"Giới hạn" nào dành cho lãnh đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang

Đã thành "thương hiệu", nhiều năm nay, lãnh đạo Ban Quản lý (BQL) các KCN tỉnh Bắc Giang bất chấp pháp luật, điềm nhiên cấp giấy phép xây dựng cho các công ty nước ngoài khi chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt. Bởi thế, việc "phớt lờ" lãnh đạo tỉnh để "cấp chui" giấy phép xây dựng cho Công ty TNHH Ich Cube Việt Nam (địa chỉ tại lô D13, 14, KCN Đình Trám) có lẽ cũng chỉ là chuyện "thường ngày ở huyện".
Ai đã “chống lưng” cho Công ty TNHH Bedra Việt Nam coi thường pháp luật? Phạt gần 1 tỷ đồng đối với doanh nghiệp vi phạm về môi trường Xử phạt VNECO vì triển khai xây dựng dự án khi chưa có ĐTM
Công ty TNHH Ich Cube Việt Nam tại KCN Đình Trám tiến hành xây dựng nhà máy khi chưa có ĐTM được phê duyệt.

Mấy năm vừa qua, hàng chục doanh nghiệp nước ngoài đã về tỉnh Bắc Giang đầu tư theo lời kêu gọi của lãnh đạo tỉnh này khi cam kết sẽ dành rất nhiều ưu đãi cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều doanh nghiệp "uất ức", "ngậm đắng nuốt cay" vì bị xử phạt, bị đình chỉ thi công, bị đối tác phạt hợp đồng, mất uy tín... khi tiến hành xây dựng theo giấy phép xây dựng do lãnh đạo BQL các KCN tỉnh Bắc Giang cấp khi chưa có ĐTM được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Mới đây nhất, trong quá trình tìm hiểu về việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp trong các KCN, CCN của tỉnh Bắc Giang. Nhóm phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô phát hiện từ nhiều tháng nay, Công ty TNHH Ich Cube Việt Nam đã huy động máy móc, công nhân tiến hành xây dựng nhà máy khi chưa có ĐTM được phê duyệt.

Lãnh đạo BQL các KCN tỉnh Bắc Giang đã cấp phép xây dựng cho Công ty TNHH Ich Cube Việt Nam bất chấp quy định pháp luật.

Theo tài liệu chúng tôi có được, sở dĩ doanh nghiệp này dám công khai xây dựng nhà máy rầm rộ như vậy bởi vì đã được lãnh đạo BQL các KCN tỉnh Bắc Giang cấp giấy phép xây dựng từ ngày 16/11/2020.

Trong khi đó, phải tới ngày 15/12/2020, UBND tỉnh Bắc Giang mới phê duyệt ĐTM dự án Nhà máy Ich Cube Việt Nam do Công ty TNHH Ich Cube Việt Nam làm chủ đầu tư tại KCN Đình Trám.

Việc cấp Giấy phép xây dựng theo kiểu “bất chấp tất cả” của lãnh đạo BQL các KCN tỉnh Bắc Giang được nhiều doanh nghiệp coi là “tấm bùa hộ mệnh” để tiến hành xây dựng mà không cần quan tâm đến vấn đề môi trường cũng như không cần biết ĐTM có được phê duyệt hay không(?)

Giấy phép xây dựng do BQL các KCN tỉnh Bắc Giang cấp cho Công ty TNHH Ich Cube Việt Nam từ ngày 16/11/2020.

Theo Luật sư Vi Văn Diện, Luật Xây dựng được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2014 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 quy định rất rõ về yêu cầu bảo vệ môi trường.

Cụ thể trong giai đoạn khảo sát xây dựng và thiết kế xây dựng, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng, tại khoản 5 Điều 82 có quy định: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thẩm định về môi trường, phòng, chống cháy, nổ và nội dung khác theo quy định của pháp luật khi thẩm định thiết kế xây dựng.

Tiếp đó, tại khoản 3, khoản 4 Điều 91 Luật Xây dựng còn quy định phải bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hoá, di tích lịch sử - văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh. Đồng thời phải có thiết kế xây dựng công trình đã được kiểm duyệt theo Điều 82 của luật này.

Phải chăng lãnh đạo BQL các KCN tỉnh Bắc Giang không hiểu luật hay có "lợi ích" khi cấp phép cho doanh nghiệp?

Đối với điều kiện cấp phép giấy phép xây dựng của công trình không theo tuyến ngoài đô thị thì tại khoản 2 Điều 92 Luật Xây dựng về điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình không theo tuyến ngoài đô thị cũng yêu cầu phải đáp ứng điều kiện quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 91 của Luật Xây dựng.

Ngoài ra, tại Điểm d, khoản 1 Điều 102 Luật Xây dựng yêu cầu cơ quan có thẩm quyền căn cứ quy mô, tính chất, loại công trình và địa điểm xây dựng công trình có trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm đối chiếu các điều kiện theo quy định tại Luật này để gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan đến công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.

Đó là về Luật Xây dựng, còn theo Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 23/6/2014 và có hiệu lực từ 01/01/2015 quy định cũng rất chi tiết.

Cụ thể tại khoản 2 Điều 19 về thực hiện đánh giá tác động môi trường thì “việc đánh giá tác động môi trường phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án” và tại mục d, khoản 2 Điều 25 về “Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền thực hiện các việc cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với dự án có hạng mục xây dựng công trình thuộc đối tượng phải có giấy phép xây dựng”.

Công nhân đang tiến hành xây dựng nhà xưởng nhà máy Ich Cube Việt Nam.

Từ những dẫn chứng trên đã cho thấy rất nhiều cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng thời gian qua “vô tư” cấp phép xây dựng ồ ạt cho các dự án dẫn đến hàng loạt công trình được cấp phép và thi công công trình khi chưa thực hiện các thủ tục pháp luật khác, cụ thể là ĐTM chưa được phê duyệt. Đó là hành vi làm trái pháp luật rất rõ ràng – Luật sư Vi Văn Diện nói thêm.

Liên quan tới việc này có thể kể ra hàng loạt các dự án tương tự được BQL các KCN tỉnh Bắc Giang cấp giấy phép xây dựng bất chấp pháp luật.

Năm 2017, BQL các KCN tỉnh Bắc Giang đã cấp giấy phép xây dựng cho Công ty TNHH Ja Solar Việt Nam (KCN Quang Châu) để sản xuất tấm silic và lắp ráp tấm pin năng lượng dù chưa có ĐTM được phê duyệt. Vụ việc bị Bộ TN&MT phát hiện, dự án bị đình chỉ thi công 8 tháng, doanh nghiệp cay đắng nhận "trát" phạt mà không biết bày tỏ cùng ai, uy tín với đối tác bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Năm 2017, Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang đã cấp giấy phép xây dựng cho Công ty TNHH Ja Solar Việt Nam để sản xuất tấm silic và lắp ráp tấm pin năng lượng dù chưa có ĐTM được Bộ TN&MT phê duyệt.

Năm 2018, BQL các KCN tỉnh Bắc Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Jeil-Tech Vina và sau khi doanh nghiệp này triển khai xây dựng nhà xưởng có diện tích sàn 8275,5m2, xây tường bao xung quanh, thậm chí xây đến tầng 2 mới bị phát hiện ra không có ĐTM được phê duyệt.

Gần đây nhất, Công ty TNHH Luxshare-ICT được BQL các KCN tỉnh Bắc Giang cấp phép xây dựng 2 trung tâm nghiên cứu, gồm 2 tòa nhà cao 3 và 5 tầng với khoảng 400 phòng trong nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại KCN Quang Châu.

BQL các KCN tỉnh Bắc Giang đã buông lỏng quản lý khi để Công ty TNHH Luxshare-ICT tự ý thay đổi thiết kế, xây dựng sai so với Giấy phép xây dựng thành 460 phòng khép kín sử dụng cho công nhân viên lưu trú.

Trong quá trình thi công xây dựng, công ty này đã "biến hình" đối với 2 công trình Trung tâm nghiên cứu phát triển số 1 và 2, xây ngăn thành 460 phòng khép kín sử dụng cho công nhân viên lưu trú.

Có thể thấy, qua sự việc của Công ty TNHH Ich Cube Việt Nam thì rõ ràng đây không phải là lần đầu, lãnh đạo BQL các KCN tỉnh Bắc Giang "vượt rào" cấp giấy phép xây dựng cho doanh nghiệp khi chưa có ĐTM được phê duyệt.

Trước đó, để làm rõ vai trò, trách nhiệm về công tác quản lý nhà nước được giao trong việc Công ty TNHH Bedra Việt Nam (KCN Song Khê - Nội Hoàng) cố tình xây dựng sai so với ĐTM được phê duyệt. Nhóm phóng viên liên hệ làm việc với BQL các KCN tỉnh Bắc Giang nhưng sau khi gửi giấy giới thiệu và nội dung làm việc, Phó Chánh văn phòng Ban này cho biết lãnh đạo Ban không làm việc nếu chỉ có giấy giới thiệu.

Khi được phóng viên giải thích về quy định của Luật báo chí rằng phóng viên khi đi tác nghiệp chỉ cần có một trong hai loại giấy tờ là giấy giới thiệu hoặc thẻ nhà báo là đủ thì vị này không nghe và nói rằng phải đáp ứng được 2 yêu cầu là có thẻ nhà báo và giấy giới thiệu thì lãnh đạo Ban sẽ tiếp và làm việc.

Năng lực quản lý, chuyên môn của Lãnh đaọ BQL các KCN tỉnh Bắc Giang đã bộc lộ rất nhiều yếu kém trong những năm gần đây.

Được biết, ông Đào Xuân Cường hiện là Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang, ông Cường được bổ nhiệm thay ông Nguyễn Anh Quyền từ ngày 31/8/2020.

Dư luận đặt ra câu hỏi phải chăng năng lực, trách nhiệm của lãnh đạo BQL các KCN Bắc Giang đang có vấn đề? Hay đây là "vương quốc" của BQL các KCN nên có các "quy định" làm việc riêng?

Đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang nhanh chóng chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền vào cuộc làm rõ "động cơ", mục đích đốt cháy quy trình của BQL các KCN tỉnh Bắc Giang để không làm ảnh hưởng tới môi trường thu hút đầu tư, hạn chế tối đa thiệt hại cho doanh nghiệp.

Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Doãn Hưng - Vi Hải
Phiên bản di động