Hà Nội: Nhiều dịch bệnh mùa hè gia tăng

Sở Y tế Hà Nội cho biết, do thời tiết nên nhiều dịch bệnh đang gia tăng trên địa bàn Hà Nội như các bệnh sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà...  Thời tiết oi bức, nhiệt độ tăng cao cũng là nguy cơ đe dọa với sức khỏe của người cao tuổi.
Dự báo thời tiết ngày 29/4: Bắc Bộ nắng nóng diện rộng, nhiều nơi trên 39 độ C

Trong tháng 3 và đầu tháng 4/2019, trung bình mỗi tuần Hà Nội có 70 - 80 người mắc sởi; riêng từ ngày 15 - 21/4, số người mắc sởi ở Hà Nội đã tăng vọt lên 123 ca, nâng tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay lên 928 ca, chưa có trường hợp tử vong theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội.

Các quận, huyện có số người mắc sởi cao là: Hoàng Mai (123 ca), Thanh Xuân (67 ca), Nam Từ Liêm (65 ca), Hà Đông (57 ca), Đống Đa (48 ca), Thanh Trì (46 ca). Số người mắc sởi dưới 9 tháng tuổi chiếm 25% và trên 15 tuổi chiếm 30%. Đây là những đối tượng thường có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi thấp hơn độ tuổi từ 1 - 15 tuổi.

Bên cạnh đó, số ca mắc các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà… cũng tăng nhẹ so với trước đó.

ha noi nhieu dich benh mua he gia tang
Cảnh báo nhiều dịch bệnh gia tăng do nắng nóng. Ảnh minh họa

Sở Y tế cũng cho biết, hiện các bệnh này vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng kèm theo mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và gây bệnh. Thêm vào đó, mùa hè là thời gian gia tăng hoạt động đi lại, du lịch, buôn bán, vận chuyển gia cầm. Điều này cũng làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm như: Cúm gia cầm, ho gà, bạch hầu, viêm não...

Trước nguy cơ nhiều dịch bệnh có thể bùng phát trong mùa hè, Phó Giám đốc Sở Y tế yêu cầu tiếp tục củng cố và nâng cao khả năng phản ứng nhanh của các đội chống dịch cơ động trên địa bàn thành phố. Tại các cơ sở y tế phải bảo đảm đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, vắc-xin, hóa chất cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát, hướng dẫn việc triển khai thực hiện tiêm chủng mở rộng bảo đảm an toàn, hiệu quả; đồng thời tổ chức kiểm tra vệ sinh môi trường, giám sát thường kỳ chất lượng nước sinh hoạt tại các nhà máy, trạm cấp nước…

Ngoài nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong mùa hè, thời tiết oi bức, nhiệt độ tăng cao cũng là nguy cơ đe dọa sức khỏe của người cao tuổi.

Ở người cao tuổi, hệ thống miễn dịch của cơ thể suy giảm cộng với sự phát triển mạnh của vi khuẩn, vi rút trong mùa hè khiến họ rất dễ mắc các bệnh về rối loạn tiêu hóa, tim mạch, đột quỵ, hô hấp, xương khớp, bệnh ngoài da...

ha noi nhieu dich benh mua he gia tang
Nắng nóng đe dọa sức khỏe của người cao tuổi. Ảnh minh họa

Bác sĩ Nguyễn Xuân Tú, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Tim Hà Nội) cho biết: Nắng nóng gây trở ngại lớn với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch. Bởi khi nắng nóng, người cao tuổi thường ra mồ hôi nhiều, nếu không uống đủ nước hoặc ăn ít rau, canh thì cơ thể sẽ bị mất nước và chất điện giải. Mất nhiều nước sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ tim mạch, có thể làm tim đập nhanh hơn, huyết áp có thể bị tụt... Do đó, khi thời tiết nắng nóng bất thường có những bệnh nhân vừa xuất viện đã phải nhập viện trở lại do khó thở, mất nước... Bên cạnh đó, vào mùa hè, do chế độ sinh hoạt hàng ngày không hợp lý, người cao tuổi cũng có thể bị cảm lạnh. Chẳng hạn đang đi ngoài nắng về tắm ngay hoặc ra vào phòng điều hòa, từ trong xe ô tô bước ra ngoài trời nắng đột ngột... Chính sự thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột khiến cơ thể người cao tuổi khó thích nghi. Ở trường hợp nhẹ có thể gây viêm đường hô hấp trên, như viêm họng, viêm mũi..., nếu nặng dễ dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi...

Trong các bệnh liên quan đến tim mạch, huyết áp xảy ra vào mùa hè thì bệnh đột quỵ ở người cao tuổi chiếm một tỷ lệ đáng kể. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai), nắng nóng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra đột quỵ nhưng lại là yếu tố thuận lợi khiến những người tiềm ẩn những bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý mạch máu, loạn nhịp tim, bệnh van tim, bệnh lý chuyển hóa, béo phì hoặc người nghiện thuốc lá, lạm dụng rượu, bia... có thể bị đột quỵ. Các dấu hiệu của bệnh đột quỵ là rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được, đột ngột mất thị lực, liệt nửa cơ thể, vận động khó khăn, chóng mặt bất thường, đau đầu dữ dội...

Linh Anh (t/h)
TTXVN, Hà Nội mới
Phiên bản di động