Để mỗi người dân trở thành "lá chắn" trong phòng, chống tin giả

Ngay sau đợt dịch Covid-19 bùng phát trong cộng đồng lần thứ 4 một loạt thông tin giả, tin xấu "độc" lại có dịp bùng phát tràn lan trên không gian mạng.
Phát miễn phí đồ treo móc khóa có gắn chip để theo dõi là tin giả Hà Nội xử phạt 2 cá nhân loan truyền tin sai về Covid-19 Hà Nội: Xử phạt 4 trường hợp đăng tin sai về Covid-19 "Khẩu trang Trung Quốc chứa Covid-19 tuồn vào Việt Nam" là tin giả

Tin giả nhanh chóng bị phát hiện, xử lý

Những ngày qua, liên tiếp các đối tượng đưa thông tin giả, thông tin sai sự thật đã bị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh.

Điển hình nhất, ngày 10/5, Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phạt 12,5 triệu đồng và yêu cầu gỡ bài viết đối với anh T.V.D. (sinh năm 1982, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) vì hành vi sử dụng tài khoản Facebook có tên "Hà Nội phố" tại địa chỉ https//www.facebook.com/hanoiphotv để đăng tin "Hà Nội phố thông thoáng trong ngày đầu phong tỏa" kèm 1 video trải nghiệm đường phố Hà Nội ngày 4/5/2021.

Để mỗi người dân trở thành
Chủ tài khoản Facebook Hà Nội Phố bị phạt 12,5 triệu đồng vì đăng tin sai sự thật

Không chỉ Hà Nội, ngày 7/5, Phòng An ninh mạng và Phòng Chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an Nghệ An) đã phạt hai trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 trên trang Facebook cá nhân.

Đó là ông P.Đ.L. (sinh năm 1950, trú xã Nghi Phú, thành phố Vinh) và chị N.T.H (sinh năm 1987, trú ở phường Hưng Bình, thành phố Vinh). Theo đó, chiều 6/5, ông L và chị H đã đăng tải trên trang Facebook cá nhân hình ảnh phiếu trả lời kết quả xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An đã bị chỉnh sửa. Thông tin thất thiệt này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận.

Ngày 6/5, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng phối hợp với Phòng nghiệp vụ Công an tỉnh đã xử phạt quản trị fanpage Thừa Thiên-Huế là Lê Quang H (27 tuổi, trú ở thành phố Huế) 5 triệu đồng về hành vi đăng thông tin các ca lây nhiễm SARS-CoV-2 không có địa điểm, địa chỉ cụ thể, rõ ràng gây hoang mang cho cộng đồng.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên tin giả về dịch Covid-19 xuất hiện tràn lan. Theo thống kê của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2020, các lực lượng chức năng đã xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm trên mạng xã hội về đưa tin sai, bịa đặt về tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam. Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam mới đây, hàng chục đối tượng đã bị các lực lượng chức năng triệu tập, xử phạt hành chính do hành vi lợi dụng dịch bệnh để công kích, bêu xấu các tổ chức, cá nhân, phục vụ mục đích câu like để bán hàng online... Cùng với hệ thống chính trị cả nước nỗ lực khoanh vùng dập dịch, ngành công nghệ thông tin cũng đã nỗ lực phát hiện, ngăn chặn các thông tin sai sự thật, tin không chính xác khiến cho người dân hoang mang.

Nhờ có các giải pháp về công nghệ, việc chống tin giả, tin xấu độc ngày càng nhanh chóng, giúp răn đe, xử phạt kịp thời, theo đúng quy định.

Từ góc độ chuyên gia, theo PGS.TS Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội), khi xã hội xuất hiện những yếu tố gây tác động lớn đến đời sống xã hội như dịch tả lợn Châu Phi vào năm 2019; Dịch Covid-19 xuất hiện năm 2020 và mới đây là tái bùng phát dịch Covid-19 tại cộng đồng đầu năm 2021 khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Điều này dẫn đến tâm lý bất ổn với nhiều người và cũng là nguồn cơn xuất hiện nhiều thông tin giả, chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng từ những góc nhìn khác nhau. Việc xuất hiện tin giả lây lan mạnh theo hiệu ứng số đông nên có những người đã từng bị nhắc nhở vi phạm nhưng vẫn tái phạm.

Để mỗi người dân là "lá chắn" với tin giả

Thời gian gần đây, trong khi các lực lượng tuyến đầu đang "căng mình" chống lại đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại thì có không ít đối tượng tung lên mạng xã hội những thông tin giả, tin sai sự thật gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân từ đó khiến cho công tác phòng, chống dịch trở nên khó khăn hơn.

Do đó, theo các chuyên gia, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng với những công nghệ hiện đại thì sự góp sức của người dân là không hề nhỏ. Để trở thành một phần trong "tấm lá chắn" phòng, chống dịch Covid-19, mỗi người dân ngoài việc thực hiện nghiêm túc Thông điệp 5K của Bộ Y tế thì cần cảnh giác, không lan truyền thông tin xấu, "độc" xuất hiện trên môi trường mạng, sát cánh cùng các lực lượng chức năng để Việt Nam có thể tiếp tục khống chế đại dịch một lần nữa.

Việt Nam là một trong 10 nước đứng hàng đầu thế giới về số người dùng mạng xã hội với gần 64 triệu tài khoản Facebook và gần 35 triệu tài khoản Youtube. Với số lượng lớn người sử dụng mạng xã hội như vậy, ngoài những đối tượng cố tình tung tin giả để gây nhiễu loạn xã hội, có không ít những người vô tình chia sẻ thông tin giả, tin sai sự thật.

Để phòng tránh thông tin giả, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam khuyến cáo người dân cần chú ý, kiểm tra kỹ các yếu tố: xem xét nguồn tin (kiểm tra nhanh website đang theo dõi để xem thông tin liên hệ có rõ ràng không); thông tin minh họa (kiểm tra thông tin minh họa, hình ảnh, đường liên kết để xem thông tin có thực sự hữu ích hay vì mục đích nào khác); kiểm tra tác giả (kiểm tra nhanh xem tác giả bài viết có đáng tin cậy không); kiểm tra thời gian (cẩn thận với các tin tức cũ bị đăng lại, chưa chắc chúng có liên quan đến sự việc hiện tại); nên tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc các nguồn đáng tin cậy...

Để mỗi người dân trở thành
Cách thức nhận biết tin giả

Bên cạnh đó, người dân cần kiểm chứng nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào, nếu đến từ một người lạ, thông tin không rõ ràng cần cảnh giác. Khi phát hiện tin giả, người dân cần thông báo về Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam thông qua website: http://tingia.gov.vn; email: [email protected]; số điện thoại 18008108.

Bên cạnh đó, người dân cần lựa chọn thông tin đăng tải, chia sẻ từ những trang mạng xã hội, nên tiếp cận các luồng thông tin chính thống; không tham gia đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin sai sự thật, hình ảnh phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa của dân tộc hoặc bôi nhọ, xúc phạm danh dự của tổ chức, cá nhân; thông tin trái với quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hoạt động vi phạm pháp luật hoặc thông tin chưa rõ nguồn gốc, chưa xác định được tính chính xác của thông tin; đẩy mạnh thông tin tích cực, có ý nghĩa trong cuộc sống; đồng thời đấu tranh, phê phán lên án hành vi sai trái vi phạm trên mạng xã hội...

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, sâu chuỗi tình trạng tin giả bùng phát thời gian qua và việc xử phạt của cơ quan chức năng có thể thấy, tin giả lan truyền có nhiều loại hình. Từ cố tình tạo tin giả để thu hút sự chú ý của mọi người, chứng tỏ mình hiểu biết, nắm được thông tin thời cuộc hoặc mục đích thu hút view để bán hàng hoặc có trường hợp tung tin giả vì bức xúc… Tuy nhiên, có thế thấy tin giả theo hướng bịa hẳn câu chuyện ngày càng nhiều và được chia sẻ không có kiểm chứng. Do đó, cơ quan chức năng cần có chiến lược dài hơi trong kiểm soát toàn diện và chủ động hơn.

Thực tế thời gian qua, kể cả những người có trình độ hiểu biết trong xã hội cũng chia sẻ những thông tin giả, sai sự thật. Do đó, Nhà nước và cơ quan chức năng có kế hoạch tổng thể để giáo dục, nâng cao năng lực công dân số, nhất là lớp trẻ về phân biệt đâu là tin giả, cách thẩm định, chia sẻ thông tin có trách nhiệm, có văn hóa khi giao tiếp trên mạng…

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng cũng lưu ý người dân bên cạnh việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, cần bình tĩnh, tỉnh táo trong việc sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo. Mỗi người cần nói "không" với tin giả, tin sai sự thật, trở thành một phần của "lá chắn" trước những luồng thông tin độc hại, chung sức, đồng lòng cùng các cơ quan chức năng sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động