Doanh nghiệp Nhật Bản nêu những bất cập khi đầu tư tại Việt Nam

Doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng Việt Nam còn nhiều hạn chế liên quan đến công khai thông tin của doanh nghiệp Nhà nước, quy trình thủ tục cấp phép đầu tư còn rườm rà, mất nhiều thời gian nên cần cải thiện...
Thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Nhật Bản

Tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản ngày 21/12, các doanh nghiệp Nhật Bản đã thẳng thắn nêu ra với Chính phủ về hàng loạt bất cập, trong đó đặc biệt liên quan thủ tục hành chính làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam.

Theo đó, ông Sudo Kazunori - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản dù đánh Việt Nam đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, song còn tồn tại về một số vấn đề liên quan đến công khai thông tin của doanh nghiệp Nhà nước, đẩy nhanh thời gian triển khai và đơn giản hóa quy trình thủ tục cấp phép đầu tư, áp dụng ưu đãi đầu tư, hoàn thiện hạ tầng, vấn đề nhập cảnh...

Đặc biệt, ông Sudo Kazunori nhấn mạnh những cam kết cần được thể chế hóa thành chính sách, điều này rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam.

Doanh nghiệp Nhật Bản nêu những bất cập khi đầu tư tại Việt Nam
Các đại biểu dự Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản ngày 21/12. Ảnh: VGP

Tương tự, ông Hatakiyama Yuki - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nipro Vietnam (công ty sản xuất thiết bị y tế) cũng cho biết, doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam mất nhiều thời gian làm thủ tục hoạt động kinh doanh.

Nêu dẫn chứng, ông Hatakiyama Yuki cho biết, trong các dự án phát triển, có dự án phải mất hơn 1 năm làm thủ tục từ khi nộp hồ sơ đến khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyền sử dụng đất. Đặc biệt, đối với dự án do Thủ tướng phê duyệt thì khi điều chỉnh quy hoạch tổng thể cũng sẽ mất nhiều thời gian hơn so với dự án do thành phố hay tỉnh phê duyệt.

Vì vậy, ông Hatakiyama Yuki đề nghị đẩy nhanh quy trình cấp phép đầu tư, các cơ quan hữu quan ở Trung ương và địa phương rút ngắn thời gian thực hiện trong các khâu thủ tục hành chính từ khi nộp hồ sơ đến khi được cấp phép.

''Điều này sẽ thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản, thu hẹp tổn thất lợi nhuận nhờ rút ngắn thời gian làm thủ tục và hiệu quả kinh tế nhờ sớm triển khai dự án'', Hatakiyama Yuki đánh giá.

Một vấn đề khác cũng được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đề cập đến là thuế. Ông Marukawa Yoichi - Tổng giám đốc Công ty TNHH Panasonic Việt Nam cho biết, hiện nay thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng do doanh nghiệp chế tạo đang đầu tư tại Việt Nam thực hiện để tăng cường xuất khẩu rất phức tạp, không được hoàn thuế nhanh chóng, có trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu nhưng không làm thủ tục hoàn thuế.

Chính vì vậy, đại diện Công ty TNHH Panasonic Việt Nam đề nghị đẩy nhanh và đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu.

Ngoài ra, vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp cũng được các doanh nghiệp Nhật Bản lưu tâm. Ông Matsunami Keita - Tổng giám đốc Ngân hàng Mizuho chi nhánh Hà Nội cho rằng, hoạt động cổ phần hoá doanh nghiệp đang chững lại kể từ năm 2018.

Theo vị này, một trong những nguyên nhân là do quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp đang không đảm bảo được tính minh bạch. Trong khi đó, các nhà đầu tư cũng chưa đủ thời gian, có đủ tài liệu, thông tin tài chính... để thẩm tra kỹ lưỡng về doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, ông Keita đề xuất Việt Nam nên xây dựng các quy chế, quy trình mua bán sáp nhập phù hợp với chuẩn mực quốc tế, nâng cao sức hấp dẫn với các nhà đầu tư Nhật Bản.

Hậu Lộc
Phiên bản di động