Diễn biến sức khoẻ của người đem cả con rắn hổ mang cắn mình đến bệnh viện

Người đàn ông đem cả con rắn hổ mang cắn mình đến bệnh viện đã được chuyển viện từ Tây Ninh lên Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM điều trị. Hiện người này đã tỉnh táo, cử động được tay chân nhưng vẫn còn thở máy.
Liên tiếp bệnh nhân nhập viện do bị rắn độc cắn “Thầy lang” dành hàng chục năm để chữa miễn phí cho người bị rắn cắn

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang - khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM) thông tin, đơn vị vừa tiếp nhận và cấp cứu một trường hợp bị rắn hổ mang chúa cắn vào đầu giờ chiều ngày 19.8.

Theo lời kể người nhà bệnh nhân, khoảng 7h30 ngày 19.8, khi đang làm thuê trong vườn na ở xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh), khu vực giáp ranh núi Bà Đen, bất ngờ anh P.V.T (38 tuổi, ngụ huyện Tân Châu) phát hiện và cố đuổi bắt sống một con rắn hổ mang chúa màu đen.

Bất ngờ, anh T bị con rắn quay lại cắn vào đùi phải. Lúc này, anh T chạy nhanh ra đường kêu người đến cứu giúp. Cả người và rắn ngay lập tức được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh. Tại đây, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sụp mi, khó thở.

Nhận thấy tình trạng nguy cấp, các bác sĩ tại đây Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh đã rửa sạch, dùng nẹp cố định chi bị cắn để hạn chế tối đa nọc độc rắn khuếch tán và chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang, bệnh nhân được đặt nội khí quản, bóp bóng và được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 12h45 ngày 19/8.

Tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ đã hội chẩn nhanh và nhận định đây là một trường hợp bị rắn hổ mang chúa cắn, biến chứng nhiễm độc thần kinh.

Lúc này, khoa Cấp Cứu của bệnh viện liên hội chẩn với đơn vị chống độc khoa Bệnh nhiệt đới, chuẩn bị máy thở và các phương tiện cấp cứu để hỗ trợ bệnh nhân.

Tại khoa Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân liệt hoàn toàn tứ chi, đồng tử giãn to, mất phản xạ ánh sáng. Do đó, các bác sĩ cho bệnh nhân dùng máy thở hỗ trợ hô hấp, thuốc an thần, đồng thời sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu.

Sau khi sử dụng 10 lọ thuốc huyết thanh và đánh giá lại, bệnh nhân có phản xạ đầu tiên là cử động được tay chân, mở mắt.

“Đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh và cử động được tay chân theo y lệnh. Tuy nhiên, người này vẫn còn phải thở máy. Nọc độc của rắn hổ chúa ngoài việc làm tổn thương các thần kinh cơ, liệt cơ thì còn gây ra biến chứng tổn thương cơ tim” - bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang cho biết.

Nguồn: Lao động
laodong.vn
Phiên bản di động