Hà Nội làm tốt cải cách hành chính để ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu

Hà Nội xác định làm tốt công tác cải cách hành chính và công khai minh bạch sẽ giúp ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc.
Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử Công bố 2 chỉ số quan trọng về cải cách hành chính
ha noi lam tot cai cach hanh chinh de ngan chan hieu qua tinh trang nhung nhieu
Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại điểm cầu trực tuyến Hà Nội.

Ngày 27/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Phát biểu tại điểm cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, những năm qua, Thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, kịp thời, các chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành trung ương.

Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 07-CTr/TU về nâng cao hiệu quả công tác PCTN; thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2020. Hàng năm, UBND Thành phố đều xây dựng Kế hoạch công tác PCTN, Kế hoạch công tác thanh tra để chỉ đạo các đơn vị thực hiện. Với những chỉ đạo quyết liệt, công tác PCTN đã có chuyển biến và đạt được kết quả bước đầu. Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nêu một số giải pháp, biện pháp của thành phố Hà Nội để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Trước tiên, Thành phố luôn xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng. Thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Thành ủy, UBND Thành phố và cấp trên trực tiếp về toàn bộ công việc thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của mình; trực tiếp tiếp công dân, tiếp thu đầy đủ và xử lý, phúc đáp kịp thời, giải trình theo quy định các phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp.

Hà Nội đã tổ chức hội nghị toàn thành phố để quán triệt kỷ cương hành chính và phát động phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng" đến tận cán bộ chủ chốt cấp cơ sở. Ngoài ra, Hà Nội xác định làm tốt công tác cải cách hành chính và công khai minh bạch sẽ giúp ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc. Vì vậy, Thành ủy đã ban hành Chương trình 08-CTr/TU về "Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020".

Thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc đăng ký và giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay, Hà Nội có 1.120 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (đạt 62%). Nhiều đơn vị đã triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích... Thành phố cũng thường xuyên thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ, quy tắc giao tiếp ứng xử nơi công sở, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm.

Tuy vậy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, công tác ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Thời gian tới, UBND Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của trung ương, nhất là Chỉ thị số 10/CT-TTg (ngày 22/4/2019) của Thủ tướng Chính phủ.

Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công vụ; tổ chức đối thoại, giải quyết kịp thời, dứt điểm khiếu nại, tố cáo; quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Thành phố tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với việc thực hiện tốt quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Thành phố đề cao vai trò nêu gương, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các cơ quan, đơn vị, bộ phận trực thuộc theo hướng phải chịu trách nhiệm trực tiếp, chịu kỷ luật liên quan đến lỗi, vi phạm của cấp dưới thuộc trách nhiệm quản lý; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất về trách nhiệm thực thi công vụ, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm...

Tại Hội nghị này, UBND Thành phố xin kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các Nghị định để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2019); Đề nghị các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục phối hợp, chia sẻ và ủng hộ Hà Nội trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, nhất là trong công tác thanh tra, PCTN và giải quyết khiếu nại tố cáo.

Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động