Hà Nội: Đưa tác phẩm văn học, nhân vật lên sân khấu và biểu diễn trong trường học

Trong giai đoạn 2022-2030, hơn 51 vở diễn thuộc 70 tác phẩm văn học, sự kiện lịch sử, nhân vật… sẽ được các nhà hát của Hà Nội phục dựng và biểu diễn trong các trường học.
Công nghiệp văn hoá thúc đẩy phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn Thủ đô Hấp dẫn các tiết mục biểu diễn trong chương trình nghệ thuật Tự hào Việt Nam "Màu hoa đỏ" Thi biểu diễn ca khúc chính thức của Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII

Gần 2.000 buổi diễn tại các trường phổ thông

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề án "Giới thiệu và biểu diễn các vở được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới trong chương trình phổ thông", giai đoạn 2022-2030.

Theo UBND thành phố, đề án nhằm phát huy thế mạnh của nghệ thuật sân khấu, giúp học sinh tiếp cận các tác phẩm văn học nổi tiếng một cách gần gũi và sống động hơn, khơi niềm yêu thích và say mê của các em với môn Lịch sử, Ngữ văn. Ngoài ra, đề án còn hướng tới phát hiện và bồi dưỡng tài năng nghệ thuật sân khấu, tạo nguồn diễn viên tiềm năng.

Thành phố hiện có 1683 trường phổ thông, gồm 780 trường tiểu học, 653 trường trung học, 250 trường trung học phổ thông. Đây cũng là chủ nhân của thành phố trong tương lai và là lực lượng khán giả tiềm năng của sân khấu kịch Hà Nội.

Theo đề án này, các nhà hát trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao sẽ phục dựng và dàn dựng 51 vở diễn thuộc 70 tác phẩm, sự kiện, nhân vật lịch sử, tổ chức 1.800-2.000 buổi diễn tại các trường phổ thông.

Giai đoạn thử nghiệm từ 2022 – 2024 sẽ phục dựng 11 vở diễn, tổ chức 400 buổi diễn và tuyển chọn học sinh, giáo viên của 2 trường. Giai đoạn 2 từ 2025-2030 sẽ triển khai rộng rãi, phục dựng 40 vở diễn; tổ chức 1400 – 1600 buổi diễn; và tuyển chọn học sinh, giáo viên tại 24 điểm trường.

Hà Nội: Đưa tác phẩm văn học, nhân vật lên sân khấu và biểu diễn trong trường học
Nhiều vở diễn mang tính giáo dục lịch sử sẽ được phục dựng và đưa vào biểu diễn trong trường học

Những tác phẩm nào sẽ lên sân khấu học đường?

Theo Đề án, những trích đoạn, tác phẩm được chọn phục dựng và biểu diễn phải phù hợp với chương trình mỗi cấp học, được chọn từ văn học dân gian, hiện đại, kinh điển nước ngoài; tác phẩm về thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam; tác phẩm về các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, các vị tướng của Việt Nam và thế giới.

Thành phố yêu cầu các vở diễn đảm bảo nội dung mang tính giáo dục cao, phù hợp với chương trình và lứa tuổi học sinh; không áp đặt, đảm bảo học sinh tự nguyện tham gia; không lặp lại nội dung, hình thức giới thiệu của một đoạn trích cho nhiều lứa tuổi học sinh; phù hợp với điều kiện thực tế của trường, an toàn, linh hoạt.

Hà Nội: Đưa tác phẩm văn học, nhân vật lên sân khấu và biểu diễn trong trường học
Ảnh minh họa

Theo đó, các tác phẩm dự kiến được dàn dựng và đưa lên sân khấu các trường học gồm: Thất trảm sở và học trò thủy thần (Danh nhân văn hóa Chu Văn An); Truyện Kiều; Hà thành Chính khí (Tổng đốc Hoàng Diệu); Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh ( sự kiện lịch sử 19/12/1946 – Ngày toàn quốc kháng chiến); Thái sư Trần Thủ Độ; Lá cờ thêu 6 chữ vàng; Cô bé bán diêm, Đức tính giản dị của Bác Hồ; Dế mèn phiêu lưu ký….

Đề án cũng nhấn mạnh mục đích nhằm góp phần ươm mầm sáng tạo nghệ thuật, hỗ trợ nâng cao hiệu quả giáo dục sáng tạo, phát triển năng lực tư duy, hướng tới cụ thể hóa một trong ba trụ cột chính, xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” là “giáo dục về sáng tạo” thúc đẩy xây dựng nguồn nhân lực chiến lược cho sự phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Thái Sơn
Phiên bản di động