Giới trẻ với hội chứng “cuồng” công việc

Khi guồng quay trong cuộc sống đang nhanh đến chóng mặt, việc thức đêm thức hôm để chạy deadline đã là chuyện đều như cơm bữa đối với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Bất chấp hậu quả của làm việc quá sức, nhiều người lao động đang “tự hào” về sự cống hiến không ngơi nghỉ của họ cho công việc.
Giới trẻ “lắc đầu” với đi du lịch dịp nghỉ lễ Chọn ngành, chọn trường: Giới trẻ có đang chạy theo xu hướng? Người trẻ làm du lịch bắt nhịp trở lại với công việc

Làm việc đến kiệt sức

Áp lực từ việc phải tự lo cho bản thân từ sớm khi gia đình không có điều kiện cũng như phải chăm sóc cho em gái vừa bước chân vào đại học khiến Hoàng Bảo Phương (26 tuổi, kế toán) đặt ra khá nhiều mục tiêu, kế hoạch cho bản thân. Cô gái trẻ cho biết đã không ít lần cảm thấy bị "ngộp" trong khối lượng công việc của chính mình nhưng không thể ngừng lại được.

Giới trẻ với hội chứng “cuồng” công việc
Bảo Phương đã không ít lần cảm thấy bị "ngộp" trong khối lượng công việc của chính mình nhưng không thể ngừng lại được

"Gia đình mình không có điều kiện nên ngay từ năm nhất đại học, mình đã bắt đầu đi làm thêm các công việc phục vụ, bán hàng part-time để có thêm chi phí tự trang trải cuộc sống. Làm việc liên tục cả ngày trở thành một chuyện bình thường đối với mình.

Còn hiện tại, cuộc sống của mình xoay quanh là deadline, mình làm bất kể công việc gì đều cần có deadline. Deadline cũng khiến cho mình cảm thấy cần có trách nhiệm với công việc hơn. Nhưng không thể phủ nhận, đã có không ít lần mình cảm thấy sợ và kiệt sức vì deadline “dí" quá nhiều khiến mình stress”, Bảo Phương chia sẻ.

Ngoài ra, vì đi làm ở một công ty lớn, cô gái 26 tuổi cho biết "overtime" - làm thêm giờ ngoài giờ hành chính là khái niệm được coi như "quy luật ngầm" ở công ty Phương. Khi cả công ty đều làm thêm giờ còn Phương lại không thì cô sẽ nhận được nhiều ánh mắt soi mói, bị đánh giá là thiếu nỗ lực và không cố gắng. Cứ thế, cô gái trẻ phải làm thêm công việc đôi khi không phải của mình và deadline cứ như vậy lại xuất hiện.

Thức dậy từ 8h sáng sau đó lại làm việc tới 3, 4h sáng hôm sau, Trịnh Thu Trang (24 tuổi, kinh doanh quần áo online) cho biết cô gái trẻ không nhớ lần cuối cùng mình thư giãn là khi nào.

Giới trẻ với hội chứng “cuồng” công việc
Thu Trang không thể ngừng nghĩ đến công việc kể cả khi đang nghỉ ngơi

Thu Trang chia sẻ: “Mình cũng không biết phải làm gì nữa. Sau một ngày vất vả với những đơn hàng rồi dự án mới…, mỗi tối, khi mình cố gắng đọc sách hay xem phim, đầu óc mình lại nghĩ về những gì phải làm tiếp theo hoặc danh sách việc cần làm. Chúng cứ bằng cách nào đó liên tục hiện ra trước mắt mình.

Có cảm giác như bộ não của mình không bao giờ dừng lại. Mình thường xuyên cảnh giác cao độ về những việc mình nên làm nhưng lại không thể tự mình làm được. Cho đến hiện tại, mình vẫn cứ luôn cảm thấy lo lắng và căng thẳng. Nhiều hôm về nhà thật sự rất mệt nhưng không tài nào chợp mắt nổi. Dù vậy, việc bận rộn như thế khiến mình có nhiều động lực hơn để thực hiện những ước muốn của bản thân”.

“Tự hào” khi bận rộn

Dù chưa tốt nghiệp đại học nhưng Nguyễn Lê Huy Hoàng (sinh viên năm cuối trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết trong hơn 2 năm vừa qua, chàng trai 22 tuổi chưa có khi nào được thực sự nghỉ ngơi vì khối lượng công việc Hoàng đang phải làm là khá lớn.

Giới trẻ với hội chứng “cuồng” công việc
Làm việc liên tục giúp Huy Hoàng tích lũy được nhiều kinh nghiệm và kiếm thêm thu nhập

Theo học ngành kế toán nhưng lại chọn những công việc liên quan đến sở thích của mình là thiết kế, Hoàng cho biết thu nhập mỗi tháng có thể kiếm được từ 25 đến 40 triệu, mức lương mơ ước đối với cả những người làm việc lâu năm. Dù vậy, để có được nguồn thu nhập ổn định như vậy, Huy Hoàng phải đánh đổi rất nhiều thứ.

“Mình làm việc không có giờ giấc cố định cụ thể. Từ thiết kế, quản lý web, page rồi đến đi chụp, chỉnh sửa ảnh, đôi khi nhận thêm nhiều job thiết kế ngoài nữa khiến mình luôn bận rộn. Làm nhanh thì không sao nhưng có những lúc mình phải tỉ mỉ, cẩn thận đến từng chi tiết mà khách hàng thì không hiểu điều đó nên những cuộc gọi, tin nhắn cứ dồn dập.

Mình không nhớ lần gần nhất mình có thể ngủ 8 tiếng/ngày là khi nào nữa. Cũng còn 2 tháng nữa là mình ra trường rồi, thời gian này mình còn đang làm luận án nên mọi thứ càng bận bịu hơn. Vậy nhưng mình hài lòng và đôi lúc là tự hào khi sự bận rộn giúp mình trưởng thành hơn, có thu nhập để không phải dựa dẫm vào gia đình”, Huy Hoàng chia sẻ.

Giới trẻ với hội chứng “cuồng” công việc
Nhiều người trẻ cảm thấy tự hào khi họ bận rộn với công việc

Việc bận rộn và “cuồng” công việc được thúc đẩy bởi thực tế rằng phần thưởng cho sự chăm chỉ lớn hơn bao giờ hết. Dù vậy, việc đặt ranh giới giữa công việc và nghỉ ngơi không chỉ là đặc quyền mà còn là vấn đề sống còn. Người lao động cần có thời gian nghỉ ngơi thay vì liên tục lo lắng kiếm sống khi cái giá phải trả nếu làm việc quá sức sẽ là không hề rẻ…

Phạm Thành
Phiên bản di động