Cứu hàng không thoát khỏi “bão” Covid-19

Dịch Covid-19 đã gây rối loạn hoạt động kinh tế, ảnh hưởng đời sống xã hội, làm tê liệt ngành hàng không Việt Nam và thế giới.
Cục Hàng không yêu cầu không để máy bay dừng bay quá một tháng Triển vọng ngành hàng không năm 2021: Vẫn là một năm khó khăn

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao các Bộ: Giao thông Vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Công thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, giải quyết theo thẩm quyền các kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam để phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam, trước mắt là tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo đánh giá, ngành hàng không có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, thúc đẩy hội nhập văn hóa, phát triển kinh tế, chính trị. Trong những năm gần đây, vận tải hàng không trong nước và khu vực tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2019, vận chuyển hơn 136 triệu hành khách, năng lực điều hành bay không ngừng nâng cao (hơn 900.000 chuyến bay).

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã gây rối loạn hoạt động kinh tế, ảnh hưởng đời sống xã hội, làm tê liệt ngành hàng không Việt Nam và thế giới. Tại nước ta, các hoạt động vận tải hàng không đã phải hy sinh quyền lợi chính đáng để phục vụ chủ trương giãn cách xã hội, khoanh vùng dập dịch, dừng vận chuyển hàng khách…

Cứu hàng không thoát khỏi “bão” Covid-19
Ảnh minh họa

Theo Bộ Giao thông vận tải, trong thời gian tới Bộ này sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ ban hành những chính sách để giúp ngành hàng không phục hồi.

Tuy nhiên, dự báo sắp tới ngành hàng không vẫn đứng trước khó khăn to lớn, khi dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát kéo theo hoạt động vận tải hàng không quốc tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, các doanh nghiệp và các nhà quản lý cần cùng nhau để đưa ra những giải pháp thích hợp.

Tại Hội thảo "Vượt qua khủng hoảng, phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam" mới đây, nhiều hãng hàng không và các chuyên gia kiến nghị các giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp hàng không.

Trong đó, theo các doanh nghiệp hàng không thì cần kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và dịch vụ điều hành bay cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá cho đến hết năm 2021.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị ngừng cấp phép hãng hàng không mới đến trước năm 2024. Cho các hãng hàng không vay 25.000 tỷ đồng trong 3-5 năm, áp dụng lãi suất bằng mức lãi suất tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại của Ngân hàng Nhà nước.

Đồng thời, các doanh nghiệp hàng không cũng kiến nghị bổ sung vào Thông tư số 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020 đối với ngành hàng không vào phạm vi, đối tượng được cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi, phí... đến hết ngày 31/12/2021. Bổ sung quy định giảm 3% lãi suất cho vay đối với vay vốn lưu động các doanh nghiệp hàng không trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19; giảm thuế bảo vệ môi trường xuống mức 1.000 đồng/lít và kéo dài thời gian áp dụng chính sách giảm thuế đến hết năm 2021.

Các chuyên gia, doanh nghiệp cũng nhấn mạnh một số biện pháp hỗ trợ như: Kéo dài và đơn giản hóa các thủ tục giải ngân các gói hỗ trợ của Nhà nước (các gói hỗ trợ người lao động, hỗ trợ cho một số hoạt động/dịch vụ của doanh nghiệp hàng không...). Nghiên cứu ban hành các quy trình, thủ tục cần thiết để sớm mở trở lại các đường bay quốc tế, trước hết là với những nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh thông qua các điểm du lịch an toàn, khép kín.

Việc hỗ trợ lúc này, theo các chuyên gia, trước mắt nhằm không để hãng trong nước yếu đi so với những hãng hàng không nước ngoài khác đang cùng cạnh tranh. Các hãng hàng không trong nước đang cần nhất là vốn.

Vì thế, Chính phủ cần mở rộng gói hỗ trợ tín dụng để các doanh nghiệp, đặc biệt là các hãng hàng không, có thể cải thiện khả năng thanh toán khi dòng tiền còn mất cân đối và đơn giản hóa các thủ tục để có thể giải ngân những gói hỗ trợ này một cách kịp thời.

Bên cạnh đó, cần có các giải pháp hỗ trợ dài hơi, mang tầm chiến lược để khi hết dịch, các hãng trong nước đủ sức cạnh tranh. Trong đó có việc quy hoạch lại cảng hàng không, xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không, cho phép các tập đoàn tư nhân trong nước tham gia đấu thầu đầu tư nhà ga, sân bay...

Văn Huy
Phiên bản di động