“Giáo dục đúng sao được khi một lớp có gần 100% học sinh đạt loại giỏi”

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh: “Đúng sao được khi mà một lớp gần có 100% học sinh đạt loại giỏi. Không thể tạo nên một sản phẩm hoàn hảo khi chấp nhận nói dối ngay từ những năm các con cắp sách đến trường”.
Bộ trưởng Giáo dục sẽ có văn bản trả lời vụ gian lận thi ở Sơn La Giá nâng điểm mỗi trường hợp trung bình 1 tỉ đồng!
giao duc dung sao duoc khi mot lop co gan 100 hoc sinh dat loai gioi
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phát biểu tại hội trường, sáng 30/5

Sáng nay (30/5), Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách Nhà nước 2017.

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) nhận xét, nếu chỉ nhìn vào những con số tăng trưởng trong báo cáo của Chính phủ thì nhiều người sẽ bày tỏ sự vui mừng. Nhưng thực tế người dân lại hoài nghi, chưa vui vì thiếu niềm tin về nhiều vấn đề bức xúc xã hội khác chưa được giải quyết kịp thời.

Đại biểu Hiếu đề cập, về giao thông, cách đây vài ngày người dân kéo đến trạm BOT T2, phản ứng về cách thức thu phí không hợp lý. Những bất cập của trạm thu phí này cũng đã làm giảm ý nghĩa của cầu Vàm Cống- Một công trình có ý nghĩa to lớn đối với Đồng bằng Sông Cửu Long. “Nguyên nhân này chỉ vì sự tắc trách của một bộ phận cũng như cách thu phí và cần sớm có giải pháp xử lý trạm BOT T2, để đảm bảo sự công bằng”, ông Hiếu nói.

Về vấn đề giá điện, xăng, dầu, đại biểu Hiếu phân tích, Bộ Công thương đã có bản báo cáo về vấn đề này với hàng chục trang. Tuy nhiên cũng như trong khám, chữa bệnh, cho dù phác đồ đúng, nhưng nếu có vấn đề thì vẫn phải xem xét lại. “Vậy nên, khi rất nhiều người dân bức xúc thì Bộ Công thương cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc về cách thức quản lý, giám sát của mình trong việc điều hành. Phải chăng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên là do độc quyền trong việc mua bán, truyền tải điện”, ông Hiếu đặt vấn đề.

Trong lĩnh vực giáo dục, đại biểu Hiếu nhấn mạnh, việc gian lận thi cử, cử tri trông đợi sự giải quyết tích cực, thoả đáng của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng thực tế những động thái vẫn hết sức mờ nhạt. Người có trách nhiệm cụ thể trong vụ gian lận thi này, không thể nói là chỉ ở địa phương.

Nghịch lý là mỗi năm Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cải cách việc thi cử một lần mà càng cải tiến thì càng kém đi. Bộ cũng chưa tổ chức tập huấn, chỉ rõ những kẽ hở có thể bị lợi dụng để tiêu cực trong việc thi 2 trong 1 để các địa phương dự liệu như việc bài thi không dọc phách, bài trắc nghiệm lại thực hiện tích bằng bút chì… Rồi khi có kết quả, Bộ này cũng không sớm phát hiện việc phổ điểm của thí sinh ở những tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa lại còn cao hơn nơi thành phố lớn…

“Đúng sao được khi mà một lớp gần có 100% học sinh đạt loại giỏi. Trong phiên thảo luận về Luật Giáo dục, chúng ta bàn nhiều về triết lý giáo dục, nhưng trước mắt cần đưa ra nguyên tắc giáo dục đơn giản là nền giáo dục không nói dối. Không thể tạo nên một sản phẩm hoàn hảo khi chấp nhận nói dối ngay từ những năm các con cắp sách đến trường”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu quan điểm.

Anh Đức
Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động