Gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng trong phòng, chống xâm hại trẻ em

Sáng 28/6, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức Hội thảo “Vai trò, trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em” nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6).
Quốc hội quyết định giám sát về phòng, chống xâm hại trẻ em Năm 2020, Quốc hội sẽ giám sát về phòng, chống xâm hại trẻ em

Theo báo cáo của Bộ VH,TT&DL, tình trạng xâm hại trẻ em ngày càng có xu hướng gia tăng, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho nạn nhân, gia đình và cả xã hội.

Theo số liệu của các cơ quan chức năng, trong hai năm 2017 và 2018, toàn quốc có 3.221 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó có 2.690 trẻ em bị xâm hại tình dục. Tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2019 có 325 trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Trên thực tế, con số này có thể còn cao hơn nhiều.

gia dinh co vi tri dac biet quan trong trong phong chong xam hai tre em
Toàn cảnh hội thảo

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Tạ Quang Đông cho biết, thời gian qua, xã hội còn phải chứng kiến một số gia đình, tổ chức thiếu trách nhiệm với trẻ em, chưa coi trọng vấn đề bảo vệ trẻ em, thiếu hiểu biết về luật pháp, không nhận thức được các hành vi vi phạm quyền trẻ em dẫn đến việc thực thi pháp luật, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn yếu. Một số địa phương chưa khơi dậy và phát huy hết các nguồn lực, vai trò, trách nhiệm của gia đình, trường học, cộng đồng cơ sở đối với bảo vệ, chăm sóc trẻ em; công tác truyền thông vận động để mọi người dân thực hiện tốt các văn bản pháp luật về bảo vệ trẻ em còn hạn chế, chưa rộng khắp.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh, để phòng, chống nạn xâm hại trẻ em thì gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng, bởi gia đình là môi trường sống đầu tiên, là nơi hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người cũng như là chốn bình yên nhất của mỗi người. Do đó, mỗi gia đình, thành viên gia đình, đặc biệt là những bậc cha, mẹ trước hết phải hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc phòng, chống xâm hại con, cháu của mình.

Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam cũng cho biết, số lượng các vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng được phát hiện, xử lý có giảm nhưng không nhiều. Tính chất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi, do nhiều loại đối tượng gây ra, trong đó phần lớn là người quen, họ hàng, hàng xóm, không chỉ người Việt Nam mà cả người nước ngoài, có cả trường hợp xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng.

Nhiều vụ việc gia đình không cung cấp thông tin, thông báo, tố giác tới các cơ quan chức năng, vì sợ ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình; thủ phạm có sự đe dọa hoặc dùng tiền mua chuộc, hòa giải với gia đình của nạn nhân.

Bạo lực, xâm hại tình dục gây tổn thương nặng nề đến cả thể chất và tinh thần trẻ em, thậm chí làm trẻ em bị tử vong hoặc khiến trẻ em phải tự tử.

Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em để làm cơ sở phòng ngừa và giải quyết nghiêm minh vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Mặt khác, các cơ quan chức năng tiếp tục truyền thông về các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em.

Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động