Để trẻ em Việt Nam là công dân "chuẩn" thời đại số…

TTTĐ - “Muốn nuôi dạy một đứa trẻ trở thành công dân số chuẩn, chính các bậc phụ huynh phải “chuẩn” trước. Thay vì áp đặt, cấm đoán, cha mẹ hãy làm gương cho con mình với những hành động, lối cư xử có văn hoá trên mạng”, NSƯT Xuân Bắc chia sẻ.
Bảo vệ trẻ em trước bạo hành cần sự vào cuộc của toàn xã hội Bắc Ninh: Học sinh, sinh viên được nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19

Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) vừa thực hiện buổi toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Trẻ em Việt Nam - Chuẩn công dân thời đại mới”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ chiến dịch “Online vui, Vùi Covid - Tiếng nói trẻ em về sử dụng Internet an toàn và hiệu quả” do Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) tài trợ.

Trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số, trẻ em đã trở thành những công dân số từ rất sớm với việc sử dụng Internet ngày càng gia tăng. Mạng Internet tạo điều kiện giúp các em học tập, giải trí, giao lưu kết bạn.

Tuy nhiên, bên cạnh những ích lợi của Internet mang lại, việc trẻ em sử dụng Internet quá mức sẽ ảnh hưởng xấu tới mắt, sức khỏe hay khả năng gặp nhiều rủi ro trên môi trường mạng như: Bị mất thông tin cá nhân, lừa đảo trên mạng, bị quấy rối hay bắt nạt trên mạng, bị vô tình kết bạn xấu, bị xem các ấn phẩm không phù hợp, đối mặt với các thông tin sai lệch, hay thậm chí cả các nguy cơ bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng... Đây cũng là mối lo của nhiều bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ.

Để trẻ em Việt Nam là công dân
Các diễn giả của chương trình "Trẻ em Việt Nam - Chuẩn công dân thời đại số"

Thấu hiểu điều này, từ ngày 23/2 - 15/3/2021, MSD với sự hỗ trợ tài chính của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế, phát động chiến dịch “Online vui, Vùi Covid - Tiếng nói trẻ em về an toàn Internet”.

Chiến dịch mong muốn thúc đẩy sự tham gia và tiếng nói của trẻ em trong việc xây dựng môi trường mạng lành mạnh; Hướng dẫn cha mẹ, thầy cô và người chăm sóc trẻ - đặc biệt là trẻ tiểu học và THCS sử dụng Internet lành mạnh, an toàn; Đồng thời truyền thông phổ biến những chính sách, chương trình của cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội về việc thúc đẩy sự tham gia của trẻ em và xây dựng môi trường an toàn để trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng.

Trong khuôn khổ chiến dịch, MSD đã thực hiện buổi toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Trẻ em Việt Nam - Chuẩn công dân thời đại số”. Tọa đàm được phát sóng trực tiếp lúc 15 giờ ngày 6/3 trên fanpage “MSD Vietnam” và “Lan toả yêu thương”.

Buổi toạ đàm có sự tham gia của các diễn giả: Bà Phạm Thị Thuỷ - Phụ trách Phòng Phát triển và Tham gia của Trẻ em, Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Thạc sĩ Nguyễn Văn Nam - chuyên gia công nghệ thông tin; NSƯT Xuân Bắc và Thạc sĩ Trần Vân Anh - Giám đốc Chương trình Viện MSD.

Tại buổi toạ đàm, các diễn giả đã chia sẻ với khán giả về những cách thức phòng tránh rủi ro trên Internet, nâng cao kĩ năng sử dụng Internet an toàn cho trẻ em.

Để trẻ em Việt Nam là công dân "chuẩn" thời đại số…
Thạc sĩ Nguyễn Văn Nam - chuyên gia công nghệ thông tin

Đánh giá về những lợi ích cũng như rủi ro mà Internet mang lại, Thạc sĩ Nguyễn Văn Nam chia sẻ: “Việc sử dụng Internet đã trở thành một phần không thể thiếu và độ tuổi tiếp cận Internet đang ngày càng trẻ. Rủi ro vẫn luôn tồn tại song hành với những lợi ích và có thể xảy ra với bất cứ ai chứ không chỉ trẻ em. Tuy nhiên, có một điều tích cực là trẻ em ngày nay cũng đã có những kỹ năng nhận biết, gọi tên rủi ro và những điều các em không cảm thấy thoải mái. Trẻ em rất thông minh, vì vậy, không bao giờ là quá sớm để bắt đầu việc trang bị, giáo dục kỹ năng cho trẻ em”.

Để trẻ em Việt Nam là công dân
Bà Phạm Thị Thuỷ - Phụ trách Phòng Phát triển và Tham gia của Trẻ em, Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Là đơn vị làm việc để đảm bảo lợi ích tốt nhất của trẻ em, bà Phạm Thị Thủy nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn chú trọng việc đảm bảo sự an toàn cho trẻ em. Trong thời đại số hiện nay thì việc bảo vệ các em trên mạng cũng được ưu tiên bởi mạng là ảo nhưng những hậu quả luôn là thật. Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các tổ chức xã hội xây dựng đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng”.

Chúng tôi mong muốn giảm thiểu tối đa rủi ro với trẻ em khi sử dụng Internet. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong các vấn đề liên quan cũng được thể hiện trong Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gần đây. Chúng tôi vẫn tiếp tục những nỗ lực để trao quyền cho các em, để trẻ em được lên tiếng vì lợi ích tốt nhất của mình”.

Bà Thủy cũng chia sẻ thêm, khi gặp hành vi quấy rối, xâm hại, lừa đảo… dù là trên mạng hay ngoài đời thật, trẻ em, bố mẹ, thầy cô giáo hoặc bất cứ ai cũng có thể gọi điện tới Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để được hỗ trợ kịp thời.

Để trẻ em Việt Nam là công dân
NSƯT Xuân Bắc

Là nghệ sĩ nhưng cũng là cha của 3 bạn nhỏ, NSƯT Xuân Bắc chia sẻ: “Muốn nuôi dạy một đứa trẻ trở thành công dân số chuẩn, chính các bậc phụ huynh phải “chuẩn” trước. Bởi trẻ em học từ người lớn rất nhiều và rất nhanh. Thay vì áp đặt, cấm đoán, cha mẹ hãy làm gương cho con mình với những hành động, lối cư xử có văn hoá trên mạng, thường xuyên trò chuyện, phân tích các mặt lợi - hại của Internet với con.

Ngoài ra, chúng ta cần có các chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi quấy rối, lừa đảo, xâm hại, đánh cắp thông tin… trên Internet để răn đe. Hành vi xấu cũng giống như virus sẽ lây lan rất nhanh nếu không dập tắt kịp thời. Việt Nam vẫn đang làm rất tốt trong việc kiểm soát dịch Covid-19, tôi mong việc dập tắt các hành vi xấu đối với trẻ em cũng được làm tốt như vậy”.

Để trẻ em Việt Nam là công dân "chuẩn" thời đại số…
Bà Trần Vân Anh - Giám đốc Chương trình Viện MSD

Tổng kết chương trình, bà Trần Vân Anh - Giám đốc Chương trình Viện MSD gửi thông điệp: “Các em hãy luôn tin tưởng mình luôn có người lắng nghe và hành động để bảo vệ. Đối với các bậc phụ huynh, chúng ta hãy luôn lắng nghe các con em mình với tấm lòng yêu thương, tin tưởng. Khi đồng hành với nhau, chắc chắn chúng ta sẽ luôn có giải pháp cho mọi vấn đề”.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động