Đột phá tư duy đưa Việt Nam thành cường quốc du lịch

“Cần sớm có chiến lược phát triển tham vọng hơn với những tư duy đột phá để đưa du lịch trở thành động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế”.
Du khách "thờ ơ" với virus corona khi du lịch đầu xuân [Chùm ảnh]: Khám phá vẻ đẹp Tây Yên Tử Phát huy tối đa giá trị điểm du lịch chùa Bổ Đà

Du lịch Việt Nam đang có bước tiến thần kỳ và có khả năng đạt kỷ lục 18 triệu lượt khách quốc tế thu hút được trong năm nay, vượt xa con số 10 triệu lượt cho năm 2020 như được dự báo trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia theo Quyết định 2473/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/12/2011.

Cùng với lượng du khách nội địa cũng có khả năng đạt 85 triệu lượt, tổng doanh thu từ du lịch có thể lên tới 30,5 tỷ USD. Với tỷ lệ tương đương khoảng 10% GDP, du lịch thực sự là cỗ máy kiếm tiền và là một trong những động lực quan trọng góp phần đưa kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức cao.

dot pha tu duy dua viet nam thanh cuong quoc du lich

Hơn cả một cỗ máy kiếm tiền

Thực tế, du lịch trở thành ngành xuất khẩu tại chỗ mang lại nguồn thu ngoại tệ ròng lớn hơn cả dòng kiều hối hay giải ngân nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, chi tiêu rò rỉ của du lịch Việt Nam chỉ khoảng 0,27 USD, nghĩa là cứ mỗi USD kiếm được thì có 0,73USD được giữ lại. Xét trên tổng doanh thu ước tính cho năm 2019, du lịch sẽ mang lại thu nhập ròng trên 20 tỷ USD, vượt xa con số 17 tỷ USD kiều hối hay 17,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài thực giải ngân trong 11 tháng đầu năm. Du lịch còn mang lại thu nhập ngoại tệ ròng lớn hơn so với thặng dư xuất khẩu bởi mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 500 tỷ USD, gấp đôi GDP nhưng xuất siêu cả năm cũng chỉ vài tỷ USD.

Những con số này một lần nữa khẳng định du lịch cùng với nông nghiệp và công nghệ thông tin là một trong ba mũi nhọn của nền kinh tế như Chính phủ đã nhiều lần khẳng định.

Nhưng có thể nhận thấy, nông nghiệp trong những năm tới sẽ đối diện với những thách thức như chiến tranh thương mại giữa các cường quốc, các nước nâng rào cản kỹ thuật để bảo hộ trong nước, bệnh dịch lợn châu Phi, quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ sau thu hoạch lạc hậu cũng như khả năng cạnh tranh nhiều thách thức. Công nghệ thông tin phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hàn Quốc, Nhật Bản và xét về cán cân thương mại có thể thấy càng xuất khẩu nhiều thì càng nhập nhiều và giá trị thặng dư của ngành này chỉ còn vài tỷ USD.

Không chỉ là động lực cho tăng trưởng kinh tế, du lịch còn tạo việc làm và thịnh vượng chung. Nếu như nông nghiệp cơ bản chỉ phát triển ở nông thôn, công nghiệp ở những nơi có hạ tầng kỹ thuật tốt và dân số đông, thì du lịch có thể phát triển ở mọi vùng miền, dùng nhiều lao động trẻ và tay nghề không cao. Đặc biệt, du lịch có thể phát triển ở những vùng sâu vùng xa, những vùng miền bị tụt hậu, từ đó trở thành công cụ phân bổ thu nhập từ nơi giàu đến nơi nghèo, qua đó góp phần phát triển một ngành kinh tế bao trùm để không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tổ chức Du lịch thế giới dự báo ngành du lịch toàn cầu sẽ tăng trưởng bình quân 4% trong 10 năm tới, trong đó khu vực Đông Nam Á sẽ hưởng lợi lớn, với số lượng khách du lịch đến khu vực có thể tăng từ 137 triệu lượt vào năm ngoái lên 187 triệu lượt vào năm 2030. Với vị trí vàng trong khu vực và châu Á; nền chính trị ổn định, an toàn; dân số gần 100 triệu người với 36 triệu hộ gia đình và 30 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu; di sản văn hoá đa dạng và cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, đặc biệt có tới tám di sản thế giới được UNESCO công nhận, Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế chiến lược và là động lực phát triển kinh tế xã hội.

Mặc dù đã phát triển đột phá nhưng du lịch Việt Nam vẫn bị những “ông kẹ” trong khu vực Đông Nam Á bỏ lại rất xa. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam mới chỉ tương đương với Indonesia và Singapore, còn kém xa so với con số 26 triệu lượt của Malaysia và thậm chí, mới chỉ bằng một nửa so với Thái Lan trong khi dân số gấp đôi. Trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực đều ưu tiên phát triển du lịch, Việt Nam sẽ vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ và nếu không có chiến lược mang tính đột phá, ngành du lịch Việt Nam có thể sớm đạt tới điểm tới hạn

Đột phá về chính sách

Sự bứt phá mạnh mẽ của ngành du lịch trong những năm gần đây khiến cho những mục tiêu đặt ra trong thập kỷ 2010 – 2020 đã trở nên lạc hậu. Dựa trên những thế mạnh vốn có, chúng ta có thể xây dựng một chiến lược phát triển du lịch cho thập kỷ tới với những mục tiêu mang tính đột phá, đưa Việt Nam trở thành một cường quốc du lịch của thế giới. Đó là khát vọng mà chúng ta hoàn toàn tự tin có thể hiện thực hoá nếu có những chính sách mang tính đột phát hỗ trợ cho du lịch phát triển.

dot pha tu duy dua viet nam thanh cuong quoc du lich
Đảo Phú Quốc là nơi duy nhất ở Việt Nam miễn thị thực cho khách du lịch quốc tế 30 ngày

Để lọt vào nhóm các cường quốc du lịch của thế giới, trình độ phát triển của du lịch Việt Nam phải tương đương Thái Lan. Khoảng cách giữa hai nước hiện nay còn rất xa, nhưng du lịch là ngành kinh tế mà doanh nghiệp và người dân Việt Nam hoàn toàn đủ sức phát triển với sức cạnh tranh toàn cầu.

Trong bóng đá, trước đây Việt Nam luôn bị Thái Lan bỏ lại phía sau rất xa, nhưng với chức vô địch AFF 2018 và huy chương vàng SEA Games 30, Việt Nam đã chứng tỏ có thể vươn lên ngôi vương ở Đông Nam Á nhờ chính sách đào tạo cầu thủ trẻ cũng như có một huấn luyện viên giỏi. Du lịch cũng vậy. Nếu được dẫn dắt bằng chính sách và tư duy đột phá thì du lịch có thể bứt tốc mạnh mẽ.

Mũi đột phá khẩu đầu tiên trong tư duy làm du lịch là cần phải mở toang cánh cửa để chào đón khách du lịch quốc tế bằng cách mở rộng diện miễn thị thực đơn phương. Đã có nhiều phân tích về lợi ích về kinh tế của việc miễn thị thực so với phí thị thực thu được nhưng cho đến nay, Việt Nam mới miễn thị thực cho 26 quốc gia, một con số khiêm tốn so với miễn thị thực cho 57 quốc tịch vào Thái Lan, 168 quốc tịch vào Indonesia, 162 quốc tịch vào Malaysia và 132 vào Phillipines.

Trong khi du khách vào các nước ASEAN khác được miễn thị thực thì phải xin thị thực vào Việt Nam và đây chính là yếu tố cản trở khiến cho du khách vào nội khối ASEAN không muốn tiếp nối hành trình sang Việt Nam. Khi có cơ chế thị thực thông thoáng có thể phối hợp nội khối trong khuôn khổ trụ cột kinh tế ASEAN tạo ra một tour nhiều điểm đến trong nội khối, theo đó, khách quốc tế có thể tham gia tour 1-4 tuần đến tất cả các nước ASEAN mà không cần thị thực.

Vì thế, chúng ta cần tiếp tục mở rộng đối tượng miễn thị thực đơn phương cho hầu hết những thị trường du lịch lớn và tiềm năng như Phú Quốc đang làm. Hiện nay, Phú Quốc là địa phương duy nhất ở Việt Nam thí điểm miễn thị thực cho tất cả các nước trong thời hạn 30 ngày và cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển mạnh, số lượng khách quốc tế đến Phú Quốc đã tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây.

Du lịch không thể phát triển đột phá nếu hệ thống cơ sở hạ tầng không được cải thiện. Việt Nam hiện có 22 sân bay nhưng tổng công suất của tất cả các sân bay này mới bằng sân bay Changi của Singapore hay Sunarvabhumi của Thái Lan, trong khi nước bạn có 38 sân bay. Các cửa ngõ chính là sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài cũng đang có dấu hiệu quá tải trong khi nhiều sân bay địa phương khách vẫn lạc hậu.

Nhưng không thể dựa mãi vào vốn ngân sách nhà nước mà cần có chính sách để khuyến khích và thu hút nguồn vốn tư nhân vào phát triển hạ tầng giao thông.

Thực tế cho thấy, khi có tư nhân tham gia xây dựng nhà ga hành khách Đà Nẵng và Cam Ranh hay xây mới sân bay Vân Đồn, du lịch ở những địa phương này đã tăng trưởng đột phá. Sự tham gia của các hãng hàng không tư nhân cũng đang trở thành động lực cho du lịch tăng trưởng. Tuy nhiên, cần có những chính sách xã hội hoá và hành động thực tế để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư nhiều hơn nhằm cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.

Mặc dù hệ thống cơ sở lưu trú ở Việt Nam đã phát triển mạnh, từ 256 nghìn buồng vào năm 2011 lên 550 nghìn buồng vào năm 2018, nhưng có trên 2/3 buồng phòng tiêu chuẩn thấp dưới 3 sao. Hầu hết các khách sạn ở Việt Nam quy mô nhỏ, số lượng khách sạn mang thương hiệu quốc tế thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Singapore hay Malaysia. Muốn phát triển du lịch cần gia tăng quy mô hệ thống cơ sở lưu trú, đồng thời đa dạng hoá loại hình và nâng cao chất lượng.

Trong đó, sự phát triển của loại hình condotel và biệt thự nghỉ dưỡng đã góp phần thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư để bổ sung nguồn cung lưu trú mới chất lượng cao. Tuy nhiên, cần gấp rút xây dựng khung pháp lý liên quan đến đất đai, quyền sở hữu, quyền sử dụng, tiêu chuẩn xây dựng cũng như quy chế vận hành của những mô hình lưu trú mới này để các nhà đầu tư yên tâm rót vốn.

Du lịch muốn cạnh tranh được cũng cần đa dạng hoá sản phẩm và tăng sức hấp dẫn trên thị trường du lịch quốc tế. Cho đến nay, du lịch Việt Nam vẫn phát triển phần lớn dựa trên việc khai thác tài nguyên thiên nhiên mà chưa tạo ra nhiều sản phẩm du lịch có sức hút lớn.

Trong khi đó, các nước luôn làm mới mình để thu hút khách đến và có điểm tựa để quảng bá tiếp thị du lịch. Singapore đã rất thành công trong việc tổ chức sự kiện lớn cũng như xây dựng các công trình điểm nhấn như toà nhà Marina Bay Sands, Botanic Garden và nhà ga sân bay mới để tăng sức hấp dẫn và đa dạng hoá trải nghiệm cho du khách. Dubai cũng liên tục tạo ra các công trình nhất thế giới để thu hút du khách như toà nhà cao nhất thế giới Khalifa, đảo cây cọ, đảo hình thế giới.

Vì thế, chúng ta cần xây dựng nhiều công trình lớn tạo điểm nhấn như casino, cáp treo, những khu vui chơi giải trí thương hiệu thế giới như Disneyland và Universal, các tổ hợp du lịch đa trải nghiệm. Những sự kiện lớn như giải đua xe Công thức 1 tổ chức tại Hà Nội từ đầu năm tới sẽ có tác động tích cực đến du lịch Việt Nam.

Lợi thế về cảnh quan, ẩm thực, con người đã tạo nên sức hút cho du lịch Việt Nam nhưng du lịch không thể tăng tốc nếu phát triển theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”. Cần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới để du khách biết nhiều hơn. Các nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia chi hàng trăm triệu đô la mỗi năm để quảng bá du lịch trong khi Việt Nam mới chi khoảng 2 triệu USD. Cần sớm kích hoạt Quỹ phát triển du lịch theo hướng nhà nước và doanh nghiệp cùng đồng hành.

Đặc biệt, muốn phát triển du lịch phải có nguồn nhân lực tốt, nhất là cần có các khách sạn và khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế, có đội ngũ nhân viên lành nghề và có thể nói được nhiều ngoại ngữ. Du lịch là ngành dịch vụ. Việc xếp hạng sao các khách sạn phụ thuộc vào cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn toà nhà và tiện ích nhưng quan trọng nhất vẫn là dịch vụ.

Việc xây dựng cơ sở vật chất hiện nay đã dễ dàng rất nhiều, doanh nghiệp trong nước có thể xây dựng những công trình lưu trú lớn và chất lượng cao, nhưng để có dịch vụ tốt, gây ấn tượng với du khách thì khó hơn nhiều. Vì thế, cần nâng cao nhận thức của người dân, hệ thống chính quyền các cấp cũng như thiết lập hệ thống đào tạo gắn liền với thực hành để mọi người đều có thể làm du lịch và tay nghề của đội ngũ nhân viên được nâng cao.

Còn rất nhiều việc phải làm để đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và xa hơn là hướng đến mục tiêu Việt Nam trở thành cường quốc du lịch của thế giới. Nhưng trước mắt, quan trọng nhất vẫn cần sớm xây dựng chiến lược phát triển du lịch quốc gia cho thời gian tới với tầm nhìn xa hơn, những mục tiêu tham vọng hơn, những quyết sách đột phá hơn và chơi theo cách chơi chung của thế giới. Tầm nhìn nào thì chiến lược đó. Cần sớm có chiến lược mới với đích đến mới xứng tầm khát vọng vì Việt Nam hùng cường.

“Du lịch trở thành ngành xuất khẩu tại chỗ mang lại nguồn thu ngoại tệ ròng lớn hơn cả dòng kiều hối hay giải ngân nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài”. – Ông Đoàn Văn Bình – Chủ tịch CEO Group
“Cần sớm xây dựng chiến lược phát triển du lịch quốc gia cho thời gian tới với tầm nhìn xa hơn, những mục tiêu tham vọng hơn, những quyết sách đột phá hơn và chơi theo cách chơi chung của thế giới”.
Phạm Mạnh
Phiên bản di động