầu cuối tuyến xe buýt, ga đường sắt (đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia), cảng hàng không.

Đồng thời, siết chặt công tác quản lý vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện; gắn chặt chẽ trách nhiệm của chủ doanh nghiệp vận tải với người điều khiển phương tiện được chủ doanh nghiệp thuê. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe và khám sức khỏe cho người học lái xe…

Mới đây, Hà Nội đã công bố kế hoạch mở mới các tuyến buýt năm 2019. Theo đó, sẽ có 2 tuyến buýt tiếp tục tiếp cận và phục vụ các khu du lịch vào cuối năm. Đó là tuyến Yên Nghĩa - Hoài Đức (phục vụ điểm du lịch Chùa Trăm gian) và tuyến Phùng - Sơn Tây (phục vụ khu vực Thành cổ Sơn Tây, Đền Và). UBND TP cũng vừa chấp thuận phương án mở mới 4 tuyến xe buýt trợ giá sử dụng nhiên liệu sạch là khí CNG. Các tuyến này bao gồm: Tuyến số 1: Kim Lũ (Sóc Sơn) - Nam Thăng Long (cự ly: 31,3 km); Tuyến số 2: Cầu Giấy - Tam Hiệp (Thanh Trì) (cự ly: 16 km); Tuyến số 3: Nhổn - Thọ An (cự ly: 21 km); Tuyến số 4: bến xe Yên Nghĩa - Hoài Đức (cự ly: 34 km).

Theo một thống kê hồi tháng 3/2019, Hà Nội hiện có 1.800 xe buýt chạy trên 123 tuyến. bao phủ 30/30 quận huyện đáp ứng 14,2% nhu cầu đi lại của 10 triệu dân.

Duy Tân
Phiên bản di động