Dịch tả lợn châu Phi - Bài 5: Nước mắt nông dân, chứng khoán lao dốc và hơn thế nữa

Dịch tả lợn châu Phi khiến đàn lợn Việt Nam bị tiêu hủy nhưng bóng đen của nó đủ khiến thị trường chứng khoán lao dốc, nông dân khóc ròng và hành khách Việt bị kiểm soát chặt hơn trong việc nhập cảnh vào nhiều nước trên thế giới.
dich ta lon chau phi bai 5 nuoc mat nong dan chung khoan lao doc va hon the nua
Bản đồ 19 tỉnh xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tính đến 19/3/2019. Đồ họa: Phạm Mạnh

Bản đồ 19 tỉnh xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tính đến 19/3/2019. Đồ họa: Phạm Mạnh

Chỉ trong 1 tháng, dịch tả lợn châu Phi đã càn quét qua 19 tỉnh thành miền Bắc, xóa sổ khoảng 2,4 vạn con lợn. Tất cả những gì còn lại là màu trắng của vôi và nước mắt nghẹn ngào của người chăn nuôi. Nông dân khóc ròng vì lợn chết, vốn đầu tư tiêu tan trong những hố chôn lợn chết. Dù Nhà nước có hỗ trợ nhưng chưa biết đến bao giờ người nông dân được tái đàn vì dịch vẫn còn diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng.

Nơi dịch tả lợn châu Phi đi qua chỉ còn màu trắng của vôi và nước mắt nghẹn ngào của người nông dân khi đàn lợn bị xóa sổ

Nơi dịch tả lợn châu Phi đi qua chỉ còn màu trắng của vôi và nước mắt nghẹn ngào của người nông dân khi đàn lợn bị xóa sổ

Người nuôi lợn nhiễm dịch đã khóc, người chăn nuôi không có lợn nhiễm dịch cũng khóc. Chỉ trong vòng hơn 20 ngày, giá lợn hơi miền Bắc giảm khoảng 23-31% xuống mức trung bình 35.000 đồng/kg, thậm chí có nơi giảm còn 31.000 đồng/kg khiến người dân thua lỗ. Ở miền Trung, miền Nam dịch chưa tới, giá lợn đã rơi không phanh, giảm từ khoảng 50.000 - 51.000 đồng/1 kg xuống còn 36.000 -44.000 đồng/1 kg. Dù giá ở mức lỗ nặng hay ngấp nghé lỗ, họ vẫn phải nghiến răng xuất chuồng phần vì sợ dịch, phần vì nếu đợi thêm lợn quá lứa sẽ khó có người mua. Cay đắng hơn, có những doanh nghiệp như Công ty La Cusina tại Bình Dương quay lưng lại với chính người chăn nuôi trong nước giữa những khó khăn khi tuyên bố ngừng thu mua lợn trong nước và chỉ sử dụng nguồn thịt lợn nhập khẩu từ những nước không có dịch bệnh.

Bóng ma dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng tới giá cả thị trường tới mức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường phải khuyến nghị bà con: "Chúng ta không được hoang mang, bán đổ bán tháo thịt lợn dẫn đến tình trạng thiếu thịt lợn sau này".

Thương lái ép giá, người tiêu dùng, doanh nghiệp thu mua quay lưng khiến người chăn nuôi lợn điêu đứng

Thương lái ép giá, người tiêu dùng, doanh nghiệp thu mua quay lưng khiến người chăn nuôi lợn điêu đứng

Trong cuộc họp khẩn cấp về dịch tả lợn châu Phi chiều 14/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa ra một thông tin đáng lưu ý: gần như 100% trường hợp dịch tả lợn châu Phi phát hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tất cả trang trại quy mô lớn đều làm rất tốt công tác vệ sinh an toàn sinh học, do đó không xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Thế nhưng những thương hiệu lớn trong ngành chăn nuôi lợn lại chịu ảnh hưởng theo một cách rất khác: cổ phiếu sụt giảm trên thị trường chứng khoán.

Ghi nhận trên thị trường đầu tháng 3, trong khi VN-Index đã chạm mốc 1.000 điểm, thị trường giao dịch hưng phấn cả về giá và lượng thì cổ phiếu của các doanh nghiệp chăn nuôi lợn như HPG của Hoà Phát, DBC của Tập đoàn Dabaco Việt Nam, VSN của Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan); PSL của Công ty CP Chăn nuôi Phú Sơn, MLS của Công ty CP Chăn nuôi - Mitraco, VLC của Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam … lại chật vật, nhiều mã giảm giá, thanh khoản “tê liệt” do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.

Trên bình diện rộng hơn, thương hiệu thịt lợn Việt bị suy giảm trên toàn cầu khiến bộ Công thương phải họp khẩn vì dịch tả lợn châu Phi để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến quá trình xuất khẩu thịt lợn khi dịch bệnh đi qua. Cùng với đó, ngay sau khi dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại Việt Nam, nhiều quốc gia ngày càng siết chặt hơn với hành khách khi nhập cảnh. Theo đó, người Việt đem thực phẩm đi Đài Loan, Mỹ, Nhật, Australia có thể bị ngồi tù và phạt hàng tỷ đồng nếu bị phát hiện.

Từ 2018, khi dịch tả lợn châu Phi được phát hiện ở Trung Quốc, kịch bản về dịch xâm nhập Việt Nam gần như chắc chắn bởi virus gây dịch tả lợn châu Phi có thể ẩn mình vài tháng trong thịt lợn đã qua xử lý, thậm chí là vài năm trời trong thịt lợn đông lạnh. Lúc đó, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam đã lên kịch bản ứng phó và diễn tập phòng chống đối với loại dịch bệnh không có vắc-xin, cứ nhiễm là 100% lợn chết này.

Dẫu lập chốt chặn từ biên giới, cảnh báo người dân nhưng dịch tả lợn châu Phi vẫn bùng phát ở Việt Nam và lây lan như lửa trên đồng cỏ, trung bình hơn một ngày lại có thêm 1 tỉnh xuất hiện ổ dịch. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh và mức độ nguy hiểm của nó với đàn lợn 28,1 triệu con khiến Thủ tướng đã họp trực tuyến khẩn cấp với các tỉnh, kêu gọi người dân, các địa phương và các bộ, ban, ngành chống dịch như chống giặc. Các bộ cũng nhiều lần họp khẩn chỉ đạo dập dịch và phòng ngừa dịch lan rộng.

Thế nhưng chỉ với vôi và thuốc sát khuẩn, người nông dân nhỏ lẻ khó lòng chống đỡ một đại dịch không thuốc chữa trong khi vẫn còn một bộ phận người chăn nuôi, thương lái vì lợi nhuận vẫn bất chấp dịch bệnh để buôn bán lợn nhiễm dịch. Và đâu đó, vẫn có những chốt kiểm dịch lập ra rồi để đấy còn người ở chốt ung dung đánh bạc, để lọt những xe lợn nhiễm dịch vào vùng dịch chưa tới.

Nhà nước, chính quyền và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc FAO vẫn đang đồng hành cùng 2,5 triệu nông hộ và 10.000 trang trại trên cả nước chiến đấu với dịch tả lợn châu Phi, hạn chế thấp nhất thiệt hại và ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhưng chính sự chủ động phòng dịch, ngăn dịch người chăn nuôi, thương lái mới là yếu tố mấu chốt giúp nhanh chóng dập tắt dịch tả lợn châu Phi.

Việc chủ động thực hiện các biện pháp tiêu độc với phương tiện vận chuyển lợn giúp hạn chế lây nhiễm dịch từ vùng này sang vùng khác

Việc chủ động thực hiện các biện pháp tiêu độc với phương tiện vận chuyển lợn giúp hạn chế lây nhiễm dịch từ vùng này sang vùng khác

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, mặc dù đã thực hiện chủ động và khá đồng bộ các biện pháp, nhưng bệnh Dịch tả lợn châu Phi với con đường lan truyền phức tạp nên khó kiểm soát một cách triệt để. Trong khi bệnh này hiện không có vắc xin phòng bệnh hay thuốc điều trị nên chỉ có giải quyết an toàn sinh học phải được thực hiện triệt để.

Còn về lâu về dài, Bộ trưởng đã giao Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, các đơn vị liên quan chuẩn bị xây dựng kế hoạch để Bộ Nông nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế mời Tổ chức Thú Thế giới (OIE), Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), các tập đoàn sản xuất thuốc thú y để bàn giải pháp bền vững, lâu dài với loại bệnh này, trong đó tập trung vào xây dựng đề án sản xuất vắc xin phòng bệnh DTLCP. Đồng thời Cục Thú y cần nghiêm túc nghiên cứu, coi đó là nhiệm vụ tìm ra phương thức lan truyền của dịch bệnh này.

Khi dịch tả lợn châu Phi không có thuốc chữa, việc người chăn nuôi chủ động thực hiện phương châm 5 không như cơ quan chức năng khuyến cáo quyết định tới việc khoanh vùng, dập tắt dịch bệnh

Khi dịch tả lợn châu Phi không có thuốc chữa, việc người chăn nuôi chủ động thực hiện phương châm 5 không như cơ quan chức năng khuyến cáo quyết định tới việc khoanh vùng, dập tắt dịch bệnh

Theo các chuyên gia, bóng ma của dịch tả lợn châu Phi cũng có thể được coi như một phép thử của thị trường để sau đó, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ có sự “lột xác” thực sự mạnh mẽ. Luật chăn nuôi đã có, ngành chăn nuôi cần cải tổ để chăn nuôi bài bản hơn, năng suất hơn kéo theo giá thành sản xuất cũng được kéo xuống theo. Chỉ khi đó, người chăn nuôi mới sống bền vững với nghề, đàn lợn có sự miễn nhiễm nhất định với dịch bệnh và điệp khúc “giải cứu” trong chăn nuôi sẽ không còn lặp lại.

Nhóm PVĐT
Phiên bản di động