Đại dịch COVID-19 thay đổi lễ tưởng niệm 11/9 tại Mỹ năm nay

Trong một năm mà đại dịch COVID-19 thay đổi nhiều vô kể các nghi thức của người Mỹ, ngay cả lễ tưởng niệm 11/9 cũng không ngoại lệ.
Lễ tưởng niệm 60 liệt sĩ là thanh niên xung phong hi sinh trong đêm Noel
Chú thích ảnh
Màn trình diễn ánh sáng tái hiện tòa tháp đôi đổ sụp trong vụ tấn công 11/9/2001. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, lễ kỷ niệm ngày xảy ra cuộc tấn công khủng bố chấn động nước Mỹ 19 năm về trước năm nay sẽ được tổ chức chính tại hai nơi - Đài tưởng niệm 11/9 và một góc gần tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence dự kiến có mặt tại cả hai lễ tưởng niệm, trong khi ứng cử viên tranh cử tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden sẽ tham gia lễ tưởng niệm tổ chức tại Đài tưởng niệm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và đối thủ Biden lên kế hoạch tới thăm Đài tưởng niệm Quốc gia Chuyến bay 93 ở Pennsylvania vào khung thời gian khác nhau. Tổng thống Trump sẽ có bài phát biểu vào lễ kỷ niệm buổi sáng, trong khi ông Biden sẽ đến buổi chiều.

Tại New York, màn trình diễn ánh sáng tái hiện lại tòa tháp đôi đổ sụp trong năm 2001 gần như bị hủy với lý do để đảm bảo an toàn cho người dân trước sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, quyết định đã khiến cho công chúng lên tiếng bất bình và cuối cùng là giữ nguyên nghi thức.

Một số người thân của các nạn nhân trong cuộc tấn công khủng bố đó cho biết họ hoàn toàn hiểu khuyến nghị không tập trung đông người để tưởng niệm người đã khuất trong bối cảnh nước Mỹ vẫn còn chật vật đối phó với đại dịch. Một số khác lại lo sợ COVID-19 đang hiện thực hóa nỗi sợ lâu nay: lời hứa “Không bao giờ quên” đang dần tan biến.

Ông Jim Riches có con trai là lính cứu hỏa thiệt mạng trong lúc làm nhiệm vụ vào ngày 11/9/2001. Năm nay là lần đầu tiên trong suốt 19 năm ông ở nhà nhớ đến người con trai đã mất vì ông không muốn nguy cơ mắc COVID-19 sau một đợt ốm nặng.

Để tránh tiếp xúc gần và nguy cơ nhiễm giọt bắn, lễ kỷ niệm năm nay không có buổi đọc tên trực tiếp mà thay vào đó ban quản lý sẽ bật bản thu âm trước đọc tên của các nạn nhân.

Cô Anthoula Katsimatides, có anh trai là một doanh nhân qua đời trong vụ tấn công, cho biết cô hiểu sự thay đổi trong cách thức tưởng niệm năm nay là một nỗ lực đảm bảo người thân của các nạn nhân cảm thấy thoải mái khi tham dự. Mẹ Katsimatides chưa từng ra khỏi nhà kể từ hồi tháng 3 vì vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, ngày 11/9 năm nay, bà quyết định đến để tưởng niệm con trai.

Trong khi nhiều sự kiện trong ngày tưởng niệm năm nay bị hủy, song Katsimatides cho biết “điều đó không thực sự mất đi". "Đó chỉ là sự thay đổi khiến cách thức chúng ta tưởng nhớ đến người thân yêu một cách an toàn và trân trọng Ai biết được COVID-19 sẽ tới… Dịch bệnh hoàn toàn không được báo trước. Cũng giống như thảm kịch 11/9 vậy”, cô nói.

Chú thích ảnh
Gia đình các nạn nhân tham gia lễ tưởng niệm tại Đài tưởng niệm Quốc gia 11/9 thành phố New York năm 2011. Ảnh: AP

Kế hoạch kỷ niệm năm nay sẽ diễn ra cân bằng tại ba nơi: New York, Lầu Năm Góc và đài tưởng niệm ở Pennsylvania.

Đài tưởng niệm Chuyến bay 93 gần Shanksville (bang Pennsylvania) sẽ cắt bớt thời gian buổi lễ 90 phút mọi khi bằng cách bỏ đi các đoạn nghe nhạc. Người phát ngôn của Đài tưởng niệm, cô Katherine Cordek, thông báo thay vì nhiêu thành viên, chỉ một người trong gia đình được đọc tên của các nạn nhân.

Tại Lầu Năm Góc, các tướng lĩnh quân đội cũng sẽ tổ chức lễ kỷ niệm nhưng không có sự tham gia của gia đình các nạn nhân. Tên của các nạn nhân cũng được xướng lên qua một bản ghi từ trước. Người thân các nạn nhân có thể tới đài tưởng niệm tại Lầu Năm Góc theo nhóm nhỏ vào chiều tối 11/9.

Tại thành phố New York, Ủy viên Cứu hỏa Daniel Nigro cho hay trong một bản ghi nhớ công bố tháng trước, Sở Cứu hỏa thành phố yêu cầu các thành viên không tham gia lễ kỷ niệm ở Đài tưởng niệm. Thay vào đó, họ đã tổ chức một sự kiện quy mô giới hạn vào ngày 9/9 để tưởng nhớ tới những người lính cứu hỏa hy sinh trong vụ tấn công khủng bố sau khi nhiễm khói độc từ đống đổ vỡ tại hiện trường.

Nguồn: TTXVN
Phiên bản di động