Để mãi xứng danh “Thành phố vì hòa bình”

20 năm trước, Hà Nội được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”. Danh hiệu này đã góp phần nâng cao vị trí, uy tín của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung ở khu vực và trên trường quốc tế. Từ đó tới nay, Hà Nội đã có những bước tiến rất lớn, đạt nhiều thành tựu quan trọng về mọi mặt, trong đó nổi bật là hình ảnh về một Thành phố an toàn và hấp dẫn trong mắt bạn bè năm châu…
Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền sự kiện 20 năm "Thành phố vì hòa bình"
de mai xung danh thanh pho vi hoa binh

Điểm đến an toàn

Hà Nội thường được báo chí quốc tế nhắc đến như một nơi đặc biệt an toàn. Đó là khi các sự kiện quốc tế lớn như các Hội nghị của APEC, ASEM, IPU-132; nhiều sự kiện thể thao của Đông Nam Á… được tổ chức tại Hà Nội và được bảo vệ tuyệt đối an toàn.

Đó là khi các hoạt động, chuyến thăm của nguyên thủ quốc gia trên thế giới đến Hà Nội đều được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố phối hợp chặt chẽ với lực lượng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tổ chức tốt.

Đầu năm 2019, cùng với hình ảnh của con người, đất nước Việt Nam, một Hà Nội xinh đẹp, biểu tượng của thành phố hòa bình xuất hiện dày đặc trên báo chí thế giới khi vinh dự được lãnh đạo hai nước Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên chọn là nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 giữa hai nước.

Thể hiện tinh thần mến khách, thân thiện, thành phố Hà Nội đã miễn phí các dịch vụ tại Trung tâm báo chí cho các phóng viên quốc tế như: thưởng thức miễn phí các đặc sản của Hà Nội; miễn phí tham quan Citytour quanh Hà Nội hay ở một số điểm như Hạ Long, Quảng Bình...

Các nhà hàng trên địa bàn Thành phố đều tham gia ủng hộ với trách nhiệm và niềm vinh dự. Trong thời gian diễn ra sự kiện, nhiều nơi, người dân tự trang trí cửa nhà, tự gỡ bỏ mái che, mái vẩy, thể hiện tinh thần tôn trọng, mến khách.

Sự kiện ấy cùng tinh thần của chính quyền và người dân đã một lần nữa “thêm sao” cho Hà Nội trong việc khẳng định “thương hiệu Thành phố vì hòa bình”. Không chỉ khẳng định là điểm đến an toàn, kết quả ấn tượng nhất từ danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” là Hà Nội thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế và đầu tư nước ngoài.

Từng chỉ biết đến Việt Nam qua thông tin về các cuộc chiến tranh, khi tới Hà Nội đúng dịp diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, chị Susan Crisp đến từ London, cho biết, chị rất ngạc nhiên khi thấy sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam, đặc biệt là vẻ đẹp, sự thanh bình, thân thiện và an toàn của Hà Nội. “Được đi dạo trên đường phố là một niềm vui, được trải nghiệm rất nhiều điểm tham quan. Điều này thật đặc biệt bởi nó được đặt trong bối cảnh văn hóa hòa bình”- chị Susan Crisp chia sẻ.

Tiếp tục đưa Hà Nội thành một điểm đến hấp dẫn

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung từng chia sẻ, Thành phố Hà Nội rất vinh dự khi là thành phố duy nhất ở châu Á được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” vào năm 1999.

Trong 20 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực không ngừng để luôn luôn gìn giữ (“bảo vệ”) danh hiệu này bằng cách tăng cường các giải pháp, biện pháp để làm cho Hà Nội xanh, sạch và đẹp hơn. Bên cạnh đó, thành phố đã ban hành 2 Quy tắc ứng xử để người Hà Nội duy trì những nét đẹp của người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Tiếp tục phát huy truyền thống và danh hiệu “Thành phố về hòa bình”, Hà Nội đã đưa ra nhiều kế hoạch dài hạn để xây dựng một thành phố năng động, trở thành điểm đến yêu thích của du khách quốc tế. Những chương trình dài hạn sẽ bắt đầu từ làm sạch ô nhiễm không khí; đưa ra những chương trình trồng 1 triệu cây xanh; phát triển các văn hóa ẩm thực, văn hóa phi vật thể của Hà Nội và các tỉnh thành khác, để khi du khách đến đây sẽ được thưởng thức những món ăn ngon và tiết mục văn hóa đặc sắc nhất.

Song hành với những nội dung trên, Hà Nội hướng tới mục tiêu mọi người dân sẽ được dùng những dịch vụ thông minh, ngắn gọn nhất; du khách khi đến Hà Nội sẽ có những ứng dụng tốt nhất, để Hà Nội sẽ trở thành điểm đáng nhớ mong muốn quay lại.

Để Hà Nội luôn xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, mỗi người dân cần ý thức được niềm tự hào và trách nhiệm gìn giữ danh hiệu này bằng việc tích cực thực hiện nếp sống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội. Việc giáo dục trong các nhà trường, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng cần được đẩy mạnh để góp phần nâng cao nhận thức của mỗi người dân về danh hiệu cao quý này của Thủ đô. Bởi chỉ khi hiểu được giá trị của danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, mỗi người dân sẽ tự ý thức trước mỗi hành động, việc làm của mình để không làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Thủ đô trong mắt bạn bè quốc tế.

Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động