Giáo dục Thủ đô và những dấu ấn tạo đà phát triển

Năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa mới trong năm học 2020 - 2021.
Giáo dục sớm không có nghĩa bắt con học trước chương trình

Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2019 - 2020, quy mô giáo dục Thủ đô liên tục được mở rộng và không ngừng phát triển. Hà Nội đứng đầu cả nước với gần 2.800 trường mầm non, phổ thông, hơn 2,1 triệu học sinh.

Đến tháng 5/2020, Hà Nội đã có 1.579 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 71,6%. So với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2015 – 2020, có từ 65% - 70% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia, ngành GD&ĐT Thủ đô đã vượt chỉ tiêu đề ra. Từ đó, ngành Giáo dục thành phố góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020".

Sự chuyển biến tích cực của ngành Giáo dục Thủ đô diễn ra toàn diện, đều khắp các cấp học, nhà trường, cả công lập và ngoài công lập. Việc đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT được gắn với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Các cấp, ngành, địa phương tập trung coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học, hướng tới xây dựng xã hội học tập.

Giáo dục Thủ đô và những dấu ấn tạo đà phát triển

Một trong những kết quả đáng chú ý của thầy, trò ngành Giáo dục Thủ đô là đã chủ động ứng phó, vượt qua nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19; Bảo đảm tiến độ chương trình và chất lượng giáo dục. Với tinh thần “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học”, Hà Nội đã kịp thời triển khai việc dạy - học trên truyền hình, dạy học và kiểm tra trực tuyến. Chương trình đã thu hút sự tham gia của gần 100% học sinh toàn thành phố, góp phần tiếp tục duy trì nề nếp, chất lượng giáo dục. Hình ảnh những thầy, cô giáo miệt mài tương tác với học trò qua máy tính không kể giờ giấc đã lan tỏa, tạo hiệu ứng tốt đẹp trong toàn xã hội.

Những nỗ lực ấy đã góp sức tạo nên kết quả năm học 2019 - 2020 với những điểm nhấn đáng tự hào. Hà Nội duy trì vị trí dẫn đầu cả nước trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia với 144 giải; Ngoài ra, học sinh thành phố còn đoạt 338 giải và huy chương tại các kỳ thi quốc tế.

Không chỉ ấn tượng với số lượng và chất lượng giải của học sinh giỏi Thủ đô trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế năm 2020, nhiều học sinh Hà Nội đã giành những kết quả tiêu biểu, xuất sắc. Trong số đó phải kể đến học sinh Nguyễn Mạnh Quân (lớp 11 Lý trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam) tham dự kỳ thi Olympic Vật lý Châu Âu (European Physics Olympiad - EuPhO) và đã xuất sắc đoạt Huy chương Vàng với số điểm cao thứ năm. Tại kỳ thi Olympic Tin học quốc tế (IOI), cả 4 thí sinh tham dự đều đoạt huy chương, trong đó có 1 Huy chương Vàng thuộc về em Bùi Hồng Đức (học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Hồng Đức cũng là thành viên nhỏ tuổi nhất đoàn giành Huy chương Vàng tại cuộc thi Olympic Tin học quốc tế năm 2019. Điều vui mừng hơn cả, 4 thí sinh này đều là học sinh của Hà Nội.

Kế thừa những kết quả đáng tự hào đã đạt được, năm 2021, ngành GD&ĐT Thủ đô sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; Khắc phục những hạn chế, tồn tại từ năm học trước, thực hiện tốt 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp trọng tâm.

Trong đó, ngành đặc biệt coi trọng việc hình thành và phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên theo hướng đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo và chuẩn nghề nghiệp; Phấn đấu có nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý mẫu mực.

Ngành GD&ĐT Thủ đô chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh; Đặc biệt là đối với giáo dục vùng khó khăn. Đồng thời, ngành GD&ĐT thành phố tiếp tục áp dụng một số kinh nghiệm và mô hình giáo dục tiên tiến của các nước trên thế giới phù hợp với Việt Nam và triển khai hiệu quả, đảm bảo chất lượng chương trình Tiếng Anh.

Đặc biệt, ngành GD&ĐT Thủ đô sẽ thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với học sinh diện chính sách xã hội, miền núi, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; Từng bước khắc phục sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền, quan tâm tạo cơ hội học tập cho học sinh khuyết tật…

Thực hiện chương trình sách giáo dục phổ thông mới, Hà Nội cũng chuẩn bị tốt các điều kiện đáp ứng việc triển khai; Quan tâm tới giáo dục thể chất để tạo ra một thế hệ thanh niên khỏe mạnh, phát triển toàn diện văn - thể - mỹ. Toàn ngành sẽ chú trọng việc bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, song song với việc nâng cao chất lượng đại trà, tiếp tục đẩy mạnh việc mở rộng hợp tác quốc tế…

Ngọc Minh. Ảnh: Minh Việt
Phiên bản di động