Doanh nghiệp bia Việt vấp phải cạnh tranh thiếu lành mạnh

Việc cạnh tranh thiếu lành mạnh cùng tác động từ đại dịch Covid-19 đã khiến cho một số doanh nghiệp Bia, Rượu, Nước giải khát gặp nhiều lao đao.
Sabeco cũng muốn làm rõ sự thật vụ khách hàng kiện đòi bồi thường 1 triệu USD

Doanh thu không đạt kỳ vọng

Việt Nam là 1 trong 10 thị trường bia lớn nhất thế giới khi tính đến sản lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, khi Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực vào đầu năm 2020, thì mức tiêu thụ bia của các hãng giảm ít nhất là 25%, trong đó, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam (Heineken Việt Nam) giảm 4% doanh số bia bán ra.

Nặng nề hơn, ngay sau đó, dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, buộc các nhà hàng, quán bia phải đóng cửa để tuân thủ giãn cách xã hội.

Bia, từ một trong những sản phẩm có mức tăng trưởng nóng nhất trong toàn ngành Bia, Rượu, Nước giải khát, nay trở thành lĩnh vực sụt giảm nặng nề nhất. Điều này đẩy kết quả kinh doanh trong năm qua của nhiều doanh nghiệp tụt dốc.

Kết quả là, năm 2020, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) công bố doanh thu thuần giảm 26% so với năm 2019, còn 27.961 tỉ đồng. Cùng chung cảnh ngộ, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đạt doanh thu 7.464 tỉ đồng, giảm 20% so với năm 2019.

Hiện 90% thị phần ngành bia tại Việt Nam đang thuộc về 4 ông lớn gồm: Sabeco, Heineken, Habeco và Carlsberg.

Trong đó, Sabeco đang là doanh nghiệp dẫn đầu với thị phần áp đảo 43%. Đứng thứ hai là Heineken với 25% thị phần trong tay.

Hiện tại, hai cổ đông lớn đang sở hữu Sabeco là ThaiBev với tỉ lệ sở hữu 53,59%, tiếp sau là Bộ Công Thương với 36% cổ phần.

Do đó, bước vào năm 2021, lãnh đạo Habeco đánh giá dịch Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường trong nước, làm giảm nhu cầu tiêu thụ bia và tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh của công ty. Do đó, Habeco chỉ đặt kế hoạch tiêu thụ 278,2 triệu lít bia, giảm 29,6 triệu lít so với năm 2020 và lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm sâu 60% về mức thấp 255 tỉ đồng.

Mạo hiểm hơn, Sabeco vẫn dự kiến doanh thu tăng 20%, đạt 33.491 tỉ đồng. Tuy nhiên, do dự tính chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, một số chi phí của năm ngoái chuyển sang năm nay, nên mục tiêu lợi nhuận chỉ tăng 7%, đạt 5.289 tỉ đồng. Đại diện Sabeco thừa nhận những mục tiêu này được xác lập dựa trên dự báo tích cực trong cuối năm 2020 về triển vọng phục hồi của nền kinh tế năm 2021. Song, thực tế lại diễn ra không như kỳ vọng khi đại dịch Covid-19 bùng phát trầm trọng hơn.

Bia Saigon Chill - sản phẩm mới của Sabeco nhưng đã gặp phải cạnh tranh không lành mạnh từ đối thủ
Doanh nghiệp bia Việt vấp phải cạnh tranh thiếu lành mạnh

Sử dụng "chiêu trò" giành giật thị phần

Đối mặt với mức doanh thu giảm, càng đẩy cuộc chiến giành giật thị phần của các doanh nghiệp trở nên gay gắt hơn, thậm chí lợi dụng các "chiêu trò".

Trước tình hình kinh doanh khó khăn năm 2020, Heineken Việt Nam vẫn cho ra mắt Bia Việt. Hai tháng sau, Sabeco tung sản phẩm Bia Lạc Việt cùng phân khúc.

Lần lượt sau đó, các dòng sản phẩm bia dành cho giới trẻ của Heineken và Saigon Chill của Sabeco cùng xuất hiện trên thị trường. Nhãn hàng Carlsberg cũng tìm cách mở rộng hệ thống phân phối các sản phẩm bia Huda tại miền Bắc…

Theo đó, những tin đồn làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của nhiều nhãn hàng liên tiếp được tung ra. Cụ thể, đối với Sabeco, bắt đầu từ cuối năm 2019 xuất hiện tin đồn nhà đầu tư Trung Quốc mua cổ phần Sabeco hay tin đồn ThaiBev muốn rút vốn khỏi Sabeco, làm người tiêu dùng hoang mang, cao trào hơn là "cự tuyệt" sản phẩm của nhà sản xuất này.

Mặc dù được Bộ Công Thương và doanh nghiệp bác bỏ, song những lời đồn thất thiệt này đã lấy đi không ít thị phần của Sabeco tại nhiều địa bàn.

Chưa hết, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh còn trực diện đến mức: Một số đại lý phản ánh tình trạng bị nhân viên bán hàng của Heineken Việt Nam “dọa” cắt tài trợ nếu bán hoặc trưng bày bia của Sabeco.

Qua tìm hiểu cho thấy, phía Heineken Việt Nam có thể đã đưa chính sách hạn chế các đại lý bán hoặc trưng bày các sản phẩm bia của Sabeco, đặc biệt là bia Saigon Chill. Điều đó có nghĩa là nếu đại lý đã đồng ý bán bia cho Heineken, thì chỉ được bán bia của hãng này, mà không được bán bia của hãng khác.

Trước sự việc trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã tiến hành làm việc với các bên liên quan để xác minh thông tin và đưa ra kết luận: Có hiện tượng nhân viên bán hàng của Heineken Việt Nam yêu cầu đại lý hạn chế bán hoặc trưng bày các sản phẩm bia của Sabeco.

Lúc này, phía Heineken Việt Nam vẫn khẳng định công ty không có chính sách này hay chỉ đạo nhân viên thực hiện như vậy. Tuy nhiên, theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, qua làm việc, một số đại lý xác nhận trên thực tế có hiện tượng nhân viên bán hàng của Heineken Việt Nam yêu cầu đại lý thực hiện việc hạn chế này nhưng không có văn bản thông báo chính thức.

Do đó, theo yêu cầu của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Heineken Việt Nam đã ban hành thông báo chính thức và công khai yêu cầu nhân viên bán hàng của công ty trên phạm vi toàn quốc tuân thủ nghiêm chỉnh quy định về pháp luật cạnh tranh và các quy tắc ứng xử nội bộ trong tất cả các hoạt động kinh doanh.

"Việc doanh nghiệp áp dụng chính sách yêu cầu các nhà phân phối, bán lẻ hạn chế phân phối sản phẩm của doanh nghiệp khác sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của các nhà phân phối và hạn chế quyền lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng", thông báo nêu rõ.

Như vậy, trên thị trường bia, ngoài những khó khăn đến từ đại dịch, vẫn còn đó sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Ở một tình cảnh nào đó, các nhà sản xuất cần nhìn nhận lại chiến lược kinh doanh của mình, "kẻo" vướng vòng lao lý.

Hải Anh
Phiên bản di động