Giới trẻ mắc kẹt giữa “chỉ sống một lần trong đời” và “tiết kiệm khi có thể”

“Chỉ sống một lần trong đời” và “tiết kiệm khi có thể” là một trong những xu hướng hàng đầu của giới trẻ hiện đại. Dù vậy, ranh giới mong manh và những tác động của cuộc sống hàng ngày đang khiến nhiều người trẻ đang mắc kẹt, rơi vào vòng luẩn quẩn của những xu hướng tâm lý này…
Mở cổng bình chọn cuộc thi “Cuốn sách thay đổi cuộc đời” Thí điểm 2.000 xe đạp đô thị tại 7 quận của Thủ đô: Giới trẻ nói gì về xe đạp công cộng?

Vòng luẩn quẩn khó thoát…

Nhiều lần đặt kế hoạch để dành một phần thu nhập hàng tháng để tiết kiệm cho những dự đị trong tương lai nhưng Nguyễn Hạnh Huyền (24 tuổi, nhân viên ngân hàng) chưa khi nào thực hiện được quá 2 tháng. Cứ mỗi khi tiết kiệm được một khoản kha khá, cô gái 24 tuổi lại "tất tay" sử dụng khoản tiền này vì có việc “gấp” cần chi tiêu.

Theo chia sẻ của Huyền, hầu hết chuyện “gấp” mà cô phải chi ngay là mua một đôi giày vừa “lên kệ”, những bữa ăn “nhẹ nhàng” hoặc những chuyến du lịch "không đi là hối hận cả đời" cùng bạn bè.

"Mình vừa mới “vét ví” mua một đôi giày mà mình đã để ý từ ngày đầu nhãn hàng mình ưa thích giới thiệu. Tiền tiết kiệm của mình gần như bằng 0 sau khoản chi đó, đến mức mình phải cần bố mẹ hỗ trợ. Khi bố hỏi mình là tiền lương đi đâu hết rồi, mình thường đánh trống lảng về các khoản chi cho công việc", Hạnh Huyền nói.

Giới trẻ mắc kẹt giữa “chỉ sống một lần trong đời” và “tiết kiệm khi có thể”
Hạnh Huyền mắc kẹt trong những dự định của mình vì các kế hoạch chi tiêu không thể thực hiện

Cô gái trẻ cho biết mình thường mắc kẹt giữa tâm lý "chỉ sống một lần trong đời” và "hãy tiết kiệm khi còn có thể". Ở tuổi 24, Hạnh Huyền biết mình cần tiết kiệm và cũng mong muốn có một khoản để dành trước khi lập gia đình. Nhưng cô cũng luôn tìm ra lý do để mua sắm những món đồ thời trang hay mỹ phẩm, đồ công nghệ dù không phải lúc nào những thứ đó cần phải có ngay lập tức.

"Mình sẽ rất buồn nếu không thể sở hữu được món đồ yêu thích. Nhưng khi mua được rồi, mình lại đau đầu suy nghĩ sẽ phải chi tiêu thế nào cho khoảng thời gian sắp tới. Dù chọn cách tiêu xài thoải mái hay tiết kiệm, mình đều cảm thấy chán nản", cô thở dài.

Hạnh Huyền không phải người trẻ duy nhất không thể cân bằng thói quen mua sắm và mục tiêu tiết kiệm. Giống như cô nhân viên ngân hàng, Hoàng Bảo Anh (28 tuổi, freelancer) cũng nhiều lần đổ vỡ kế hoạch tiết kiệm vì tâm lý "chỉ sống có một lần".

Đều đặn mỗi tháng, chàng trai quê Thái Bình lại sắp xếp hành lý để đi xa một lần. Được đặt chân đến những miền đất mới, thưởng thức ẩm thực địa phương, có những bức ảnh thật ưng ý là những điều mà Bảo Anh cảm ưa thích nhất lúc này.

Từ sau Tết Nguyên đán, chàng trai 28 tuổi đã có tới 6 chuyến đi tới đủ mọi miền của đất nước. Công việc không gò bó, có thể làm từ xa chính và thu nhập ở mức khá chính là điều kiện để anh thực hiện đam mê xê dịch của mình, nhất là khi du lịch đang trở lại với nhiều ưu đãi.

Giới trẻ mắc kẹt giữa “chỉ sống một lần trong đời” và “tiết kiệm khi có thể”
Bảo Anh không thể cân bằng giữa thói quen mua sắm và mục tiêu tiết kiệm

"Mình có một nhóm bạn chung sở thích và biết cách đi du lịch vừa tiết kiệm, vừa đầy đủ nhất có thể. Dù vậy, việc đi chơi liên tục không tránh khỏi tốn kém. Có nhiều lần, mình phải rút hết số tiền còn lại trong tài khoản rồi lên đường, thậm chí là vay thêm bạn bè rồi vừa đi vừa tự hỏi liệu mình đang quá hoang phí hay không?

Vừa đi cứ mải vừa suy nghĩ như vậy, có nhiều chuyến đi mình đã không thể tận hưởng nó được một cách trọn. Nhưng mà nếu cứ nhà, mình biết bản thân sẽ càng tiếc nuối hơn và càng khó theo kịp bạn bè", Bảo Anh chia sẻ.

Ở độ tuổi gần 30, khi bạn bè xung quanh đã dần thành đạt hay có gia đình riêng, Bảo Anh vẫn muốn tận hưởng cuộc sống theo cách của mình khi chưa phải chịu áp lực về gia đình. Đó là lý do mà anh luôn cố gắng chiều chuộng bản thân dù lần nào cũng lăn tăn về tiền bạc. Lựa chọn đi thật nhiều và tiết kiệm vào một thời điểm khác chính là suy nghĩ và quyết định của anh ở thời điểm hiện tại.

Mong muốn thay đổi

Nếu như nhiều người trẻ vẫn khá bình thản với việc chi tiêu cá nhân dù tài khoản tiết kiệm là con số 0, Khánh Linh (23 tuổi, designer) lại như khủng hoảng vì kế hoạch tiết kiệm đổ bể hết lần này đến lần khác. Đối với cô gái trẻ, chiếc thẻ tín dụng như có "tác dụng phụ" với những người đam mê mua sắm như cô.

"Mua sắm theo cảm xúc có lẽ là khái niệm để diễn tả thói quen chi tiêu của mình. Khi có lựa chọn giữa 2 món đồ mà giá không quá cao, mình thường mua luôn cả 2 cho đỡ đau đầu... Từ quần áo tới mỹ phẩm, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, nếu cần phải mua cái gì, mình thường không đắn đo. Dù vậy, những cơn đau đầu sẽ xuất hiện vào ngày phải thanh toán dư nợ thẻ khiến mình đến thở cũng thấy mệt mỏi", Khánh Linh nói.

Giới trẻ mắc kẹt giữa “chỉ sống một lần trong đời” và “tiết kiệm khi có thể”
Nhiều người trẻ rơi vào luẩn quẩn với xu hướng tâm lý "chỉ sống một lần trong đời” và “tiết kiệm khi có thể”

Cô gái 23 tuổi cho biết, cuộc sống độc thân ở độ tuổi còn rất trẻ và còn được gia đình hỗ trợ khi cần khiến cô liên tục trì hoãn việc tiết kiệm. Mỗi lần thực hiện các kế hoạch tiết kiệm, Linh chuẩn bị rất nhiều phương án, giải pháp nhưng không thể duy trì được lâu.

"Thu nhập của mình không cao vì vừa ra trường, không có nhiều kinh nghiệm. Thói quen chi tiêu không suy nghĩ và việc tháng nào cũng có những sự kiện phát sinh khiến mình lúc nào cũng sống trong các khoản nợ chứ chưa dám nghĩ đến việc để dành để dành. Nếu gia đình không thường xuyên hỗ trợ đồ ăn, mình chắc chắn sẽ “khó thở” hơn nhiều", Khánh Linh chia sẻ..

Còn đối với cô giáo trẻ Phan Thanh Hà (24 tuổi, sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), việc "hưởng thụ hết mình" khi còn trẻ không hoàn toàn mang ý nghĩa tiêu cực. Lối sống này mang lại cho cô nhiều niềm vui và sự thoải mái. Tuy nhiên, Thanh Hà cho rằng nếu không cân bằng với việc tiết kiệm, cô chắc chắn mình không thể mang túi xách, áo quần để dự trù cho tương lai.

Giới trẻ mắc kẹt giữa “chỉ sống một lần trong đời” và “tiết kiệm khi có thể”
Theo Thanh Hà, thu nhập ổn định chính là giải pháp cho vấn đề chi tiêu

Khi được hỏi về giải pháp cho vấn đề chi tiêu của mình, Thanh Hà khẳng định cần có thu nhập cao hơn song song việc tiết kiệm. Việc tích lũy chỉ khả thi khi các nhu cầu sinh hoạt khác được đảm bảo.

"Mình vẫn đang nghiêm túc với kế hoạch tiết kiệm hàng tháng, nhưng thay vì tiết kiệm đến 30, 40% thu nhập như trước đây, mình đang giảm con số đó xuống. Nhưng mình sợ kế hoạch đó sẽ đổ bể khi sắp tới là một loạt những việc cần phải chi. Chỉ hy vọng công việc chính và việc kinh doanh ngoài của mình sẽ ổn định. Chứ nếu không thì cả “chỉ sống một lần trong đời” và “tiết kiệm khi có thể” mình cũng đều không làm được mất", Thanh Hà bày tỏ.

Trung Đức
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động