Hà Nội nới lỏng từng bước nhưng vẫn bảo đảm công tác phòng, chống dịch

TTTĐ - Hà Nội đã yêu cầu từng đơn vị đánh giá về nguy cơ trong từng ngành, lĩnh vực, căn cứ đề xuất và tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố, quyết định dần nới lỏng các hoạt động bị tạm dừng.
Thành đoàn Hà Nội triển khai 6 điểm tiêu thụ nông sản giúp nông dân Hải Dương Đưa Hoàng thành Thăng Long trở thành công viên di sản xứng đáng với giá trị toàn cầu Hà Nội yêu cầu đăng ký thông tin điểm kiểm dịch và quét mã QR Code đến và đi cho bệnh nhân
Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng báo cáo tại đầu cầu Hà Nội
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng báo cáo tại đầu cầu Hà Nội

Sáng 24/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với các Bộ, ngành, địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Dự họp tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng và đại diện các Sở, ngành thành phố.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, từ ngày 16/2 đến nay (9 ngày), Hà Nội chưa ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng. Cộng dồn của giai đoạn 4, thành phố có 35 ca mắc ngoài cộng đồng; 1.140 trường hợp F1 đã được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có 30 trường hợp cho kết quả dương tính. 12.829 trường hợp F2 đều được cách ly tại nhà theo dõi sức khỏe theo quy định.

Về việc rà soát, xét nghiệm cho những người về từ các vùng có dịch, Hà Nội đã thực hiện xét nghiệm cho 51.744/53.289 người, đến nay, 48.919 mẫu đã có kết quả, tất cả đều âm tính. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố hiện còn 529 trường hợp nhập cảnh, đang thực hiện cách ly tập trung; 4 địa điểm hiện còn phong tỏa, gồm: Khách sạn Somerset, quận Tây Hồ; Tòa nhà Sun Red River, 23 Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm; 5 hộ gia đình tại thôn Do Hạ, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh; Nhà 14/4B Yên Thế, phường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình.

Bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều biện pháp quyết liệt và đồng bộ, như: Tạm dừng mở cửa đón khách tại các khu di tích, cơ sở tôn giáo, các quán ăn, uống đường phố từ ngày 16/2; Tạm dừng tổ chức họp tập trung các bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp... từ ngày 17/2; Kiện toàn hơn 20 nghìn tổ "Giám sát và tuyên truyền phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng"; Tăng cường tuyên truyền, vận động kết hợp kiểm tra, xử phạt những trường hợp vi phạm...

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, trên cơ sở kết quả xét nghiệm của người đi về từ các vùng dịch trên cả nước và sau 9 ngày chưa ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng, UBND thành phố đã giao các Sở, ban, ngành đánh giá về nguy cơ trong từng ngành, lĩnh vực, đề xuất các giải pháp để đưa các hoạt động dần trở lại trạng thái bình thường mới cũng như đề xuất Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội nới lỏng từng bước nhưng vẫn bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

Trên cơ sở thực tế triển khai, thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua ở Hà Nội, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội đề nghị các Bộ, ban, ngành Trung ương sớm có chỉ đạo, hướng dẫn về công tác tổ chức lưu thông hàng hóa đối với các địa bàn có dịch để các tỉnh, thành phố có căn cứ thực hiện. Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể, thống nhất về cách tính thời gian thực hiện cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ có cơ chế để các tỉnh thành có thể trực tiếp tiếp cận nguồn vaccine tiêm phòng Covid-19. Các Bộ, ngành có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể các tỉnh thành phố trong việc lưu thông hàng hóa của các địa phương đang có dịch bệnh để thống nhất thực hiện trong cả nước.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động