Du lịch Hà Nội: Thay đổi để phục hồi

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, khó khăn từ đại dịch Covid-19 cũng chính là cơ hội để ngành du lịch Hà Nội tái cơ cấu về môi trường du lịch, sản phẩm du lịch cũng như thay đổi tư duy, nhận thức để phục hồi và phát triển mạnh hơn trong năm 2021.
Sự phục hồi của ngành Du lịch là nhân tố quyết định đến thực hiện mục tiêu tăng trưởng của Hà Nội

Năm 2020, ngành du lịch Hà Nội chịu thiệt hại nặng nề vì đại dịch Covid-19. Kết quả đón khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch đến Hà Nội năm 2020 chỉ bằng khoảng 30% so với năm 2019, nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành, lưu trú, vận chuyển bị thiệt hại phải tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động.

Ngoài những nguyên nhân khách quan như hoạt động du lịch quốc tế dừng hoạt động, thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch theo quy định, hành vi du khách thay đổi…, du lịch Hà Nội cũng bộc lộ nhiều hạn chế khiến cho lượng khách nội địa đến Thủ đô tăng trưởng chậm, trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành phố khác thu hút thành công du khách Việt để thay thế lượng khách quốc tế.

Báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội nhận định, Hà Nội còn thiếu các khu du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần đủ sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách du lịch. Chất lượng dịch vụ du lịch ở nhiều điểm đến và công tác hướng dẫn du lịch tại điểm còn yếu. Sản phẩm du lịch của Hà Nội chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những gì đã có sẵn, chưa được đầu tư đúng mức và chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của du lịch Thủ đô.

Du lịch Hà Nội: Thay đổi để phục hồi
Hà Nội sẽ đẩy mạnh loại hình du lịch học đường trong năm 2021.

Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch năm 2021 của Sở Du lịch Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Ngành du lịch Hà Nội phải thay đổi toàn diện trong năm 2021. Hà Nội cũng xác định phát triển du lịch đúng với tư duy của một ngành kinh tế và theo các quy luật kinh tế.

"Du lịch Hà Nội trong năm 2021 phải áp dụng tư duy kinh tế, không làm vui, làm chơi, không biểu diễn. Ngành du lịch phải phát huy vai trò của một ngành kinh tế mũi nhọn, chủ động, sáng tạo và lôi kéo các ngành khác cùng tham gia để tạo sức mạnh tổng hợp. Phải tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, hấp dẫn hơn nữa để kéo khách đến với Hà Nội và khuyến khích người Hà Nội đi du lịch quanh Hà Nội" - ông Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu.

Du lịch Hà Nội: Thay đổi để phục hồi
Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội

Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cũng cho rằng, năm 2021 là lúc ngành du lịch Hà Nội phải thay đổi tư duy và cách làm. Khó khăn từ đại dịch Covid-19 cũng chính là cơ hội để du lịch Hà Nội tái cơ cấu về môi trường du lịch, sản phẩm du lịch cũng như thay đổi tư duy, nhận thức để phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn, gắn với thực hiện "mục tiêu kép" như chỉ đạo của Chính phủ.

Để thu hút du khách đến Hà Nội, công tác xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn sẽ được quan tâm hàng đầu. Năm 2021, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp cùng các doanh nghiệp và địa phương phát triển nhóm sản phẩm du lịch di sản (làm mới và hoàn thiện sản phẩm tại Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng cổ ở Đường Lâm.); nhóm du lịch văn hóa tâm linh kết hợp trải nghiệm tại chùa Hương, cụm di tích đền Tản Viên Sơn Thánh, K9, Cổ Loa, đền Sóc...

Du lịch Hà Nội: Thay đổi để phục hồi
Các sản phẩm phục vụ du khách về đêm sẽ lấy quận Hoàn Kiếm làm trung tâm.

Các loại hình khác cũng được thúc đẩy là nhóm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái, làng nghề truyền thống (các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Thường Tín, Đan Phượng…); nhóm sản phẩm ẩm thực; sản phẩm dành cho người Hà Nội trải nghiệm dịch vụ khách sạn, vui chơi giải trí cao cấp với giá hấp dẫn; sản phẩm du lịch, dịch vụ gắn với phát triển kinh tế đêm; nhóm sản phẩm du lịch thể thao...

Ngoài việc tạo ra các sản phẩm kích cầu du lịch nội địa, ông Phùng Quang Thắng - Giám đốc công ty Hanoitourist đề xuất, việc kích cầu không đơn thuần là giảm giá mà doanh nghiệp phải cam kết tăng chất lượng dịch vụ, làm mới chính những sản phẩm đang có và bảo đảm tiêu chí an toàn sức khỏe.

Bên cạnh việc vận hành, cập nhật đầy đủ thông tin, dữ liệu về du lịch, mỗi địa phương cần tiếp tục phát triển hạ tầng phục vụ cho du lịch như hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, mạng wifi miễn phí, thông tin hướng dẫn du khách, bổ sung dịch vụ tại các khu, điểm du lịch.

Nguồn: VOV
vov.vn
Phiên bản di động