Đa dạng hoá ưu đãi để thu hút đầu tư vào dầu khí

Sáng 15/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội: Nếu thực hiện tốt dân chủ cơ sở đã không có "đại án" Việt Á Đại biểu Quốc hội: Một tiếng kêu cứu của trẻ là trách nhiệm của tất cả chúng ta Quốc hội thảo luận Luật phòng chống bạo lực gia đình: Giới trẻ và chứng bệnh... “sợ hôn nhân”?

Đảm bảo tính ổn định, tầm nhìn của dự thảo Luật

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, sáng 15/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Ngày 3/6, Quốc hội đã nghe đại diện Chính phủ trình bày Tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Qua thảo luận tại tổ, đã có 90 lượt ý kiến về các nội dung, quy định của dự án Luật này. Ý kiến của các đại biểu đã được Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp và gửi báo cáo tới các đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên thảo luận

Góp ý kiến tại hội trường, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho rằng, dầu khí là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và nếu xét về vai trò trong phát triển kinh tế, tài nguyên dầu khí chỉ đứng thứ hai sau đất đai, những đóng góp của ngành dầu khí thời gian qua là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh, việc khai thác dầu khí là quá trình vô cùng khó khăn.

đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn ĐBQH Hà Nội)
Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) thảo luận

Về định hướng sửa đổi dự thảo Luật này, đại biểu cho rằng, một trong những định hướng sửa đổi quan trọng là cần hình thành cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là định hướng hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, cũng cần đề cao tính thận trọng bởi trên thực tế dầu khí là nguồn tài nguyên không tái tạo và trong những năm qua giá dầu khí luôn tăng cao.

Bên cạnh đó, trên thực tế thời gian qua nước ta không có trường hợp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, nếu có cũng phải trả giá rất cao. Vì vậy, trên cơ sở cân nhắc lợi ích quốc gia, đại biểu đề nghị xem xét kỹ và không đầu tư lĩnh vực này bằng mọi giá.

Về tính cụ thể của dự thảo luật, đại biểu cũng cho biết, một trong những định hướng quan trọng trong hoàn thiện hệ thống pháp luật là cần phải đảm bảo được tính cụ thể. Đại biểu Mai đề nghị tiếp tục rà soát để cụ thể hóa tối đa những điều khoản, nội dung của dự thảo Luật.

Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, quá trình sửa đổi Luật Dầu khí lần này cần lưu ý, quan tâm đến đảm bảo tính ổn định, tầm nhìn khi dự thảo Luật được ban hành.

đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH Hà Nội) phát biểu
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) phát biểu

Bởi xu thế năng lượng trên thế giới thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi, tập trung vào phát triển năng lượng xanh, giảm phát khí thải; Nhu cầu, hành vi sản xuất và tiêu thụ cũng sẽ có sự thay đổi… Do vậy, Luật Dầu khí (sửa đổi) ra đời cần bắt kịp xu thế quốc tế chung, các quy định trong Luật cần được xem xét kỹ lượng cho phù hợp.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng nhấn mạnh, những quy định sửa đổi cũng cần kết hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số nhằm tạo động lực, cơ hội mới cho các cơ sở, doanh nghiệp dầu khí hiện nay.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần làm rõ vai trò, quyền và trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động dầu khí quốc gia, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, vừa hiệu quả vừa thuận tiện trong quản lý, điều hành, đặc biệt là xóa bỏ được những rào cản, rủi ro pháp lý làm mất cơ hội đầu tư sản xuất kinh doanh…

Đề nghị bổ sung chính sách ưu đã thu hút sự tham gia của các tổ chức vào công tác điều tra cơ bản dầu khí

Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn TP Hà Nội) đã đóng góp ý kiến về công tác điều tra cơ bản dầu khí trong dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Để có được khung pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, thống nhất và khả thi thúc đẩy và phát triển hoạt động dầu khí, cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đánh giá kỹ lưỡng tác động và dự báo tốt bối cảnh tình hình khu vực và thế giới, nhất là tình hình Biển Đông, cuộc xung đột quân sự Nga - Ucraina, cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050;

Tiếp tục rà soát các nội dung liên quan đến các bộ luật, luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản, Luật biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo...

Đa dạng hoá ưu đãi để thu hút đầu tư vào dầu khí
Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) đóng góp ý kiến

Theo đại biểu Tạ Đình Thi, Luật Dầu khí (sửa đổi) cần thể hiện đầy đủ và toàn diện các yêu cầu đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Ngoài việc điều chỉnh hoạt động điều tra cơ bản, tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí và các hoạt động liên quan, cần quan tâm đến hoạt động chế biến để tạo các sản phẩm hóa dầu với giá trị gia tăng cao hơn và phù hợp với định nghĩa ở Khoản 9, Điều 3 và bổ sung giải thích từ ngữ về điều tra cơ bản dầu khí trong dự thảo Luật.

Công tác điều tra cơ bản dầu khí cần đầu tư nguồn lực rất lớn, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.

Vì vậy, đề nghị bổ sung các quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi vào Điều 5 để thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào công tác điều tra cơ bản dầu khí cũng như các hoạt động dầu khí khác, nhất là ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Bên cạnh đó, rà soát các quy định tại các Điều 11, Điều 12 để bảo đảm không ách tắc việc triển khai các dự án hiện nay và tránh sự chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ quản lý đối với dự án điều tra cơ bản dầu khí phi truyền thống; nghiên cứu tách riêng quy định về điều tra cơ bản tài nguyên dầu khí truyền thống và phi truyền thống vì tài nguyên dầu khí truyền thống hoàn toàn do Bộ Công thương quản lý, trong khi đó tài nguyên dầu khí phi truyền thống còn có sự chủ trì/tham gia thực hiện của các bộ, ngành khác và do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý.

"Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật làm rõ và bổ sung vào trong dự thảo Luật các quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí và cơ quan quản lý trong việc xây dựng, trình duyệt và kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường", đại biểu Tạ Đình Thi nói.

Phương Thu
Phiên bản di động