Đổi mới tư duy sản xuất, tạo nền tảng cho nông nghiệp hiện đại

Những năm vừa qua, Nông nghiệp Việt Nam đã có bước tăng trưởng đáng ghi nhận trong vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế. Theo Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt, Nông nghiệp Việt Nam sẽ cơ cấu lại theo 3 trục sản phẩm: Quốc gia, cấp tỉnh và địa phương với từng lĩnh vực.
Khát vọng phát triển nông nghiệp quê hương Bất chấp khó khăn, ngành nông nghiệp vẫn xuất siêu 6,3 tỷ USD Huyện Mê Linh: Đối thoại về “Phát triển các mô hình nông nghiệp chất lượng cao”

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm

Những năm vừa qua, Nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế, nâng cao đời sống của người dân ở khu vực nông thôn. Đồng thời, hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn tạo nền tảng cho một nền nông nghiệp hiện đại.

Tuy nhiên, Nông nghiệp Việt Nam vẫn tồn tại hai điểm nghẽn lớn là chi phí sản xuất cao, chất lượng nông sản thấp. Mặt khác, việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng chưa đồng đều và các hình thức tổ chức sản xuất vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã chưa phổ biến và tỷ lệ giá trị liên kết còn thấp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chỉ rõ, ngành Nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Đổi mới tư duy sản xuất, tạo nền tảng cho nông nghiệp hiện đại
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thăm mô hình trồng trồng vải

Để thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành Nông nghiệp sẽ cơ cấu lại theo 3 trục sản phẩm: Quốc gia, cấp tỉnh và địa phương, theo lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Cùng với đó là tăng cường chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới tổ chức thể chế của hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, ngành hàng...

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Chữ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín, Hà Nội) cho rằng: Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nền tảng hướng tới một nền nông nghiệp bền vững và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất sạch, an toàn chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế.

“Hoàn thành các mục tiêu, đề ra, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường”, ông Nguyễn Văn Chữ nhấn mạnh.

Chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng

Để hiện thực hóa Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, trước hết phải có sự thống nhất từ nhận thức đến hành động cũng như sự vào cuộc chủ động, tích cực, quyết liệt từ Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân. Đặc biệt là chính quyền địa phương các cấp. Cùng với đó là xây dựng hệ thống cơ chế chính sách phù hợp mang tính đột phá.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, các chính sách về sử dụng đất đai cần được sửa đổi linh hoạt theo hướng phát triển thị trường giao dịch, thúc đẩy tập trung đất đai. Mặt khác là phát triển tín dụng chính thức cho hộ doanh nghiệp, hợp tác xã; Tín dụng theo chuỗi.

Đổi mới tư duy sản xuất, tạo nền tảng cho nông nghiệp hiện đại

Ngành Nông nghiệp cần phải đổi mới từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

“Nông nghiệp Việt Nam sẽ hình thành hệ thống các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành hàng chiến lược, liên kết với nông dân thông qua kinh tế hợp tác. Phát triển hệ sinh thái ngành hàng. Trong đó, doanh nghiệp đầu tàu đảm trách vai trò hạt nhân; Phát triển hợp tác xã với chuỗi giá trị; Đồng thời đổi mới, nâng cao vai trò của hội, hiệp hội ngành hàng… Cùng với đó là phát triển theo chuỗi liên kết không chỉ với ngành hàng chủ lực mà cả các ngành hàng có lợi thế của địa phương để chuyển từ sản lượng sang chất lượng, mang lại hiệu quả cao hơn”, ông Trần Công Thắng cho biết thêm.

Ở góc độ địa phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Hà Nội sẽ xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu cho thành phố có chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nông nghiệp tập trung quy mô lớn, qua đó thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp đặt ra yêu cầu nhất định về khả năng tiếp cận, trình độ ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tận dụng tối đa nguồn lực hiện hữu để từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và có sức cạnh tranh cao… Đồng thời, phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; Xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp.

THANH HOÀI
Phiên bản di động