Giáo dục con cái: Cha mẹ vùng nông thôn, miền núi phải được ưu tiên

PV đã có cuộc trao đổi với TS Vương Thị Hanh – Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW, thuộc Hội Khoa học phát triển nhân lực, nhân tài Việt Nam) về Dự thảo Chương trình quốc gia giáo dục làm cha mẹ.
Nâng giáo dục kỹ năng dạy con lên tầm... quốc gia 5 bước giúp cha mẹ cùng con vượt qua thất bại ‘Em đâu biết việc đó là xấu, thấy bố mẹ làm thì học theo thôi’
Giáo dục con cái: Cha mẹ vùng nông thôn, miền núi phải được ưu tiên

TS Vương Thị Hanh – Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW, thuộc Hội Khoa học phát triển nhân lực, nhân tài Việt Nam).

Theo bà có cần thiết phải tổ chức một chương trình quốc gia về giáo dục làm cha mẹ không ?

- Gia đình chính là cái nôi hình thành và nuôi dưỡng tâm hồn và thể chất cho những đứa trẻ. Việc giáo dục trẻ em thì gia đình cũng đóng vai trò quan trọng nhất. Trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện rất nhiều chương trình chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhưng chưa có một chương trình nào đủ mạnh để thấy được vai trò của giáo dục gia đình với trẻ thì chương trình quốc gia về giáo dục làm cha mẹ theo tôi là rất cần thiết.

Vậy theo bà, nên tiếp cận việc giáo dục làm cha mẹ theo hướng nào ?

- Về nội dung, đầu tiên cần tiếp cận ở góc độ luật pháp. Việc giáo dục cha mẹ phải đảm bảo không mâu thuẫn với thể chế pháp luật hiện hành, đảm bảo tiếp cận phương pháp cha mẹ giáo dục con cái dựa trên quyền, từ đó tìm ra phương pháp giáo dục cha mẹ phù hợp.

Giáo dục trẻ em phải tiếp cận dựa trên quyền trẻ em, dựa trên Luật Trẻ em năm 2016 mà Việt Nam đã thông qua và các công ước về trẻ em. Chính vì thế nội dung của giáo dục gia đình cũng không thể nằm ngoài những nội dung mà nhà trường và xã hội giáo dục cho các em. Tất cả chương trình giáo dục từ nhà trường, xã hội tới gia đình phải có sự đồng nhất, tất nhiên giáo dục gia đình sẽ có những khác biệt cơ bản về phương pháp, nghệ thuật giáo dục.

Đặc biệt, nên tiếp cận giáo dục cả các thành viên khác trong gia đình, bởi trẻ em không chỉ sống với bố mẹ, còn sống với ông bà, anh chị, cô dì,...

Hình thức giáo dục trẻ em nên thực hiện thế nào cho phù hợp trong điều kiện về văn hóa, trình độ giữa các vùng miền ?

- Theo tôi nên có sự phân loại các gia đình. Có những gia đình thành thị, có những gia đình ở nông thôn miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội nhận thức rất khác nhau. Chính vì thế cần đa dạng các hình thức giáo dục. Với khu vực phát triển có thể cung cấp những thông tin lên internet để bố mẹ có thể tiếp cận đọc được, nhưng với những khu vực vùng sâu vùng xa, khu vực nông thôn hay hải đảo thì cần cung cấp thông tin, thực hiện giáo dục cha mẹ qua các kênh tập huấn, mở lớp giáo dục trực tiếp. Những hoạt động này cần được thực hiện đa dạng dưới nhiều hình thức, tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ gia đình...

Cần phải ưu tiên giáo dục làm cha mẹ cho những cha mẹ có hoàn cảnh đặc biệt. Ví dụ cha mẹ là người khuyết tật, hoặc có con khuyết tật, mắc bệnh dị tật bẩm sinh, hoặc cha mẹ ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, khu công nghiệp... những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn”.

Bà Vương Thị Hanh

Dự thảo chương trình quốc gia giáo dục cha mẹ có đưa ra những mục tiêu khá lớn, ví dụ chỉ tiêu phải giáo dục được 50% cha mẹ, ít nhất 60% cha mẹ và người chăm sóc trẻ tiếp cận thông tin... Bà nhận định thế nào về những con số này?

- Thực ra tôi không quan tâm lắm tới các chỉ tiêu. Quan trọng hơn chính là cái chất trong việc giáo dục thế nào? Có hiệu quả không? Có thể tôi không cần có chỉ tiêu gì, nhưng quá trình thực hiện chương trình, giảm được tình trạng bạo lực xâm hại trẻ em, trẻ em phát triển năng lực nhiều hơn... thì đó đã là thành công. Nên đánh giá chương trình về mặt kết quả chứ không chỉ đánh giá bằng những con số.

Một số chuyên gia thì cho rằng nên có cấp chứng chỉ cho những cha mẹ được giáo dục kỹ năng dạy con. Theo bà có cần thiết ?

- Tôi cho rằng không nên cấp chứng chỉ cho cha mẹ vì đây là vấn đề mở, chỉ cần khuyến khích, giáo dục để cha mẹ thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình mà tự nguyện tham gia. Việc cấp chứng chỉ để thực hiện quyền làm cha mẹ rất khó, chứng chỉ nào khẳng định là cha mẹ đã học và phải học được bao nhiêu lớp thì cha mẹ mới được quyền cấp chứng chỉ?... Tôi cho rằng kể cả khi có chứng chỉ, có kỹ năng giáo dục con nhưng cha mẹ không có trách nhiệm, sao nhãng trẻ em thì lúc đó bằng cấp, chứng chỉ cũng không làm được gì.

Tuy nhiên, theo tôi nên cấp chứng chỉ tiền hôn nhân còn chứng chỉ làm cha mẹ thì không cần thiết.

Xin cảm ơn bà!

Cung cấp giải pháp giáo dục online

“Hiện có nhiều bà mẹ trẻ học thông tin làm cha mẹ, không qua trường lớp mà học online rồi ứng dụng vào thực tế. Do đó, cần triển khai để chương trình giáo dục làm cha mẹ trở thành địa chỉ không thể thiếu được với các gia đình. Mục tiêu làm các bộ tài liệu vô cùng lớn, để khó ở đâu là họ có thể mở ra xem ngay. Đây được kỳ vọng là chìa khóa giải quyết nhiều vấn đề khác”.

Bà Trương Thị Thu Thủy - Trưởng ban Dân tộc Tôn giáo (Hội LHPN Việt Nam)

Nhiều cha mẹ sao nhãng việc chăm con

Nói đến trẻ em là nói đến 3 nội dung: Chăm sóc - Giáo dục và Bảo vệ. Trong 3 nội dung này thì bảo vệ trẻ em hiện nay đang làm yếu nhất. Tôi vừa tham gia đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về xâm hại trẻ em tại 6 tỉnh. Nhận định chung là tình trạng xâm hại trẻ em hiện nay có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp. Nguyên nhân đều bắt nguồn từ việc cha mẹ chủ quan, lơ là, thiếu quan tâm, mải mê làm ăn, sao nhãng việc chăm sóc trẻ, thiếu kiến thức, kỹ năng về bảo vệ con. Thực tế này cho thấy sự cần thiết của chương trình này trong việc giúp các phụ huynh có đầy đủ kiến thức, kỹ năng trong việc làm cha mẹ tốt; giúp trẻ em có đời sống tinh thần phong phú chứ không chỉ tập trung vào học hành, ăn uống…”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em.

M.N (ghi)

Nguồn: Dân Việt
Phiên bản di động