Grab phải ‘đeo mào’ hoặc dán chữ ‘XE TAXI’ lên kính

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ “TAXI” cố định trên nóc xe hoặc niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe...
Grab tham gia mảng gọi xe buýt Khách đi Grab sẽ bị thu thêm tiền nếu để tài xế chờ quá 5 phút

Sáng 6/11, Bộ GTVT đã có thông cáo báo chí về báo cáo rà soát và hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Theo đó, Bộ GTVT cho biết, ngày 4/11, Bộ này đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về báo cáo nội dung rà soát và hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; theo đó, thực hiện Kết luận của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (TBKL số 384/TB-VPCP ngày 29/10/2019) và trên cơ sở ý kiến của Bộ trưởng các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ và các chuyên gia trên các lĩnh vực; Bộ GTVT thống nhất và tiếp thu sửa đổi một số nội dung chính.

grab phai deo mao hoac dan chu xe taxi len kinh
Ảnh minh họa.

Cụ thể, đối với nội dung quy định về hộp đèn đối với xe taxi, Bộ GTVT sửa đổi nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 của dự thảo Nghị định như sau: Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi (bao gồm taxi thanh toán bằng đồng hồ, và taxi có sử dụng công cụ thanh toán, kết nối bằng ứng dụng điện tử) được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ “TAXI” cố định trên nóc xe với kính thước tối thiểu là 12x30 cm hoặc niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE TAXI” là 06 x 20 cm. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI”.

Việc sửa đổi quy định như trên là hoàn toàn phù hợp với những quy định pháp luật hiện hành (Luật Giao thông đường bộ 2008 không quy định bắt buộc xe taxi phải có hộp đèn gắn cố định trên nóc xe), tham khảo thực tế một số nước trên thế giới cũng không bắt buộc xe taxi phải có hộp đèn; đảm bảo tiết kiệm chi phí cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải; đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân; đồng thời đảm bảo bình đẳng giữa loại hình xe taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi ứng dụng công nghệ; việc quản lý nhà nước đối với 2 loại hình nói trên sẽ được thực hiện bằng các công cụ nhận biết trực quan, qua thiết bị giám sát hành trình và bằng chính phần mềm của doanh nghiệp; việc khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh vận tải và công tác quản lý nhà nước bằng công nghệ là hoàn toàn phù hợp.

Đối với nội dung lắp đặt camera để ghi hình lái xe và trên xe nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho hành khách, đồng thời đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý nhà nước; Bộ GTVT đã tiếp thu, thống nhất cùng Bộ Công an và sửa đổi nội dung quy định tại khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 14 và điểm b khoản 5 Điều 34 của dự thảo Nghị định.

Cụ thể, quy định tại khoản 2 Điều 13: “2. Trước ngày 1/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe) trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép khi có yêu cầu. Thời gian lưu trữ hình ảnh tại camera lắp trên xe đảm bảo như sau: Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 km; tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 km.

Quy định tại khoản 2 Điều 14: “2. Trước ngày 1/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép khi có yêu cầu. Thời gian lưu trữ hình ảnh tại camera lắp trên xe đảm bảo như sau: Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 km; tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 km.

Quy định tại điểm b khoản 5 Điều 34: “b) Hình ảnh từ camera lắp trên xe phải được truyền về đơn vị kinh doanh vận tải; đơn vị kinh doanh vận tải có trách nhiệm lưu trữ trong thời gian tối thiểu 72 giờ gần nhất”.

Đồng thời Bộ GTVT cũng điều chỉnh lùi lộ trình thực hiện từ “Trước ngày 31/12/2020” thành “Trước ngày 1/7/2021” cho phù hợp với thời gian tương ứng so với mốc thời gian trình dự thảo nhằm đảm bảo có đủ quỹ thời gian để doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý chuẩn bị cho việc đầu tư lắp đặt, hướng dẫn áp dụng quy định mới.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng bổ sung vào dự thảo Nghị định về việc hộ kinh doanh cá thể được tham gia hoạt động kinh doanh loại hình xe hợp đồng, điều này hoàn toàn phù hợp với Luật giao thông đường bộ, Luật dân sự và các quy định liên quan; tuy nhiên việc tham gia hoạt động kinh doanh của đối tượng này phải tuân thủ mọi điều kiện về kinh doanh vận tải: phải có giấy phép kinh doanh vận tải, điều kiện về lái xe và giấy phép lái xe hạng phù hợp; phải lắp thiết bị Giám sát hành trình; phải có niêm yết thông tin về hộ kinh doanh cá thể bên ngoài xe; phải có phù hiệu do Sở Giao thông vận tải cấp; phải xây dựng và thực hiện quy trình bảo đảm an toàn giao thông; phải chịu trách nhiệm đóng thuế và những trách nhiệm liên quan đến người lao động…

Tại dự thảo Nghị định lần này, Bộ GTVT đã chuyển toàn bộ các nội dung quy định có thể áp dụng xử phạt vi phạm hành chính và phạt bổ sung sang quy định tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ).

Trên cơ sở những tiếp thu giải trình, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định để xem xét, ban hành.

Hậu Lộc
Phiên bản di động