EVN muốn tăng giá điện để giảm khó khăn, cân đối tài chính

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ước lỗ hơn 31.000 tỷ đồng do nguyên nhân khách quan ảnh hưởng trực tiếp từ việc giá than nhập khẩu tăng cao đột biến khiến chi phí mua điện tăng rất cao.
EVN gặp khó vì chi phí sản xuất và mua điện tăng rất cao EVN chính thức đề xuất khung giá cho điện gió, điện mặt trời

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2022 là một năm hết sức khó khăn đối với tập đoàn do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện và tỷ giá tăng cao. Ngay từ đầu năm, EVN đã triển khai quyết liệt các biện pháp quản trị, tiết giảm chi phí.

Cụ thể, tập đoàn đã tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên, cắt giảm từ 20 - 30% chi phí sửa chữa lớn, thực hiện chi lương cho cán bộ công nhân viên với 80 - 90% mức lương bình quân năm 2020… nhờ đó đã tiết giảm chi phí hơn 9.700 tỷ đồng.

EVN muốn tăng giá điện để giảm khó khăn, cân đối tài chính
Nhiều chuyên gia cho rằng giá điện cần điều chỉnh phù hợp với cơ chế thị trường, khuyến khích đầu tư vào ngành điện

Đồng thời, EVN cũng thực hiện các giải pháp tối ưu hóa dòng tiền, đạt hơn 7.900 tỷ đồng; vận hành tối ưu hệ thống điện, phát huy tối đa các nhà máy điện có chi phí thấp, giúp giảm chi phí mua điện gần 15.845 tỷ đồng.

Tổng các khoản EVN đã triển khai thực hiện để tiết giảm chi phí khoảng 33.445 tỷ đồng. Dù vậy, EVN vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện do giá nhiên liệu tăng cao đột biến, dẫn tới mất cân bằng tài chính rất lớn năm 2022.

Theo Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân, năm 2022 tổng doanh thu của EVN đạt hơn 460.000 tỷ đồng.

Mặc dù sản lượng và doanh thu đều tăng trưởng khá tốt, các nguồn thủy điện giá rẻ được huy động phát rất cao, cùng với việc tập đoàn và các đơn vị đã triệt để tiết kiệm chi phí, nhưng EVN ước lỗ hơn 31.000 tỷ đồng do nguyên nhân khách quan ảnh hưởng trực tiếp từ việc giá than nhập khẩu tăng cao đột biến khiến chi phí mua điện tăng rất cao.

Sau 10 năm sản xuất kinh doanh có lợi nhuận, đây là năm EVN lỗ lớn do nguyên nhân khách quan và sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của tập đoàn trong thời gian tới.

Trên cơ sở đó, EVN đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ngành cho phép điều chỉnh giá điện trong năm 2022 để giảm bớt khó khăn và có thể cân đối tài chính của EVN trong những năm tới.

Bên cạnh đó, EVN cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ tập đoàn và các đơn vị giải quyết các vướng mắc liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án điện để thúc đẩy tiến độ các công trình điện cũng như việc sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch điện VIII.

Hậu Lộc
Phiên bản di động