"Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không": Tô đậm truyền thống, hào khí của Thăng Long ngàn năm văn hiến

Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại. Nhìn lại một lần nữa chiến công hiển hách này để khẳng định, bản hùng ca 12 ngày đêm từ 50 năm trước vẫn vang mãi, tô đậm thêm hào khí của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972”: Nửa thế kỷ vẫn còn nguyên giá trị, tầm vóc thời đại Sinh viên giao lưu với nhân chứng chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” Hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"

Thế trận phòng không nhân dân hoàn hảo

Những ngày tháng 12 này, Nhân dân Thủ đô lại tưng bừng kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng này là mốc son lịch sử có ý nghĩa quyết định đến cục diện cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, đánh dấu sự thất bại của bước leo thang quân sự cuối cùng của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải chấp nhận ký Hiệp định Paris, rút hết quân viễn chinh và quân đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam, mở ra thời cơ để quân và dân ta tiến lên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhìn lại sự kiện này, Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đánh giá, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, quân và dân Thủ đô đã phát huy cao độ truyền thống anh hùng, toàn dân, toàn quân đánh giặc, dù ở bất cứ vị trí nào.

Tô đậm truyền thống, hào khí của Thăng Long ngàn năm văn hiến
Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

"Với tinh thần chiến đấu quả cảm, dưới sự chỉ huy thống nhất tập trung từ Bộ Tổng tham mưu, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, các đơn vị phòng không, không quân, các đơn vị trực chiến của quân dân, tự vệ đã chiến đấu mưu trí, kiên cường. Ngay đêm đầu tiên (18/12/1972), chúng ta đã bắn rơi 3 pháo đài bay B-52, trong đó 2 chiếc rơi tại chỗ. Ba ngày tiếp theo, quân và dân ta đã tiêu diệt 23 máy bay, trong đó có 9 máy bay B-52”, ông chia sẻ.

Tô đậm truyền thống, hào khí của Thăng Long ngàn năm văn hiến

Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đã bắn rơi nhiều máy bay B-52 trong trận 12 ngày đêm (Ảnh: TTXVN)

Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt phân tích, thời điểm đó, Hà Nội đã thực hiện tốt công tác phòng không nhân dân. Ngay trong tối 18/12/1972, thực hiện điện khẩn của Phủ Thủ tướng về việc máy bay B-52 vào đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận, Thường vụ Thành ủy, Ủy ban hành chính, Hội đồng Phòng không Nhân dân TP Hà Nội đã thống nhất chủ trương và điện khẩn cho tất cả các khu phố, các huyện, cơ quan, trường học, xí nghiệp phải kiên quyết sơ tán nhân dân. Những người không có nhiệm vụ ở nội thành ra khỏi Thành phố, học sinh tạm thời nghỉ học, các lực lượng khắc phục hậu quả sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ.

Ngoài ra, các đồng chí lãnh đạo thành phố và Bộ Tư lệnh Thủ đô đã phân công nhau khẩn trương xuống các vùng bị đánh phá, các trận địa kiểm tra, giúp đỡ, động viên bộ đội chủ lực, dân quân tự vệ và nhân dân tiếp tục chiến đấu. Để tạo điều kiện cho không quân xuất kích kịp thời đánh máy bay B-52, bộ đội và dân quân Hà Nội đã gấp rút sửa chữa các sân bay bị hư hỏng nặng do bị địch đánh phá liên tục.

Hai huyện Đa Phúc và Kim Anh đã huy động nhân dân với lực lượng nòng cốt là dân quân đóng góp hàng trăm nghìn ngày công đào đắp, sửa chữa, ngụy trang trận địa, san lấp hố bom, tạo điều kiện cho máy tay ta cất cánh, đánh địch.

“Có thể nói, thế trận phòng không nhân dân của Thủ đô được chuẩn bị chu đáo, toàn diện, cả thế trận phòng tránh, đánh trả, phù hợp với địa bàn, đảm bảo liên hoàn, rộng khắp, có trọng điểm, có thể đánh liên tục cả ngày lẫn đêm, từ xa đến gần, phát huy hiệu quả mọi loại vũ khí hiện có”, Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt khẳng định.

Biểu tượng rực rỡ của hào khí Thăng Long

Theo ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, gắn liền với vận mệnh quốc gia, dân tộc, lớp lớp các thế hệ và dân Hà Nội đã xây dựng, vun đắp nên truyền thống cần cù, thông minh, chịu khó trong lao động sản xuất và anh dũng, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Trải qua chiều dài lịch sử, quân dân Thủ đô đã đứng trước bao thử thách. Đó là khi hàng vạn quân Nguyên - Mông xâm lược nước ta vào thế kỷ XIII; khi hàng chục vạn quân Tưởng kéo vào Hà Nội sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi thực dân Pháp gây hấn và đánh chiếm Hà Nội năm 1946; Đến cuối năm 1972, Mỹ lại dùng máy bay chiến lược B-52 hủy diệt miền Bắc mà tập trung là Hà Nội, Hải Phòng.

Tô đậm truyền thống, hào khí của Thăng Long ngàn năm văn hiến

Bộ đội tên lửa những ngày đánh trận "Điện Biên Phủ trên không"

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: “Có thể thấy rõ, trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972, ở Thủ đô Hà Nội là hình ảnh mỗi người dân là một chiến sỹ”. Nhờ chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo củng cố hệ thống hầm hào ẩn nấp, trước khi đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 vào miền Bắc, Hà Nội đã đào được hàng vạn hố chiến đấu cá nhân, hàng trăm hầm tập thể, hơn 1.000km giao thông hào, đủ chỗ phòng tránh cho những người ở lại trực tiếp chiến đấu; Tổ chức được mạng lưới cấp cứu phòng không 4 tuyến với hàng tổ đội cấp cứu, tải thương ở cơ sở, 266 trạm cấp cứu các khu phố, 84 đội cấp cứu lưu động, 11 đội phẫu thuật cơ động; tháo gỡ 10.000 quả bom các loại, đảm bảo giao thông qua sông Hồng, sông Đuống thông suốt trong mọi tình huống.

Bằng ý chí kiên cường, sức mạnh đoàn kết toàn dân, những ngày cuối tháng 12/1972, cả thế giới phải kinh ngạc chứng kiến uy danh “Pháo đài bay B-52” - biểu tượng sức mạnh của không lực Hoa Kỳ bị đập tan trên bầu trời Hà Nội. Mảnh đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm” lại ghi thêm một chiến công hiển hách trong những chiến công vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội bày tỏ cảm xúc: “Với "Điện Biên Phủ trên không", Hà Nội đã tiếp nối truyền thống anh hùng, tô đậm thêm hào khí của Thăng Long - Đông Đô, tỏa sáng những giá trị văn minh, văn hiến của cả dân tộc. Hà Nội trở thành niềm kiêu hãnh của nhân dân cả nước, trở thành lương tri, phẩm giá trong lòng bạn bè quốc tế”.

Ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội:

“Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi là niềm tự hào, một biểu tượng rực rỡ của hào khí Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng trong thời đại mới - Thời đại Hồ Chí Minh. Phát huy giá trị thắng lợi, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân Thủ đô tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh toàn dân, huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xứng đáng với niềm tin yêu, mong đợi của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế".

Nguồn: Kỷ yếu “Chiến thắng“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972”, NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật

Thái Sơn
Phiên bản di động