Dịch tả lợn châu Phi: Sự vô cảm sẽ giết chết niềm tin

Hơn 1,5 triệu con lợn đã chết vì dịch tả lợn châu Phi. Các vùng dịch quét qua, dân khóc. Họ khóc nhìn tài sản của mình theo xác những con lợn chết lềnh bềnh trôi trên các dòng sông. Khóc vì bất lực và nhiều khi cảm thấy đơn độc, có kêu cũng chẳng thấu vì “chính quyền ở xa dân quá”.
Bắc Giang: Hệ lụy khi khai tử chức danh cán bộ khuyến nông, thú y cấp cơ sở Dịch tả heo châu Phi bùng phát: Lỗi tại ai? Thịt lợn không dấu kiểm dịch vẫn “tung hoành” trên vỉa hè quận Hà Đông

Mới đây nhất, ngày 19/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp thị sát tình hình tại trại lợn tại Đông Anh (Hà Nội) để nắm bắt tình hình và kiểm tra công tác chống dịch tả lợn châu Phi tại đây. Đông Anh là điểm nóng về dịch tả lợn châu Phi của Hà Nội với mức thiệt hại tổng đàn đã lên đến 20%.

Tại đây, Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương: “Phòng chống dịch như chống giặc, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống dịch tả lợn châu Phi; Cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này”.

Chủ trương này đã được đưa ra trong Hội nghị trực tuyến về dịch tả lợn châu Phi đầu tiên hồi tháng 3/2019 khi Việt Nam mới xuất hiện dịch tả lợn châu Phi ở hơn chục tỉnh và số lượng lợn chết và phải tiêu hủy mới dừng ở con số vài chục ngàn con.

Nhưng liệu người đứng đầu chính quyền các cấp có sâu sát và quyết liệt trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi như Thủ tướng yêu cầu?

dich ta lon chau phi tho o vo cam dan than khoc lon
Xác lợn trôi trên kênh từ Thái Nguyên về Bắc Giang

Tính đến 19/5, dịch tả lợn châu Phi đã quét qua 34 tỉnh thành và khiến 1,5 triệu con lợn (5% tổng đàn) chết. Quy mô dịch càng lớn, tốc độ lây lan của dịch càng nhanh và thiệt hại của ngành chăn nuôi càng nặng. Theo thông tin công bố ngày 13/5, mới chỉ có 29 tỉnh thành có dịch với hơn 1,2 triệu con lợn bị tiêu hủy. Như vậy chỉ trong 6 ngày, Việt Nam đã có thêm 5 tỉnh thành xuất hiện ổ dịch và thiệt hại thêm khoảng 300.000 con lợn.

Từ trước khi dịch tả lợn châu Phi xâm nhập Việt Nam, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đã xây dựng 2 kịch bản phòng chống dịch. Khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Hưng Yên, các địa phương đã được yêu cầu tăng cường tuyên truyền về dịch bệnh, chủ động phòng chống dịch bệnh nguy hiểm bậc nhất bởi hễ mắc là 100% lợn chết này. Nhiều địa phương như Nghệ An còn chống dịch tả lợn châu Phi từ chốt chặn ở cửa khẩu đến "ngoại bất nhập" các chuồng trại.

Thế nhưng thực tế không giống với hô khẩu hiệu trên giấy. Người dân và báo chí phản ánh, có hiện tượng cán bộ “vô tư đánh bài” ở chốt kiểm dịch. Dịch lan nhanh ở miền Bắc, cán bộ trạm kiểm dịch Nghệ An vẫn thờ ơ, lợn bệnh vẫn lén lút tuồn vào TP.HCM… Chỉ một vài sai sót nhỏ trong hệ thống chốt chặn kiểm dịch đầu tiên tại các địa phương đã “thả” con virus vào chuồng trại và công sức phòng chống dịch của hàng trăm người trở thành công cốc.

Khi đại dịch khủng khiếp nhất của ngành chăn nuôi đã tiêu diệt tới 1,5 triệu con lợn, chưa bao giờ, người dân chứng kiến cảnh xác lợn trôi sông nhiều đến thế. Tại Hải Phòng, sông bốc mùi hôi thối vì hàng trăm xác lợn chết, chính quyền bất lực. Dân Bắc Giang thì khốn khổ vì dòng kênh lợn chết đổ về từ Thái Nguyên. Ngay giữa Thủ đô, xác lợn vẫn lềnh bềnh trôi trên sông Đáy.

Ai vứt xác lợn trôi sông? Dân vứt, rõ ràng dân sai mười mươi rồi. Nhưng tại sao họ phải vứt trộm xác lợn ra sông mà không khai báo để thú y địa phương đến kiểm tra, còn được nhà nước hỗ trợ nếu lợn mắc dịch tả châu Phi?

Bởi như ở Bắc Giang, người dân đã phải chụp ảnh lợn chết đầy sân phải viết đơn thư cầu cứu vì “Chủ tịch ơi, lợn của dân chết ngập chuồng rồi” vẫn không có ai đến kiểm tra, hỗ trợ tiêu hủy. Hàng trăm hộ dân đã phải tự cứu lấy mình bằng cách dùng những phương tiện thô sơ vận chuyển lợn chết ra nghĩa địa, chôn cất sơ sài. Hay như ở Nam Định, một anh máy xúc làm thay hết việc hết việc của các ban bộ và chôn lợn nhiễm dịch tả một cách sơ sài trên bãi rác.

Tiêu hủy lợn để dập dịch nhưng cách làm như ở một số địa phương tại Bắc Giang, Nam Định… thì chống dịch không khác gì ‘rắc dịch".

Trong lúc dân khóc trên xác lợn ngập chuồng, cảm thấy bị bỏ rơi giữa bão dịch tả thì chính quyền địa phương đưa ra nhiều lí do biện minh trong sự chậm trễ trong đó có lí do nhân lực và vật lực có hạn.

Nhân lực có hạn, chính Bắc Giang là địa phương khai tử chức danh cán bộ khuyến nông, thú y cấp cơ sở, đưa 451 cán bộ thú y cấp xã vào diện tinh giản biên chế. Ông Lương Đức Kiên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang) phải thừa nhận, vì cán bộ thú y khuyến nông cấp xã được sắp xếp chuyển đổi qua công việc khác nên thông tin nắm bắt từ thôn, xã khi xuất hiện ổ dịch rất bị động dẫn tới việc tiêu hủy, xử lý lợn dịch chưa kịp thời.

Không chỉ bị động trong việc tiêu hủy lợn nhiễm dịch, có địa phương như Đồng Nai còn tự mâu thuẫn về mặt thông tin khi huyện công bố có dịch tả lợn, tỉnh lại bảo không, khẳng định đó là dịch tai xanh.

Điệp khúc “thờ ơ với dịch” ở cấp cơ sở lặp đi lặp lại ở nhiều nơi, đến mức người dân phải làm thơ khóc lợn, trách chính quyền, lãnh đạo thờ ơ:

“Biết là dịch hiểm nguy

Làm chỉ để giữ uy

Gọi là cho nó có

Dập dịch tả châu Phi

Những trại đã ra đi

Hỗ trợ được những gì

Sao trôi sông nhiều thế

Cứ ngồi trên cái ghế

Chỉ đạo mà được sao

Những trại đang lao đao

Chưa bị dịch chút nao

Sao không lên phương án

Không bệnh bán giá cao

Để dân khóc nghẹn ngào

Khi nhìn làn vôi trắng

Với đống nợ là sao?".

dich ta lon chau phi tho o vo cam dan than khoc lon

Có chủ trang trại đã khóc khi tâm sự rằng, rất cảm ơn chính sách của Đảng, Nhà nước với người chăn nuôi lợn khi gặp dịch tả châu Phi nhưng “Chính quyền ở xa dân quá”, đồng tiền hỗ trợ đến được tay người dân không biết đến ngày tháng năm nào.

Trước truyền thông, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn thừa nhận có hiện tượng nhiều nơi chống dịch chưa nghiêm.

Và cái chưa nghiêm của địa phương cộng với nhiều yếu tố khác đem đến hệ lụy tức thì là 1,5 triệu con lợn chết, nông dân khốn đốn vì lợn nhiễm dịch ‘ăn’ cả sổ đỏ còn ngành chăn nuôi thiệt hại cả ngàn tỷ đồng. Chỉ riêng tỉnh Thái Bình, chi phí tiêu hủy lợn, hỗ trợ nông dân có lợn chết do dịch đã lên tới gần 500 tỷ đồng.

Dịch tả lợn châu Phi đã tàn phá ngành chăn nuôi Trung Quốc khi tiêu diệt 30% tổng đàn của nước này. Số lượng lợn chết có thể lên đến 200 triệu con, bằng tổng số đàn lợn ở châu Âu và Mỹ. Trung Quốc tuyên bố đã kiểm soát tốt dịch tả lợn vào tháng 3/2019 nhưng sau đó dịch bùng phát còn dữ dội hơn. CNN cho biết, có hiện tượng địa phương giấu dịch, giấu thông tin vì sợ trách nhiệm.

Số lượng lợn chết vì dịch tả ở Việt Nam đang tăng nhanh nhưng vẫn còn 95% tổng đàn chưa bị ảnh hưởng. Tuy nhiên kịch bản tại Trung Quốc có thể sẽ lặp lại ở Việt Nam nếu các địa phương vẫn thờ ơ, vẫn sợ trách nhiệm và giấu dịch; ở đâu đó có những cái tặc lưỡi “lợn chết chứ dân có chết đâu”. Khi quan chức vô cảm với mất mát của dân thì con voi có thể chui qua lỗ kim. Những lỗ hổng nhỏ trong hệ thống phòng chống dịch bệnh có thể làm ngành chăn nuôi “vỡ trận” trong việc chống chọi với dịch bệnh nguy hiểm bậc nhất như dịch tả lợn châu Phi.

Huyền My
Phiên bản di động