Điện thoại “cục gạch” đang cạnh tranh quyết liệt với smartphone

Thiết kế nhỏ gọn, bền, pin trâu, đầy đủ tính năng nghe gọi là những lý do khiến những chiếc điện thoại “cục gạch” đang chiếm đến 35% thị phần điện thoại tại Việt Nam.    
Tín đồ “táo khuyết” đau đầu vì được khuyến mãi “đống” lỗi mới khi nâng cấp lên iOS 13.2 Hacker bẻ khóa smartphone bằng vân tay trên ly nước Doanh số "khủng" của Galaxy Note 10 không cứu được Samsung

Từng có nhiều dự đoán cho rằng với việc những dòng smartphone giá rẻ đang ngày càng có nhiều tính năng hơn thì những chiếc điện thoại phổ thông (feature phone) sẽ sớm bị lãng quên.

Tuy nhiên, theo số liệu của tổ chức nghiên cứu thị trường (GFK) vừa công bố, những chiếc điện thoại phổ phông (thường hay được gọi là điện thoại “cục gạch”) vẫn đang có một chỗ đứng vững chắc tại thị trường Việt Nam.

Cụ thể, trong tháng 9/2019, đã có khoảng 1,7 triệu máy điện thoại được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Trong đó, có đến hơn 600 nghìn máy là điện thoại phổ thông - chiếm hơn 35% thị phần.

dien thoai cuc gach dang canh tranh quyet liet voi smartphone
Những chiếc điện thoại phổ thông vẫn đang đạt doanh số khá ấn tượng tại Việt Nam.

Nếu xét về sự tăng trưởng, dòng điện thoại này đang có sự tăng trưởng tốt trong năm nay, từ mức 34% (tháng 7/2019) lên 36% (tháng 8/2019) với lượng bán luôn duy trì ở khoảng 500 - 600 nghìn máy trong các tháng cuối năm 2019.

Theo số liệu từ GFK, hơn 80% điện thoại phổ thông được bán ra có giá dưới 500 nghìn đồng. Dòng sản phẩm điện thoại "cục gạch" có giá trên 1 triệu đồng chỉ chiếm thị phần không đáng kể.

Nokia là đơn vị dẫn đầu trong mảng kinh doanh điện thoại "cục gạch" ở Việt Nam với thị phần dao động trong khoảng 55-57% trong thời gian gần đây. Xếp thứ hai là Masstel, có thị phần trung bình khoảng 14-15%.

Ngoài ra, thị trường điện thoại phổ thông còn có sự tham gia của một vài thương hiệu khác, như Itel, Mobell, Fmobile, Coolpad, Mobiilstar… nhưng chỉ chiếm thị phần dưới 10%.

dien thoai cuc gach dang canh tranh quyet liet voi smartphone
Thiết kế nhỏ gọn, bền, pin trâu, đầy đủ tính năng nghe gọi là ưu thế của những chiếc điện thoại như thế này.

Đại diện một cửa hàng kinh doanh điện thoại ở Hà Nội cho biết, bên cạnh yếu tố giá rẻ, thì những chiếc điện thoại vẫn hay được gọi là “cục gạch” này còn sở hữu nhiều tính năng hấp dẫn người dùng, đặc biệt là về thời lượng pin.

Đơn cử, chỉ cần bỏ ra 350.000 đồng, khách hàng có thể sở hữu chiếc Nokia 105 phiên bản 2019, sở hữu dung lượng pin với thời gian chờ tới 25,8 ngày và đàm thoại liên tục tới gần 15 giờ.

Còn với chiếc Mobell Rock sở hữu thời lượng pin lên tới 4.800 mAh có giá 590.000 đồng, người dùng có thể dùng máy liên tục tất cả các tính năng trong vòng nửa tháng. Chiếc điện thoại này còn hoạt động như 1 chiếc pin sạc dự phòng thông qua dây cáp sạc chuyên dụng.

Tháng 10/2019, Bộ Thông tin - Truyền thông đã thông báo sẽ tắt sóng 2G vào năm 2022 để tiết kiệm tài nguyên quốc gia và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

Khi đó, những chiếc điện thoại 'cục gạch' chỉ hỗ trợ sóng 2G (loại đang chiếm đa số trên thị trường) sẽ đánh mất những ưu thế vốn có hiện nay. Có nhiều dự đoán cho rằng, năm 2022 sẽ là “ngày tàn” của điện thoại 'cục gạch' tại Việt Nam.

Tuy nhiên, sẽ không bất ngờ nếu các hãng sản xuất điện thoại có thể sẽ cho ra mắt những sản phẩm điện thoại có hỗ trợ cả 3G hay thậm chí là 4G để tiếp tục duy trì chỗ đứng cho dòng điện thoại này tại thị trường Việt Nam.

Thanh Thắng
Phiên bản di động