“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh

Nửa thế kỷ trôi qua, nhưng chiến thắng vang dội “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 vẫn vang mãi như một bản hùng ca bất tử, góp phần tô đậm ý chí anh hùng, bất khuất, quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Báo Tuổi trẻ & Pháp luật xin giới thiệu bài viết về sự kiện này của Thiếu tướng,TS.Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" qua hồi ức của xạ thủ bắn rơi máy bay F-111 Xúc động cầu truyền hình “Bản hùng ca chiến thắng”

Xây dựng ý chí, niềm tin quyết chiến, quyết thắng

Cuối tháng 3 đầu tháng 4/1972, Quân Giải phóng mở cuộc tiến công chiến lược trên khắp chiến trường miền Nam, trọng điểm là chiến trường Trị - Thiên, Đông Nam Bộ và Bắc Tây Nguyên. Những đợt tiến công đầu tiên của Quân Giải phóng đã phá vỡ nhiều cứ điểm trọng yếu trong hệ thống phòng ngự vòng ngoài vững chắc của quân Mỹ và quân đội tay sai Sài Gòn. Nhằm ngăn chặn các cuộc tiến công của Quân Giải phóng, đầu tháng 4/1972, Tổng thống Nixon quyết định “Mỹ hóa” trở lại, huy động lực lượng lớn không quân, hải quân Mỹ chi viên hỏa lực cho quân đội tay sai Sài Gòn và đánh phá trở lại miền Bắc lần thứ hai (Operation Linebacker I) với qui mô, cường độ lớn hơn so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất.

Tuy nhiên, hành động tăng cường đánh phá của Mỹ không ngăn được bước suy sụp mới của quân đội tay sai, không tạo ra thế mạnh trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris. Trước tình hình đó, ngày 14/12/1972, Tổng thống Nixon chính thức thông qua kế hoạch mở Chiến dịch Linebacker II (Operation Linebacker II). Đây là cố gắng quân sự cuối cùng và là bước leo thang cao nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam nhằm gia tăng sức ép với Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa (DCCH) về chính trị và ngoại giao, buộc Việt Nam DCCH phải chấp nhận những điều kiện có lợi cho Mỹ trên bàn đàm phán; phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam; gây hoang mang, làm lung lay ý chí quyết tâm chiến đấu chống Mỹ của nhân dân Việt Nam…

Về ta, trải qua quá trình nghiên cứu nghiêm túc, sâu sắc thực tiễn chiến trường cũng như trên bàn hội nghị trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều thay đổi, Trung ương Đảng có những dự báo chính xác âm mưu, thủ đoạn chính trị, ngoại giao, quân sự của đế quốc Mỹ. Đặc biệt, Trung ương Đảng, QUTW còn dự kiến chính xác khả năng đế quốc Mỹ dùng máy bay chiến lược B-52 để đánh phá miền Bắc Việt Nam: “Sắp tới, địch có thể có những hành động phiêu lưu quân sự, ném bom bắn phá trở lại từ Vĩ tuyến 20 trở ra với mức độ ác liệt hơn trước, nhất là dùng máy bay B-52 đánh phá các trọng điểm Hà Nội, Hải Phòng, các chân hàng, các đầu mối giao thông, các vùng đông dân; dùng hải quân tăng cường bắn phá bờ biển”. Đây là cuộc đấu trí quyết liệt giữa Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam với chính quyền Tổng thống Nixon, đòi hỏi sự tập trung cao nhất về bản lĩnh, trí tuệ cũng như sức mạnh tổng lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Thấu triệt quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng, QUTW và Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) xác định chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và các mục tiêu trọng yếu là cuộc đọ sức quyết liệt nhất, cam go nhất giữa lực lượng vũ trang (LLVT) miền Bắc với đế quốc Mỹ. Để củng cố sức mạnh, BTTM chỉ thị cho các LLVT miền Bắc tăng cường công tác tư tưởng, xây dựng ý chí, niềm tin quyết chiến, quyết thắng, “dám đánh, biết đánh”, sẵn sàng đánh bại bất cứ loại hình chiến tranh nào của đế quốc Mỹ.

“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh
Thiếu tướng,TS. Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Ngày 24/11/1972, Tổng Tham mưu trưởng phê chuẩn Kế hoạch Phòng không đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ.

Sau thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 4/12/1972, các lực lượng PK - KQ cùng quân và dân các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, Hải Phòng đã sẵn sàng đối phó với cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ.

Ngày 17/12/1972, BTTM lệnh cho lực lượng PK - KQ chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Cùng với các LLVT, nhân dân miền Bắc nêu cao quyết tâm quyết đánh và quyết thắng cuộc tập kích chiến lược của đế quốc Mỹ. Biến quyết tâm thành hành động, nhân dân các địa phương miền Bắc tích cực tham gia xây dựng thế trận phòng không nhân dân, đánh địch mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Đóng góp của nhân dân miền Bắc là cơ sở quan trọng bảo đảm về vật chất, là nguồn cổ vũ ý chí lớn lao cho các LLVT miền Bắc sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi.

Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam

Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam còn được thể hiện qua sự thông minh, sáng tạo của con người Việt Nam trước vũ khí, trang bị hiện đại của đế quốc Mỹ. Đế quốc Mỹ sử dụng vũ khí, trang bị hiện đại: Máy bay B-52, bom điều khiển, máy tạo nhiễu... trong khi đó, Quân đội nhân dân Việt Nam có trang bị máy bay MIG-21, tên lửa SAM-2, rađa P-35... Song, qua 12 ngày đêm đọ sức, quân và dân Việt Nam không chỉ phát huy tác dụng của vũ khí, trang bị mà còn phát triển thành nghệ thuật phối hợp các loại vũ khí, tạo ra “lưới lửa” phòng không dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều vòng, khiến cho địch bất ngờ, lúng túng và cuối cùng chịu thất bại.

“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh

Chiếc máy bay B52 đầu tiên bị Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 băn rơi trên cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh (Hà Nội) vào 20h13 đêm 18/12/1972. (Ảnh chụp lại tại Bảo tàng Phòng không – Không quân).

Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo cùng ý chí, quyết tâm, quân và dân miền Bắc đã chủ động, tự tin, từng bước đánh bại nỗ lực quân sự cuối cùng của đế quốc Mỹ. Trong 12 ngày đêm chiến đấu, quân và dân miền Bắc bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52, 5 máy bay F-111, 21 máy bay F-4D, 12 máy bay A-7, 1 máy bay F-105, 4 máy bay AD-6, 1 máy bay trực thăng HH-53 và 1 máy bay không người lái, bắt nhiều phi công Mỹ…. Quá trình chỉ đạo, tổ chức và điều hành Chiến dịch Phòng không Hà Nội - Hải Phòng 1972 phản ánh tài thao lược của đội ngũ chỉ huy cấp chiến lược trong cuộc đọ sức với cường quốc tư bản số 1 thế giới.

“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh
Dân quân tự vệ trận địa Vân Đồn tham gia chiến đấu 12 ngày đêm chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (Ảnh: NVCC)

Ngày 30/12/1972, Tổng thống Nixon buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ Vĩ tuyến 20 trở ra, đề nghị Chính phủ Việt Nam DCCH nối lại các cuộc đàm phán.

Ngày 8/1/1973, tiến trình đàm phán về Việt Nam được tiếp tục.

Ngày 18/1/1973, phiên họp thứ 174 - Phiên họp cuối cùng của Hội nghị Paris về Việt Nam được khai mạc.

11 giờ (giờ Paris) ngày 27/1/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết.

Đỉnh cao nghệ thuật tác chiến phòng không Việt Nam

Thắng lợi “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” thể hiện đỉnh cao nghệ thuật tác chiến phòng không Việt Nam hiện đại.

Trước hết, nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” thể hiện ở khả năng phân tích và đánh giá đúng tình hình, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn và qui luật đánh phá của không quân chiến lược Mỹ.

Trước một kẻ địch có vũ khí mạnh áp đảo, việc xác định cách đánh phù hợp với điều kiện trang bị hiện có ý nghĩa quyết định đến kết quả trận đánh. Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân (PK – KQ) xác định đối tượng chiến đấu chủ yếu của tên lửa phòng không và không quân tiêm kích là máy bay ném bom chiến lược B-52, còn đối với pháo phòng không là máy bay tiêm kích bom chiến thuật và máy bay cường kích hải quân. Trên cơ sở đó, Bộ Tư lệnh PK - KQ xây dựng cách đánh theo phương châm chủ động, kiên quyết đánh cho được, đánh bằng mọi cách để tiêu diệt đúng mục tiêu máy bay B-52.

Tư tưởng chỉ đạo: Không để bất ngờ, tích cực, mưu trí, linh hoạt, hiệp đồng chặt chẽ đánh tập trung, đánh tiêu diệt, đánh đúng đối tượng, đúng thời cơ, bảo đảm đánh liên tục.

Nguyên tắc của cách đánh: Tận dụng mọi phương tiện, phát hiện địch từ xa; đánh địch trên mọi hướng nhưng tập trung vào hướng chủ yếu, ở thời cơ chủ yếu, cố gắng không để lọt tốp; xác định phương pháp đánh cụ thể cho từng lực lượng phòng không. Kiên quyết sử dụng tập trung lực lượng để tiêu diệt đối tượng chủ yếu. Tập trung đánh thắng trận đầu, các trận then chốt và trận then chốt quyết định. Đánh thắng trận mở đầu vừa là tư tưởng chỉ đạo vừa là cách đánh của Bộ đội PK - KQ. Thực tiễn thắng lợi của trận đánh mở đầu đêm 18 rạng ngày 19/12/1972, bắn rơi 3 máy bay B-52 (trong đó có 2 chiếc rơi tại chỗ) và bắn rơi 4 máy bay chiến thuật, khiến địch hoàn toàn bất ngờ, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quí trong các trận chiến đấu tiếp theo. Ngày 26/12/1972, các lực lượng phòng không ba thứ quân của Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Thái 2 đã hoàn thành thắng lợi trận then chốt quyết định của chiến dịch, đánh thắng trận huy động máy bay B-52 cao nhất của không quân Mỹ đánh phá Hà Nội, Hải Phòng.

“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh

Bộ đội tên lửa những ngày đánh trận Điện Biên Phủ trên không - Ảnh: Tư liệu/Internet

Bên cạnh đó, thế trận triển khai rộng khắp đã cung cấp cho chiến dịch một hệ thống hỏa lực hoàn chỉnh có thể đánh địch liên tục từ xa đến gần, ở mọi độ cao, từ nhiều hướng. Máy bay B-52 mặc dù được bao phủ bởi mật độ nhiễu trong và ngoài dày đặc bởi các máy gây nhiễu từ xa và các máy bay tiêm kích, cường kích hộ tống, nhưng trước lưới lửa của lực lượng PK - KQ, buộc máy bay B-52 phải phát nhiễu tự bảo vệ nên đã bộc lộ hướng đánh cho lực lượng PK - KQ Việt Nam. Mặt khác, các loại máy bay tiêm kích, hộ tống bị “lưới lửa” phòng không đe dọa, không thể bảo vệ được máy bay B-52. Thế trận phòng không còn được thể hiện qua công tác tổ chức phòng tránh và sơ tán theo phương châm: Sơ tán triệt để, tổ chức phòng tránh bảo vệ dân, tăng cường sức chiến đấu và bảo đảm giao thông thông suốt.

“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh
Tự vệ quân Nguyễn Văn Hùng, người bắn rơi chiếc F-111 đêm 22/12/1972 trong cuộc gặp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: NVCC)

Nghệ thuật tổ chức chỉ huy, hiệp đồng tác chiến giữa các binh chủng trong Quân chủng PK - KQ và các lực lượng của lực lượng phòng không ba thứ quân là một trong những nét cơ bản của Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”. Theo kế hoạch tác chiến, Bộ đội Tên lửa là lực lượng nòng cốt đánh tiêu diệt máy bay B-52; Bộ đội Không quân tiêm kích là lực lượng tiến công phá vỡ và gây rối loạn đội hình máy bay địch, đồng thời là lực lượng công kích bắn hạ B-52; Bộ đội Pháo cao xạ đảm nhiệm bắn máy bay tiêm kích và cường kích của địch. Ngoài ra, Bộ đội Rađa và lực lượng dân quân tự vệ cùng phối hợp chiến đấu. Sự phối hợp tác chiến nhịp nhàng, hiệu quả giữa các lực lượng, các binh chủng và các đơn vị bảo đảm góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch.

Thắng lợi của Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” thể hiện lòng kiên trung, ý chí sắt đá “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Thắng lợi đó còn là một biểu hiện sinh động nghệ thuật quân sự Việt Nam độc đáo, sáng tạo và hiệu quả. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” có ý nghĩa lịch sử, hiện thực sâu sắc, cần tiếp tục vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

TT&PL
Phiên bản di động