Giữa lùm xùm sai phạm, VEAM dự kiến niêm yết sàn chứng khoán

Trong bối cảnh Bộ Công Thương vừa công bố kết luận chỉ ra nhiều sai phạm, VEAM đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông trình cổ đông thông qua việc niêm yết hơn 1,3 tỷ cổ phiếu trên sàn chứng khoán HOSE.
Phát hiện nhiều sai phạm tại Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Bộ Công Thương chuyển hồ sơ sai phạm tại VEAM sang Bộ Công an VEAM chính thức bãi nhiệm Tổng giám Trần Ngọc Hà

Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM) vừa công bố tài liệu cho buổi Đại hội đồng cổ đông dự kiến sẽ diễn ra ngày 31/5 tới đây, tại Hà Nội.

Theo tài liệu được công bố, năm 2018, Công ty mẹ - VEAM đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 2.927 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2017; đặc biệt khoản doanh thu tài chính tăng lên mức 5.495 tỷ đồng, tương đương 452% kéo lợi nhuận sau thuế tăng từ 522 tỷ đồng lên mức 5.224 tỷ đồng năm 2018.

giua lum xum sai pham veam du kien niem yet san chung khoan
Năm 2019, Công ty mẹ - VEAM đặt mục tiêu doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.398 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2018

Về kế hoạch kinh doanh năm 2019, Công ty mẹ - VEAM đặt mục tiêu doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.398 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2018; trong khi đó mục tiêu doanh thu tài chính là 7.243 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2018 và lợi nhuận sau thuế 6.402 tỷ đồng, tăng 23%.

Đặc biệt, trong tài liệu trình Đại hội đồng cổ đông là tờ trình về việc niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE). Theo đó, VEAM dự kiến sẽ niêm yết hơn 1,3 tỷ cổ phiếu lên sàn HOSE với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian dự kiến niêm yết là trong năm 2019.

Đáng chú ý, việc dự kiến niêm yết cổ phiếu của VEAM diễn ra trong bối cảnh Bộ Công Thương vừa công bố kết luận thanh tra chỉ ra loạt sai phạm của công ty này.

Theo đó, Bộ Công Thương kết luận, trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6 năm 2018, mặc dù kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hàng năm đều có lãi, tuy nhiên thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh (Toyota, Honda...) mang lại. Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả, thậm chí thua lỗ.

Quá trình quản lý, điều hành tại VEAM và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm, thiếu sót. Cụ thể, có nhiều sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, công nợ… gây thiệt hại, lãng phí tài sản của nhà nước.

Hiện Bộ Công Thương đã yêu cầu VEAM, các đơn vị liên quan thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các nội dung kết luận thanh tra. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã tiếp tục chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế.

Trước đó, ngày 10/12/2018, Bộ Công Thương đã có Công văn số 1042/BCT-TCCB chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ, xử lý trách nhiệm theo quy định. Hiện nay, Bộ Công an đang thực hiện việc điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định.

Thậm chí, trong thông báo kết quả kiểm toán năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều vấn đề liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2016 của VEAM và công ty con.

Theo Kiểm toán Nhà nước, Công ty mẹ - VEAM có nhiều khoản nợ quá hạn phải thu tổng số là 1.121,53 tỷ đồng, Công ty CP Vận tải và Thương mại VEAM (VETRANCO) là 264,72 tỷ đồng. Đáng nói, còn nhiều vấn đề liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại VEAM và VETRANCO.

Qua kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước phát hiện, mặc dù chỉ sở hữu 51% vốn điều lệ tại VETRANCO tương đương 6,375 tỷ đồng nhưng VEAM vẫn bảo lãnh cho VETRANCO vay vốn ngân hàng gần 150 tỷ đồng.

Văn Huy
Phiên bản di động