Gần 200 ngày đêm truy dấu đường dây buôn hóa đơn, thu lời bất chính hàng chục tỷ đồng

Từ dấu hiệu bất thường của hàng loạt doanh nghiệp chỉ hoạt động vài tháng rồi… không thực hiện nghĩa vụ thuế, Công an quận Hai Bà Trưng đã phanh phui đường dây lập công ty “ma”, giao dịch trái phép hóa đơn giá trị gia tăng với số tiền đặc biệt lớn.
Yêu cầu phúc tra toàn bộ hoá đơn có chỉ số điện tăng trên 30% ‘Bóc’ 2 ổ nhóm mua bán hóa đơn giao dịch hàng nghìn tỷ đồng "Cặp bài trùng" giám đốc và kế toán mua bán hóa đơn khống

Sau gần 200 ngày xác lập và khám phá thành công chuyên án, điều mà Đại úy Vũ Thái Sơn - Đội trưởng đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an quận Hai Bà Trưng tâm đắc nhất, là đã phát hiện và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền “bịt” những lỗ hổng trong công tác quản lý doanh nghiệp, hóa đơn…

ảnh 1
Hoàng Lệ Hằng (đứng giữa), cùng các đồng phạm và tang vật trong vụ án mua bán hóa đơn GTGT do Phòng An ninh kinh tế khám phá, hồi tháng 8-2016

Nhưng công ty… yểu mệnh

Giữa năm 2017, qua công tác trinh sát, nắm tình hình, Đội Cảnh sát kinh tế CAQ Hai Bà Trưng phát hiện dấu hiệu bất thường của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể là các doanh nghiệp này chỉ hoạt động từ 3 đến 6 tháng, sau đó mất hút cùng những giấy tờ, thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực thuế. Trong số này, có những doanh nghiệp mà trước đó, theo cơ quan quản lý thuế, đã từng có ý định nộp hồ sơ xin phá sản, dừng hoạt động, vậy nhưng sau đó đã được “ai đó” mua lại với bộ máy lãnh đạo mới.

Âm thầm rà soát, trinh sát phát hiện điều bất thường khác là nhiều doanh nghiệp đăng ký địa chỉ hoạt động kinh doanh, nhưng thực chất đó lại là nhà dân, hoặc quán cơm bụi. Chính khoảng thời gian tồn tại quá ngắn khiến cán bộ chức năng khi đến kiểm tra, đôn đốc nộp thuế theo quy định thì doanh nghiệp đã “mất tích” từ lúc nào.

Trực tiếp đánh giá tình hình cùng trinh sát, điều tra viên, Đại úy Vũ Thái Sơn đưa ra nhận định về manh mối hoạt động của đường dây công ty “ma” chuyên buôn hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT). Chuyên án trinh sát được Đội Cảnh sát kinh tế CAQ Hai Bà Trưng xác lập với sự hỗ trợ của các phòng nghiệp vụ CATP Hà Nội. Từ đây, một cái tên khá quen thuộc với các điều tra viên, trinh sát từng “va” với tội phạm về hóa đơn GTGT, đó là Hoàng Lệ Hằng (SN 1971, trú tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng).

Chân dung “người quen”

Là dân gốc ở phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, sau một thời gian khéo léo làm ăn, Hoàng Lệ Hằng đã mua được căn hộ chung cư sang trọng ở khu đô thị nổi tiếng trên phố Minh Khai. Nghề của Hằng là gì mà có cuộc sống khá giả thế, hơn ai hết, nhiều cán bộ chiến sỹ Công an Hà Nội không lạ.

Tháng 8-2016, Hoàng Lệ Hằng bị xác định nằm trong chuyên án do Phòng An ninh kinh tế CATP Hà Nội xác lập, phá đường dây buôn bán hóa đơn GTGT. Thủ đoạn của Hằng cùng các đồng phạm là mua lại những công ty hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, chỉnh sửa thông tin của giám đốc, người đại diện theo pháp luật... để xuất, bán hoá đơn. Từ tháng 6-2014 đến khi lộ diện, đường dây này đã xuất khống hơn 3.000 hóa đơn với tổng giá trị trên 780 tỷ đồng cho trên 500 doanh nghiệp, bước đầu xác định gây thất thu trên 78 tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước.

Được xác định giữ vai trò chủ mưu, Hoàng Lệ Hằng chỉ đạo, điều hành nhóm các đối tượng có quan hệ gia đình, người quen hoạt động mua, bán hoá đơn GTGT và đặt trụ sở làm việc tại một… quán cà phê ở phố Cảm Hội, phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng. Cũng trực tiếp Hằng tiến hành mua gom các doanh nghiệp với giá từ 30 đến 40 triệu đồng/doanh nghiệp (bao gồm cả con dấu và hóa đơn). Những doanh nghiệp này đều hoạt động hợp pháp, chưa có thông báo dừng hoạt động hoặc nợ thuế. Hằng sử dụng các doanh nghiệp nói trên chỉ để bán hóa đơn GTGT cho các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu hợp lý hóa đầu vào để rút tiền Nhà nước và được hoàn thuế GTGT.

Sau đó, Hằng cùng các đối tượng liên quan tổ chức giao dịch, thỏa thuận với các doanh nghiệp về nội dung mua bán hóa đơn với giá từ 200.000 - 300.000 đồng/hoá đơn (đối với hóa đơn GTGT dưới 20 triệu đồng giao dịch trực tiếp) hoặc 2% tổng giá trị tiền ghi trên hoá đơn (đối với hóa đơn trên 20 triệu đồng do phải giao dịch qua ngân hàng). Sau đó Hằng chỉ đạo các đối tượng trong nhóm xuất và giao nhận hóa đơn cũng như các giao dịch chuyển khoản. Hoạt động của các đối tượng mang tính hệ thống, có tổ chức, chuyên nghiệp, có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng.

Với các nhóm đối tượng môi giới, kế toán xuất hóa đơn, vận chuyển hóa đơn và giao dịch ngân hàng được hưởng lương hàng tháng (từ 7 - 10 triệu đồng, hoặc hưởng theo tỷ lệ phần trăm giá trị ghi trên hóa đơn).

Quá trình đấu tranh, cơ quan công an thu giữ tang vật gồm 36 bộ dấu pháp nhân công ty “ma”; 28 bộ dấu Hộ kinh doanh cá thể; gần 200 quyển hoá đơn có nhiều tờ đã viết sẵn nội dung cùng nhiều chứng từ, séc, sổ sách thống kê ghi chép các loại hóa đơn đã mua bán; hơn 750 triệu đồng tiền mặt...

Tinh vi đến mấy cũng không thoát

Cùng với việc dựng lại hồ sơ về Hoàng Lệ Hằng, Đội Cảnh sát kinh tế CAQ Hai Bà Trưng tập trung thu thập tài liệu, chứng cứ phạm tội của “bà trùm”. Trên cơ sở ấy, sau 6 tháng dày công lập án, ngày 18-1-2018, CAQ Hai Bà Trưng phối hợp với các phòng nghiệp vụ CATP xây dựng, triển khai kế hoạch phục kích, đồng loạt bắt quả tang Hoàng Lệ Hằng và 8 đối tượng liên quan.

Quá trình khám xét, cơ quan công an thu giữ 20 con dấu của 18 công ty; 12 dấu chức danh; 6 dấu chữ kỹ; 46 quyển hóa đơn đã viết nội dung; 60 quyển hóa đơn dạng phôi; cùng nhiều tài liệu liên quan, trong đó có hóa đơn của 26 doanh nghiệp đăng ký trụ sở tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Lời khai của “bà trùm” cho thấy, trong quá trình được cho tại ngoại ở vụ án trước, từ tháng 8-2017, Hằng đã tái phạm với thủ đoạn đối phó tinh quái hơn. Phần lớn các đồng phạm của Hằng đều có quan hệ thân thiết, họ hàng. Số này ngoài việc giao dịch hóa đơn, thanh toán tiền, còn được Hằng phân công theo dõi hành trình của đối tác sau mỗi lần mua bán. Nếu cảm thấy nghi ngờ, Hằng lập tức hủy mọi kết nối, dấu vết, và truy bằng được ai đã giới thiệu đối tác đó với cô ta.

Sau khi mua được doanh nghiệp và sử dụng nó để giao dịch hóa đơn GTGT, Hằng cùng các đồng phạm tận dụng nhà riêng và thuê nhiều địa chỉ làm nơi in, ghi hóa đơn. Các địa điểm này thường xuyên thay đổi trước thời điểm cơ quan thuế phát hiện dấu hiệu bất thường. Còn để phục vụ việc bán hóa đơn, các đối tượng trực tiếp đến ngân hàng để mở tài khoản nhằm thực hiện các giao dịch hợp thức việc bán hóa đơn. Phần chữ ký của giám đốc các công ty do các đối tượng… tự ký.

Về thủ đoạn hợp thức hoạt động kinh doanh của nhóm công ty “ma” đối với cơ quan Thuế, Hằng khai nhận do từ năm 2015, theo quy định của Bộ Tài chính các doanh nghiệp khi nộp tờ khai thuế không phải nộp kèm bảng kê hóa đơn đầu vào, đầu ra. Lợi dụng việc này, các đối tượng tự kê những số liệu không có thật vào bảng kê để nộp tờ khai cho cơ quan thuế. Doanh nghiệp “ma” chỉ hoạt động từ 3 - 6 tháng, sau đó không nộp tờ khai, “né” hoàn thành các thủ tục với cơ quan thuế. Và cho đến khi cơ quan chức năng nghi ngờ, kiểm tra, thì doanh nghiệp đã mất tích hẳn.

Hơn 20 công ty “ma” với tổng giá trị sau VAT lên tới hơn 75 tỷ đồng, đó là những con số nằm trong chuyên án được Đội Cảnh sát kinh tế CAQ Hai Bà Trưng xác lập. Song, đúng như chia sẻ của chỉ huy đội, điều thành công hơn cả là những kiến nghị của ban chuyên án đến cấp có thẩm quyền. Việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều điểm chưa chặt chẽ khiến tội phạm lợi dụng.

Sự thông thoáng trong việc thành lập doanh nghiệp và báo cáo thuế dẫn đến diễn biến hoạt động tội phạm mua bán trái phép hóa đơn, trốn thuế trở nên phức tạp, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước. Chuyên án thành công đã góp phần quan trọng tạo sự ổn định, lành mạnh của môi trường kinh doanh, răn đe các đối tượng và thu hồi tiền thuế gian lận tại nhiều doanh nghiệp, tổ chức về cho Nhà nước.

Tháng 8/2016, Hoàng Lệ Hằng bị xác định nằm trong chuyên án do Phòng An ninh kinh tế CATP Hà Nội xác lập, phá đường dây buôn bán hóa đơn GTGT. Thủ đoạn của Hằng cùng các đồng phạm là mua lại những công ty hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, chỉnh sửa thông tin của giám đốc, người đại diện theo pháp luật... để xuất, bán hoá đơn. Từ tháng 6/2014 đến khi lộ diện, đường dây này đã xuất khống hơn 3.000 hóa đơn với tổng giá trị trên 780 tỷ đồng cho trên 500 doanh nghiệp, bước đầu xác định gây thất thu trên 78 tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước.

Nguồn: ANTĐ
anninhthudo.vn
Phiên bản di động