Grab lại bị phạt liên quan khoản vay nước ngoài

Đây là lần thứ hai Grab - Hãng đặt xe lớn nhất tại Việt Nam bị xử phạt liên quan đến vi phạm đăng ký khoản vay nước ngoài.
Grab sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam Grab thoát án vụ thâu tóm Uber tại Việt Nam Ngân hàng Nhà nước xử phạt Công ty Grab 120 triệu đồng

Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng I (Ngân hàng Nhà nước) vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Grab (trụ sở tại 268 Tô Hiến Thanh, phường 15, quận 10, TP HCM) với số tiền 120 triệu đồng.

Theo kết luận của nhà chức trách, Grab đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính đối với việc đăng ký khoản vay nước ngoài.

grab lai bi phat lien quan khoan vay nuoc ngoai
Ảnh minh họa.

Theo đó, Grab đã không tuân thủ quy định về thời hạn gửi hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài với khoản vay ngắn hạn không có hợp đồng gia hạn, và còn dư nợ gốc tại thời điểm một năm từ ngày rút vốn đầu tiên.

Hành vi trên vi phạm quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 13 Thông tư số 03/2016/TT-NHNN ngày 26/02/2016.

Được biết, vào hồi tháng 5 năm nay, Grab cũng đã bị xử phạt vi phạm hành chính với hành vi và số tiền tương tự.

Ở thời điểm đó, đại diện Grab Việt Nam giải thích, trong quá trình kinh doanh công ty có huy động vốn vay từ nước ngoài. Khi huy động vốn, Grab cũng đã chủ động đăng ký với Ngân hàng Nhà nước theo đúng các yêu cầu của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, hồ sơ gia hạn khoản vay này được hoàn chỉnh trễ so với quy định.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Grab là ứng dụng đặt xe lớn nhất tại Việt Nam sau khi thâu tóm Uber, mặc dù vậy công ty này lại liên tục hoạt động trong tình trạng thua lỗ. Theo một báo cáo mới nhất, trong 3 năm 2014-2016, Grab đã lỗ tổng cộng 938 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam.

Ở thời điểm tháng 8/2019, Grab Holdings Inc. (Grab), công ty mẹ của Grab Việt Nam cho biết, đến cuối năm 2019, tổng số vốn đầu tư của Grab vào Việt Nam là 200 triệu USD. Công ty mẹ cũng công bố sẽ đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam trong vòng 5 năm tới để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, công nghệ di động mới và logistics với mục tiêu tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển nền kinh tế số của Việt Nam.

Tại Việt Nam, Grab cũng từng dính lùm xùm liên quan đến thương vụ thâu tóm Uber Việt Nam có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3 Chương II Luật Cạnh tranh 2004.

Tuy nhiên, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh (Bộ Công thương) sau khi vào cuộc điều tra đã ban hành quyết định khẳng định do chưa đủ yếu tố cấu thành hành vi tập trung kinh tế nên Grab không vi phạm Luật Cạnh tranh.

Văn Thành Nhân
Phiên bản di động