Hà Nội cần được đầu tư tương xứng và có chính sách đột phá để phát triển toàn diện

Sáng 9/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ: Hà Nội mong muốn dự án Cát Linh - Hà Đông được khai thác trước tháng 10 Biệt thự "phủ" grafiti phòng chống Covid-19 độc nhất Hà Nội Bà Bùi Huyền Mai được bầu giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, xuất phát từ yêu cầu thực tế phát triển của Thủ đô Hà Nội, thời gian qua, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách của cả nước. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa và tình trạng gia tăng dân số cơ học nhanh đã gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, gây tình trạng ô nhiễm, ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị và các vấn đề về an ninh trật tự xã hội.

ha noi can duoc dau tu tuong xung va co chinh sach dot pha de phat trien toan dien
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần phải có những chính sách đột phá để Thủ đô phát triển

Mặc dù Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô năm 2012, đồng thời căn cứ quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ban hành Nghị định số 63/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội nhưng trước yêu cầu phát triển mới đòi hỏi phải có những cơ chế tài chính đặc thù, khác so với một số luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với thành phố Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, trong khi chờ tổng kết để sửa Luật Thủ đô năm 2012, Chính phủ trình Quốc hội ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc xây dựng Nghị quyết bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, phù hợp chủ trương định hướng của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, gắn với tăng cường trách nhiệm của chính quyền thành phố Hà Nội; Đồng thời, thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch, đảm bảo việc thực hiện kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp của thành phố, giám sát của người dân, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể. Đồng thời, cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù thí điểm đối với Thủ đô Hà Nội phải đặt trong tổng thể xu thế phát triển chung của cả nước, kết hợp hài hòa giữa cái chung và riêng, trên tinh thần Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội phát triển ngày càng văn minh, hiện đại.

Về những nội dung cơ bản của Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Điều 1, Điều 2 quy định về phạm vi và đối tượng áp dụng. Theo đó, dự thảo Nghị quyết quy định cho thành phố Hà Nội được thí điểm một số cơ chế, chính sách về quản lý tài chính - ngân sách đặc thù thuộc Thành phố quản lý; Điều 3 dự thảo Nghị quyết quy định về quản lý thu ngân sách Nhà nước; Điều 4 quy định về quản lý chi ngân sách Nhà nước; Điều 5 quy định về mức dư nợ vay và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính; Điều 6 quy định về điều khoản thi hành. Trong đó quy định thời gian thực hiện thí điểm là 5 năm và xác định rõ trách nhiệm của thành phố Hà Nội, Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết. Quy định việc giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp của Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự kiến nguồn lực tài chính, điều kiện đảm bảo cho việc thi thành Nghị quyết bao gồm: Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu; Ngân sách địa phương theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước; Nguồn tài chính hợp pháp khác.

Về điều kiện đảm bảo cho việc thi hành, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ xác định ban hành văn bản tổ chức thi hành Nghị quyết phù hợp với quy định; Tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị quyết và các quy định liên quan kịp thời đến các cơ quan, tổ chức và người dân, giúp hiểu biết, nắm bắt pháp luật kịp thời để thực hiện; Bên cạnh đó, chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để thành phố tổ chức triển khai thực hiện; Kiểm tra, thanh tra, giám sát tình hình thực hiện, thi hành Nghị quyết.

Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ về đề nghị xây dựng và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Thảo luận tại tổ về dự thảo, đa số các ý kiến đều tán thành với tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết này và nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế tài khóa đặc thù cho Thủ đô phát triển xứng tầm hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm ( đoàn TP HCM) cho rằng, từ khi Luật Thủ đô có hiệu lực năm 2012 đến nay đã tác động tích cực đến sự phát triển của Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế triển khai luật này cũng còn rất nhiều vướng mắc cần phải có điều chỉnh, sửa đổi. Vì thế, lần này Chính phủ trình Quốc hội một số cơ chế tài khóa đặc thù cho Hà Nội là cần thiết.

Vì vậy, theo đại biểu đoàn TP HCM, việc đầu tư đối với Thủ đô Hà Nội không phải chỉ là sử dụng nguồn lực ngân sách của thành phố mà còn cần được đầu tư từ ngân sách Trung ương, sự phối hợp đầu tư của các bộ ngành để cùng phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm.

“Là một người dân ở địa phương khác nhìn về Thủ đô, nhìn về Hà Nội trái tim của cả nước với một sự tin yêu, kính trọng, cả nước cùng hướng về Hà Nội, nên tôi mong muốn Hà Nội phát triển toàn diện. Hà Nội cần được đầu tư tương xứng để nâng tầm và nâng cao đời sống của người dân cả về đời sống vật chất lẫn văn hóa, tinh thần, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, có tính tiêu biểu”, đại biểu Quyết Tâm nói.

Cùng qua điểm trên, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, dù Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô năm 2012 nhưng thực tế những chính sách đột phá để Thủ đô phát triển quy định trong luật này rất hạn chế, thậm chí “bị vo tròn thành cái chung”.

“Ý tôi muốn nói cơ chế chính sách để Thủ đô phát triển cần phải có đôi cánh. Cánh thứ nhất là chính quyền đô thị. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội rất trăn trở câu chuyện này. Song hành với chính quyền đô thị phải là cơ chế chính sách liên quan đến tài khoá. Phải có đủ "đôi cánh" như vậy thì mới phát triển mạnh được. Việc đến kỳ họp này mới đề nghị Quốc hội cơ chế tài khóa đặc thù cho Hà Nội đã là chậm, do chúng ta thận trọng”, đại biểu Nguyễn Phi Thường nói.

Nguồn: TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động