Hà Nội không để thiếu kinh phí phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi 

Mới đây, Sở Tài chính Hà Nội đã gửi công văn đề nghị các quận, huyện, thị xã chủ động bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Nếu sử dụng vượt quá 50% dự phòng ngân sách thì trình thành phố xem xét hỗ trợ.
Liên tiếp phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi mới ở thành phố Yên Bái Quảng Bình: Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi ở huyện Minh Hóa Nỗ lực phòng chống, TP Sông Công vẫn phát sinh ổ dịch tả lợn châu Phi mới

Dịch tả lợn châu Phi đang ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 21.000 hộ chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội khiến 360.000 con lợn (chiếm khoảng 20% tổng đàn) phải tiêu hủy. Dịch bệnh vẫn đang tiếp tục lan rộng và dự kiến số lượng hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng sẽ còn tăng cao trong thời gian tới.

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố vào khoảng 620 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng kinh phí các quận, huyện, thị xã chi trả cho công tác phòng, chống dịch bệnh mới được trên 200 tỷ đồng. “Việc chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi hiện gặp nhiều khó khăn do số lượng lợn tiêu hủy quá lớn” - ông Mỹ lý giải.

Hà Nội không để thiếu kinh phí phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi
Kiểm tra công tác tiêu hủy lợn chết vì dịch tả châu Phi trên địa bàn TP Hà Nội

Về vấn đề này, mới đây, Sở Tài chính Hà Nội đã gửi công văn số 3882/STC-QLNS đề nghị các quận, huyện, thị xã đảm bảo kinh phí phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố bằng nguồn ngân sách dự phòng.

Các địa phương chỉ cần chi vượt quá 50% tổng ngân sách dự phòng là có thể báo cáo Sở Tài chính tổng hợp, trình UBND TP xem xét, bổ sung kinh phí.

Về chế độ chi bồi dưỡng hỗ trợ cho cán bộ thú y và những người trực tiếp tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch, Sở Tài chính yêu cầu thực hiện theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 1 Quyết định số 1844/QĐ-UBND ngày 3/5/2012 của UBND thành phố về việc sửa đổi, bổ sung Điều 2 Quyết định số 4380/QĐ-UBND ngày 25/8/2009 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành “Quy định mức hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Đối với chi phí tiêu hủy gia súc, gia cầm (mua vật tư, dụng cụ; thuê thiết bị, nhân công... bên ngoài để thực hiện công tác tiêu hủy), Sở Tài chính cho biết, tại điểm b, khoản 2 mục II Thông tư số 80/2008/TT-BTC ngày 18/9/2008 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chế độ tài chính để phòng chống, dịch bệnh gia súc, gia cầm quy định: Gia súc, gia cầm mắc bệnh hoặc trong vùng dịch phải tiêu hủy bắt buộc; gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm do lực lượng phòng, chống buôn lậu, trạm kiểm dịch động vật bắt buộc tiêu hủy theo quy định của pháp luật về thú y.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí tiêu hủy gia súc, gia cầm dựa trên các căn cứ sau: Chi phí thực tế tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh hoặc trong vùng dịch tiêu hủy bắt buộc có xác nhận của cơ quan thú y. Chi phí thực tế tiêu hủy gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm (trường hợp không quy được trách nhiệm của chủ hàng trong việc hoàn trả chi phí tiêu hủy theo quy định của pháp luật) do các lực lượng phòng, chống buôn lậu, cơ quan thú y, trạm kiểm dịch động vật tịch thu và có quyết định tiêu hủy. Các khoản chi phí này được tính theo chi phí thực tế, các địa phương quyết định đảm bảo phù hợp với mặt bằng chung tại địa phương xảy ra dịch và tại thời điểm triển khai công việc.

Huyền My
Phiên bản di động