Hà Nội: 18 năm tù cho 4 đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép 984 kg vảy tê tê

Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt 4 đối tượng với tổng mức án 18 năm tù về hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép 984 kg vảy tê tê.
Cầu Long Biên “gồng mình cõng” ô tô sai phạm Khánh thành tượng đài "Công an Nhân dân vì dân phục vụ" tại Thủ đô Hà Nội Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội tổ chức thi năng khiếu tuyển sinh đợt đầu tiên
Phiên tòa xét xử các bị cáo
Phiên tòa xét xử các bị cáo

Bốn đối tượng bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Thị Chính (sinh năm 1988; trú tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) là chủ mưu buôn bán trái phép 984 kg vảy tê tê, nhận mức án 7 năm tù; Hoàng Thị Hiền Phương (sinh năm 1984; trú tại khu 2, thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang, huyện Thường Tín, Hà Nội) là đối tượng môi giới tích cực, nhận mức án 5 năm tù; Nguyễn Văn Sự (sinh năm 1980; trú tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) là đối tượng vận chuyển, nhận mức án 2 năm tù và Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1988; trú tại tổ dân phố Liên Bình, thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) là đối tượng giúp sức chính trong vụ án, nhận mức án 4 năm tù. Các đối tượng bị kết án theo các quy định tại Điều 190 và Điều 191 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017 - BLHS) - tương ứng với các hành vi buôn bán hoặc vận chuyển trái phép vảy tê tê của từng đối tượng.

Trước đó, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường, Công an thành phố Hà Nội đã tiến hành lập chuyên án, theo dõi hoạt động của đường dây tội phạm này. Ngày 29/3/2021, lực lượng chức năng đã bắt giữ 3 đối tượng Chính, Phương và Sự với tang vật tịch thu là 984 kg vảy tê tê bụng trắng (Manis tricuspis). Qua quá trình mở rộng điều tra và xác minh, cơ quan chức năng đã bắt giữ thành công thêm đối tượng Hà là đồng phạm trong hoạt động mua bán vảy tê tê.

Tê tê bụng trắng (Manis tricuspis) là loài tê tê được liệt kê trong Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Vảy của loài tê tê bụng trắng - sản phẩm của loài thuộc Phụ lục I CITES - là hàng cấm theo quy định tại điểm (c) Khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư 2020 và Khoản 5 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Tang vật của vụ án là 984 kg vảy tê tê được xác định có giá trị 1.328.400.000 đồng, giá trị đặc biệt lớn so với giá trị tối thiểu định khung theo quy định tại Khoản 3 Điều 190 và 191 BLHS là 500.000.000 đồng.

Theo ghi nhận của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), vụ án vận chuyển, buôn bán trái phép 984 kg vảy tê tê trên không chỉ là vụ án liên quan đến vảy tê tê bị thu giữ lớn nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội mà còn là một trong những vụ vi phạm về động vật hoang dã có quy mô lớn nhất từng được ghi nhận trong nội địa Việt Nam thời gian vừa qua.

Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV - chia sẻ: "Vụ án với khối lượng vảy tê tê bị thu giữ đặc biệt lớn cũng đã hé mở đường dây buôn bán, vận chuyển vảy tê tê xuyên quốc gia với phương thức hoạt động hết sức tinh vi. Việc bắt giữ thành công, truy cứu trách nhiệm hình sự và xét xử nghiêm minh bốn đối tượng trên là dấu mốc quan trọng, thể hiện thái độ không khoan nhượng với tội phạm về động vật hoang dã của các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Hà Nội.

ENV hi vọng, tiếp nối thành công này, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng trên cả nước sẽ tiếp tục nỗ lực đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm về động vật hoang dã, đặc biệt tập trung điều tra, làm rõ và xử lý những đối tượng đứng đằng sau các đường dây vận chuyển, buôn bán trái phép hàng chục tấn vảy tê tê, sừng tê giác và ngà voi có nguồn gốc từ châu Phi vào Việt Nam mỗi năm".

Trong bối cảnh lợi nhuận từ hoạt động buôn bán động vật hoang dã được đánh giá là đặc biệt lớn, những án phạt tù nghiêm khắc như bản án cho các đối tượng trong vụ án này cũng được hi vọng sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh về rủi ro pháp lý để các đối tượng đã và đang làm giàu bất chính từ động vật hoang dã lựa chọn từ bỏ hoạt động tội phạm không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học trong nước và thế giới mà còn đang làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế này.

Minh Khánh
Phiên bản di động