Đề xuất xem xét ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa

Chiều 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Thứ trưởng Bộ Tài chính: Các chính sách cắt giảm thuế, phí giúp kiểm soát lạm phát Lấy ý kiến phản biện các chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 10, chiều 21/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước, có tiềm năng bứt phá phát triển, lan tỏa thúc đẩy phát triển vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Cụ thể, Khánh Hòa nằm ở vị trí trung tâm của các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, có 03 vịnh lớn là Vịnh Nha Trang, Vịnh Vân Phong, Vịnh Cam Ranh, là địa phương có chiều dài bờ biển dài nhất cả nước, có quần đảo Trường Sa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về quốc phòng và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước; Có mũi Đôi là điểm cực Đông trên đất liền của Tổ quốc; là cửa ngõ hướng biển, tâm điểm kết nối vùng giữa Tây Nguyên với Nam Trung bộ; Có sân bay quốc tế Cam Ranh với lưu lượng khách quốc tế đứng thứ 3 cả nước, là cửa ngõ giao thương quốc tế cho cả khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 24/12/2012 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Khánh Hoà đã khai thác và phát huy tương đối tốt các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về biển cho phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng khá; thu ngân sách tăng nhanh, bảo đảm tự cân đối ngân sách địa phương và có điều tiết về Trung ương.

Đề xuất xem xét ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Hệ thống đô thị ven biển được hình thành tương đối hiện đại. Khu kinh tế Vân Phong bước đầu tác động tích cực đến phát triển kinh tế của Tỉnh và Vùng. Khánh Hoà là trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế; từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực.

Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của tỉnh chưa được khai thác hợp lý, chưa tạo ra sự đột phá cho phát triển. Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đề ra yêu cầu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Khánh Hòa nhanh và bền vững, để đến năm 2030.

Do vậy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa là cần thiết, nhằm thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển nêu tại Nghị quyết số 09-NQ/TW, khắc phục những hạn chế, yếu kém và tạo cơ chế, chính sách đột phá để huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần đạt được các mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đề ra.

Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, hồ sơ dự thảo Nghị quyết cơ bản bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự tại một kỳ họp; đồng thời thống nhất việc bổ sung nội dung này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, Thường trực Ủy ban nêu rõ, xét về căn cứ chính trị, Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ cần thiết có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Xét về căn cứ thực tiễn, Khánh Hòa là tỉnh có đặc thù về vị trí địa lý, nằm ở trung tâm các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước; Có Mũi Đôi là điểm cực Đông trên đất liền của Tổ quốc, có quần đảo Trường Sa, khu căn cứ quân sự Cam Ranh, tâm điểm kết nối giữa vùng Tây Nguyên với Nam Trung bộ. Phát triển Khánh Hòa không chỉ mang ý nghĩa kinh tế - xã hội, phát huy tiềm năng du lịch, kinh tế biển mà còn có vai trò quan trọng trong giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, bảo đảm an ninh, quốc phòng; tác động lan tỏa vùng miền; Xét về căn cứ pháp lý, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội có thẩm quyền ban hành Nghị quyết để thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh.

Vì vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Ủy ban Thường vụ Quoocsnhooij nhất trí ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Về phạm vi chính sách trong Dự thảo Nghị quyết, qua nghiên cứu Dự thảo Nghị quyết, đối chiếu với các văn bản liên quan cho thấy, nhiều nội dung đã thể hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị; Một số nội dung tương đồng với cơ chế, chính sách đặc thù của các tỉnh, thành phố vừa được Quốc hội ban hành (Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Cần Thơ…); Một số chính sách mới được đề xuất đã thể hiện tinh thần đổi mới, mong muốn đột phá, tạo tiền đề thay đổi về thể chế trong phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Cụ thể, về quản lý quy hoạch, Dự thảo Nghị quyết quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thường trực Ủy ban nhất trí với quy định trên, vì đây là cơ chế tương tự như cơ chế đã được Quốc hội cho phép áp dụng đối với thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An…, song cũng đề nghị khi tổ chức thực hiện cần rà soát, đối chiếu, cập nhật việc điều chỉnh quy hoạch hiện nay để bảo đảm thống nhất.

Về phát triển Khu kinh tế Vân Phong, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban cho rằng, chủ trương thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Vân Phong là phù hợp với tinh thần Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà đầu tư cần lưu ý, Thứ nhất, Khu kinh tế Vân Phong cũng như tỉnh Khánh Hòa có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo giải trình rõ cơ sở thực tiễn, tính khả thi của việc triển khai quy định: Nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản về việc “đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam”.

Thứ hai, đề nghị làm rõ cơ sở, cách thức xác định tiêu chí về tổng tài sản đối với điều kiện về năng lực tài chính của Dự thảo Nghị quyết vì hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn một cách rõ ràng việc định giá tài sản đầu tư.

Về phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thuộc phạm vi khu vực biển do tỉnh Khánh Hòa quản lý, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban cho rằng, chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế biển đối với tỉnh Khánh Hòa là cần thiết và hợp lý, phát huy được lợi thế đặc thù; đây cũng là định hướng đã được nêu trong Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, góp phần quan trọng vào việc giữ vững biển đảo.

Do vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí chủ trương có chính sách phát triển kinh tế biển, trong đó có phát triển nuôi trồng thủy sản ngoài khơi; Nhất trí việc cấp phép, giao khu vực biển chỉ được thực hiện đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam, để đảm bảo về an ninh, quốc phòng; Đi đôi với khuyến khích, cần có chính sách kiểm soát chặt chẽ trong thực hiện để tránh xảy ra trường hợp doanh nghiệp nước ngoài “núp bóng” các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động ngoài khơi.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao hồ sợ dự thảo Nghị quyết được chuẩn bị rất đầy đủ và công phu, trách nhiệm và bài bản; đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét và quyết định trong Kỳ họp thứ 3 này.

Đi vào một số nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cho rằng một số chính sách về quản lý tài chính, ngân sách nên quy định theo hướng mở để tạo thuận lợi cho tỉnh; cần có thêm chính sách mới và đột phá đầu tư cho khu kinh tế Vân Phong, nên chăng Quốc hội cho áp dụng cơ chế đặc thù thí điểm khấu trừ chi phí liên quan đến nghiên cứu phát triển trong khi tính thuế thu nhập, đây là phương pháp rất phổ biến trên thế giới; đồng thời tiếp tục thiết kế các quy định phân cấp, phân quyền cho tỉnh nhưng vẫn đảm bảo được sự chặt chẽ.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung chương trình xây dựng Luật pháp lệnh năm 2022 đối với Nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; thống nhất trình Quốc hội cho phép tỉnh Khánh Hòa được thí điểm áp dụng 6 cơ chế chính sách đặc thù như Chính phủ trình.

Đáng chú ý, về thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại Khu kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu, rà soát quy định thêm trách nhiệm của cơ quan được giao thực hiện chuẩn bị thu hồi đất, trách nhiệm phối hợp của UBND cấp xã, trình tự thủ tục triển khai và hiệu lực pháp lý của kết quả điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, đánh giá; nghiên cứu thêm việc áp dụng thí điểm cơ chế này cho một số dự án đầu tư công…

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm 2 cơ chế thí điểm đặc thù để phù hợp như một số ý kiến đã nêu: Cơ chế được khấu trừ bổ sung đối với các chi phí về nghiên cứu phát triển khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp; phân cấp, phân quyền chủ trương đầu tư đối với các dự án của nhà đầu tư chiến lược trong Khu kinh tế Vân Phong.

Đối với một số chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thuộc phạm vi khu vực biển do tỉnh Khánh Hòa quản lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý những vấn đề có liên quan đến các khu vực có quy định về quốc phòng - an ninh, rà soát quy định chặt chẽ để thu hồi ưu đãi giấy phép chấm dứt hoạt động các trường hợp được giao trong khu vực biển cấp phép để nuôi trồng thủy sản nhưng không sử dụng đúng mục đích, không tuân thủ các quy định pháp luật liên quan; quy định nghiêm cấm chuyển nhượng cho người nước ngoài sử dụng khu vực biển được giao, được cấp phép.

Đồng thời, nghiên cứu thêm các cơ chế ưu đãi phù hợp để khuyến khích việc nuôi trồng thủy sản trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, lưu ý các cơ chế chính sách để phát triển các cơ cở hậu cần nghề cá, phòng, chống thiên tai...

Dự kiến, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới. Nếu được Quốc hội thông qua, Nghị quyết sẽ được áp dụng từ 1/8 năm nay và kéo dài trong 5 năm.

Về phát triển Khu kinh tế Vân Phong Điều 7 Dự thảo Nghị quyết quy định:

(1) Danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư:

a) Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư công nghệ thông tin, nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực đại dương, hàng hải, sinh học, dược liệu biển và sinh thái biển có quy mô vốn đầu tư từ 1.000 tỷ đồng trở lên.

b) Đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính có quy mô vốn đầu tư từ 12.000 tỷ đồng trở lên.

c) Đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị với quy mô diện tích đất từ 300ha trở lên hoặc có quy mô dân số trên 50.000 người; đầu tư xây dựng và kinh doanh khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân golf có quy mô vốn đầu tư từ 25.000 tỷ đồng trở lên.

d) Đầu tư công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, cơ khí chính xác, chế biến dầu khí, điện tử, khu dịch vụ chăm sóc sức khỏe có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên.

đ) Xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt, dịch vụ logistics, dịch vụ hậu cần cảng biển, bến cảng, khu bến cảng, cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I.

e) Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu phi thuế quan có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên.

(2). Nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3, 4 và 5 Điều này.

(3). Nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng một trong các điều kiện về năng lực tài chính và kinh nghiệm sau:

a) Có vốn điều lệ từ 10.000 tỷ đồng trở lên hoặc có tổng tài sản từ 25.000 tỷ đồng trở lên để thực hiện các dự án đầu tư tại điểm b và c khoản 1 Điều này và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên.

b) Có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên để thực hiện các dự án đầu tư tại điểm d và e khoản 1 Điều này và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên.

c) Có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên để thực hiện các dự án đầu tư tại điểm đ khoản 1 Điều này và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 2.000 tỷ đồng trở lên.

d) Có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên để thực hiện các dự án đầu tư tại điểm a khoản 1 Điều này và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 1.000 tỷ đồng trở lên.

Báo: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động