Dùng nguồn nước thủy điện đẩy mặn ở Đà Nẵng không phải là biện pháp tối ưu

Việc sử dụng nước thủy điện để đẩy mặn không phải biện pháp tối ưu, Đà Nẵng và Quảng Nam cần nghĩ đến giải pháp xây dựng công trình ngăn mặn, đại diện lãnh đạo Chi cục Thủy lợi Quảng Nam cho biết.
Chi gần 1.500 tỉ đồng cải thiện môi trường nước phía Đông Đà Nẵng Thiếu nguồn nước thô làm nước sạch, Đà Nẵng sẽ làm việc với thủy điện thượng nguồn Nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn 1.200 mg/l, Đà Nẵng tiếp tục thiếu nước sạch
da nang dung nguon nuoc thuy dien day man khong phai la bien phap toi uu
Trong thời gian qua, sông Cầu Đỏ đã xuất hiện tình trạng nhiễm mặn nặng khiến Đà Nẵng thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng. Ảnh: Xuân Lam

Ngày 27/8, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam và Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng đã có cuộc hội thảo về tình hình khai thác nước, nhằm tìm ra giải pháp chống hạn và chống xâm nhập mặn cho TP Đà Nẵng.

Trong thời gian qua, trên địa bàn TP Đà Nẵng xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của người dân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch của TP Đà Nẵng là do nguồn nước thô tại sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn.

Qua số liệu đo độ mặn, từ ngày 16/8, sông Cầu Đỏ đã xuất hiện tình trạng nhiễm mặn nặng. Đặc biệt, từ ngày 18/8 đến rạng sáng ngày 23/8, độ mặn thường xuyên đã vượt ngưỡng 1.000 mg/l khiến nguồn nước thô hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào trạm bơm phòng mặn An Trạch (với công suất thiết kế 210.000 m3/ngđ), trong khi đó nhu cầu sử dụng nước hiện nay trên toàn thành phố khoảng hơn 300.000 m3/ngđ.

Trước đó, trong một cuộc họp gần đây, Sở tài nguyên và môi trường Đà Nẵng đã đề nghị thủy điện Đăk Mi 4 trên thượng nguồn của Quảng Nam xả nước về hạ du sông Vu Gia với lưu lượng 24 m3/s liên tục trong 24 giờ, còn thủy điện A Vương xả với lưu lượng 70 m3/s là phương án khẩn cấp.

Tuy nhiên, đại diện Công ty thủy điện Đăk Mi 4 cho rằng, hiện nước lòng hồ đang ở dưới mực nước chết 8 m, việc phát điện hay không như ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường không quan trọng. Vì lượng nước về hồ hiện nay chỉ đạt mức 4 m3/s. Nếu có mưa thì khả năng đến giữa tháng 9/2019 nguồn nước mới có thể phục hồi.

Còn theo đại diện Công ty thủy điện A Vương, nếu xả 70m3/s trong 24 giờ thì vẫn được. Tuy nhiên, phương án này cần được thực hiện thận trọng, trong khi khả năng mùa mưa về trễ.

da nang dung nguon nuoc thuy dien day man khong phai la bien phap toi uu
Thiếu nước trên diện rộng khiến cuộc sống của người dân Đà Nẵng bị đảo lộn. Ảnh: Lan Anh

Theo đó, tại hội thảo lần này, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đề xuất với Quảng Nam, không huy động nước của nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 xả về sông Thu Bồn nữa. Thực hiện việc tích nước nhằm giữ lại nguồn nước hiện có để chống hạn, nhiễm mặn, cấp nước cho hạ du sông Vu Gia để phục vụ nước sinh hoạt cho Đà Nẵng và 4.000 ha lúa của của 2 địa phương.

Đồng thời, yêu cầu thủy điện Đăk Mi 4 xả nước về hạ du sông Vu Gia khi độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ dưới 1.000 mg/l, nếu độ mặn lớn hơn 1.000 mg/l thì xả với lưu lượng 25 m3/s.

Theo Dawaco, việc độ mặn tại Cầu Đỏ tăng cao một phần do các thủy điện trên thượng nguồn vận hành, đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc cấp nước sinh hoạt cho TP Đà Nẵng. Theo đó, trong thời gian qua, Dawaco đã phải bơm hơn 14 triệu m3 nước thô từ An Trạch để pha loãng độ mặn xử lý vấn đề cấp bách trước mắt.

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Chi cục Thủy lợi Quảng Nam cho rằng, hiện nay lượng nước tại các hồ chứa của thủy điện tại Quảng Nam đang thấp, không thể dùng nước thủy điện để đẩy mặn.

Cũng theo vị này, việc sử dụng nước thủy điện để đẩy mặn không phải biện pháp tối ưu, Đà Nẵng và Quảng Nam cần nghĩ đến giải pháp xây dựng công trình ngăn mặn.

N.Dương
Phiên bản di động