COVID-19 tới 6 giờ sáng 13/8: Thế giới trên 20,7 triệu ca bệnh; số ca mắc và tử vong tăng mạnh

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 251.458 trường hợp mắc COVID-19 và 6.209 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 20,7 triệu người.
Nga phản bác sự ngờ vực với vaccine ngừa Covid-19 WHO thảo luận với Nga về cấp chứng nhận tiền thẩm định vaccine COVID-19 Tổng thống Nga Putin công bố vaccine COVID-19 đầu tiên của thế giới
Chú thích ảnh
Học sinh bắt đầu đi học trở lại sau một thời gian nghỉ do dịch COVID-19 tại Glasgow, Scotland của Anh, ngày 12/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 13/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 20.763.244 ca, trong đó có 751.118 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 13.675.127 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 64.640 ca và 6.336.999 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 12/8, thế giới có 139 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 80 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong tại nhiều nước ghi nhận trong 1 ngày qua tăng mạnh.

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Port Elizabeth, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (67.066 ca), Brazil (52.392 ca), Mỹ (48.881 ca) và Colombia (12.066 ca); trong khi đó Mỹ (với 1.211 ca), Brazil (1.102 ca), Ấn Độ (950 ca) và Mexico (926 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai, thứ ba. Nhiều nước đã quyết định lùi thời gian mở cửa nền kinh tế, đồng thời tái áp đặt các biện pháp giãn cách.

Châu Mỹ hiện vẫn là tâm dịch nghiêm trọng nhất thế giới. Riêng tại Mỹ, tổng số ca mắc bệnh đã vượt quá 5,3 triệu trường hợp. Khu vực Mỹ Latinh trở thành khu vực ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất, chiếm gần 30% số ca tử vong trên thế giới.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa bệnh COVID-19 của Nga, do Viện khoa học nghiên cứu về dịch tễ học và vi trùng học Gamaleya phát triển, được giới thiệu tại Moskva ngày 6/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực. Dịch cũng đang lây lan mạnh tại các nước như Colombia, Peru, Argentina và Bolivia. Hiện số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại Mỹ Latinh tiếp tục tăng mạnh sau khi nhiều chính phủ nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát và phong tỏa nhằm vực dậy nền kinh tế đang rơi vào khủng hoảng.

Tại Mỹ, bang California bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 592.427 ca nhiễm (trong đó có 10.651 ca tử vong), tiếp đó là bang Florida với 550.901 trường hợp, Texas có 532.403 ca nhiễm và con số này ở bang New York là 452.486 ca. Những bang có số ca mắc bệnh vượt mức 180.000 trường hợp là Georgia, Illinois, Arizona và New Jersey.

Số ca mắc bệnh mới và số ca tử vong/ngày tại Mỹ tiếp tục xu thế tăng. Mỹ từ lâu cũng đã dẫn đầu thế giới về hai chỉ số này.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng quan tài một y tá tử vong do COVID-19 tại Tegucigalpa, Honduras, ngày 6/8/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại Honduras, nhằm siết chặt các quy định phòng chống dịch, Hội đồng Bộ trưởng nước này đã thông qua sắc lệnh yêu cầu toàn bộ người nhập cảnh vào nước này bằng đường hàng không phải xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

Giấy xét nghiệm phải được cấp 72 giờ trước khi các đối tượng này đến quốc gia Nam Mỹ này. Ngoài ra, những người nhập cảnh vào Honduras có thể phải khai báo y tế theo yêu cầu, tuân thủ các quy định yêu cầu cách ly và những yêu cầu khác theo quy định của Bộ Y tế nước này.

Sắc lệnh có hiệu từ ngày 17/8 - thời điểm các đường bay quốc tế được mở cửa trở lại sau thời gian dài ngừng phục vụ do dịch COVID-19. Từ ngày 10/8, Honduras đã khôi phục hầu hết các chuyến bay nội địa.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Mexico City, Mexico. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Mexico, theo thống kê chính thức, nước này có tổng cộng 78 bệnh nhân COVID-19 trên 100 tuổi, trong số đó 23 người đã không qua khỏi.

Nếu như giới chuyên gia cho rằng nhóm người cao tuổi có nguy cơ tử vong cao nếu mắc COVID-19, thì những gì diễn ra tại Mexico lại chứng minh điều ngược lại khi có tới 53 bệnh nhân ở độ tuổi từ 100 -118 đã chiến thắng căn bệnh này.

Chú thích ảnh
Du khách đi tham quan giữa mùa dịch ở Italy. Ảnh: AFP

Tại châu Âu, trước những lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai, nhiều nước đã siết chặt, gia hạn hoặc tái áp đặt các biện pháp chống dịch. Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết nước này sẽ gia hạn lệnh cấm các hoạt động tụ họp có quy mô hơn 5.000 người ở nơi công cộng đến ngày 30/10.

Theo ông Castex, tình hình dịch bệnh ở Pháp đã diễn biến theo chiều hướng xấu đi trong 2 tuần qua, đồng thời cảnh báo “nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh rất cao” nếu không có sự phối hợp hành động giữa các cơ quan chức năng và người dân nước này.

Do đó, Thủ tướng Castex yêu cầu chính quyền các địa phương của Pháp siết chặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại những khu vực công cộng ngoài trời. Trong 24 giờ qua, Pháp đã ghi nhận thêm gần 1.400 ca nhiễm và 15 ca tử vong. Tính từ ngày 1/3, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 30.354 người ở Pháp.

Chú thích ảnh
Tàu MS Roald Amundsen được neo tại cảng ở Tromso, Na Uy ngày 1/8/2020 sau khi phát hiện các thủy thủ trên tàu mắc COVID-19. Ảnh: AFP/ TTXVN

Chính phủ Na Uy ngày 12/8 cho biết nước này sẽ tái áp đặt các biện pháp cách ly đối với du khách nước ngoài, đồng thời nhắc lại khuyến cáo người dân nên tránh ra nước ngoài.

Theo quyết định mới, quy định cách ly sẽ được áp dụng trong 10 ngày từ ngày 15/8 tới, đối với tất cả khách nhập cảnh từ Ba Lan, Malta, Iceland, Cyprus và Hà Lan, cũng như Quần đảo Faroe và một số vùng của Đan Mạch và Thụy Điển. Na Uy cũng đã tái áp đặt các hạn chế đối với Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Sĩ và một số nước khác.

Cùng ngày, Thụy Điển đã rút lại khuyến cáo công dân không thực hiện các chuyến đi không cần thiết tới Áo và Liechtenstein, song vẫn duy trì cảnh báo đi lai với Anh và một số nước châu Âu.

Chú thích ảnh
Hành khách đeo khẩu trang phòng bệnh COVID-19 khi làm thủ tục tại sân bay quốc tế Sheremetyevo ở Moskva, Nga ngày 1/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Dịch đang tiếp tục tác động mạnh đến kinh tế các nước. Theo Cơ quan thống kê Rosstat của Nga, kinh tế nước này trong quý II/2020 đã sụt giảm 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu thống kê của Rosstat trong quý II là nằm trong mức dự báo giảm 8-10% mà Ngân hàng trung ương Nga đưa ra trước đó, trong khi mức dự đoán của chính phủ là giảm 9%. Như vậy, nền kinh tế Nga đã đi xuống sau khi ghi nhận mức tăng trưởng 1,6% trong quý I/2020.

Tuy nhiên, một tin mừng là Bộ Y tế Nga đã thông báo thời điểm ra mắt lô vaccine phòng COVID-19 đầu tiên, mang tên "Sputnik-V", trong vòng hai tuần tới. Theo Bộ trưởng Murashko, mặc dù việc đáp ứng nhu cầu của người dân Nga là ưu tiên hàng đầu, nhưng vaccine cũng có thể được xuất khẩu.

Trong khi đó, cũng như nhiều nước khác, Israel đang xem xét nhập khẩu vaccine của Nga.
Bản thân Israel cũng đang phát triển một loại vaccine phòng COVID-19 tiềm năng và dự kiến thử nghiệm trên người vào tháng 10 tới. Ngoài ra, nước này cũng đã ký thỏa thuận với các công ty Moderna và Arcturus Therapeutics của Mỹ để có phương án mua các loại vaccine tiềm năng.

Trên kênh truyền hình Rossya 24 tối 12/8, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty R-Pharm, ông Alexey Repik cho biết giá xuất khẩu vaccine ngừa virus coronavirus của Nga ít nhất là 10 USD cho hai liều.

Chú thích ảnh
Học sinh bắt đầu đi học trở lại sau một thời gian nghỉ do dịch COVID-19 tại Glasgow, Scotland của Anh, ngày 12/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo kinh tế Anh sẽ rất khó khăn trong những tháng tới trong bối cảnh số người thất nghiệp tại Anh kể từ tháng 3 đến nay lên tới 730.000 người. Theo ông Johnson, kinh tế Anh sẽ còn lâu nữa mới có thể khôi phục lại được như trước thời đại dịch.

Các trường học ở vùng Scotland của Anh đã lần đầu tiên mở lại sau 5 tháng đóng cửa do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo quyết định của chính quyền Scotland, học sinh trên toàn vùng bắt đầu đi học trở lại trong tuần này. Dự kiến, các trường sẽ mở cửa bình thường trở lại kể từ ngày 19/8.

Chính quyền nhiều khu vực trên khắp nước Anh đang hối thúc các cơ sở giáo dục mở cửa trở lại, bất chấp số ca mắc COVID-19 tại một số địa phương gia tăng. Tại vùng England, chính quyền vẫn giữ kế hoạch cho phép học sinh đi học trở lại vào đầu tháng 9. Trước đó, kế hoạch mở lại trường học vào tháng 6 đã bị hủy do vấp phải sự phản đối của các nghiệp đoàn giáo viên và một số phụ huynh.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Đông Bắc Á, tình hình dịch ở Nhật Bản cũng diễn biến phức tạp. Ngày 12/8, chính quyền thành phố Tokyo xác nhận thêm 222 ca nhiễm, tăng so với mức 188 ca mới trong ngày trước đó, 197 ca trong ngày 10/8, và 331 ca trong ngày 9/8.

Tokyo và nhiều thành phố lớn khác ở Nhật Bản, trong đó có Osaka, đang tiếp tục chứng kiến số ca nhiễm tăng cao, kể từ khi chính phủ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa toàn quốc hồi cuối tháng 5.

Trong khi đó, số liệu của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc cho biết Trung Quốc đại lục có thêm 25 ca nhiễm, trong đó có 9 ca tại nội địa, đều ở khu tự trị Tân Cương và 16 ca du nhập từ nước ngoài.

Chú thích ảnh
Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc ngày 26/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 24 giờ qua Trung Quốc đại lục cũng phát hiện thêm 20 ca nhiễm không biểu hiện triệu chứng, trong đó có 12 ca nhập cảnh. Hiện các bác sĩ đang theo dõi y tế đối với 288 ca nhiễm không triệu chứng, trong đó có 141 ca du nhập từ nước ngoài.

Cùng ngày, Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã ghi nhận thêm 54 ca nhiễm trong ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 14.714. Hàn Quốc cũng đã có thêm 57 bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, đưa tổng số ca được chữa khỏi lên 13.786 ca.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Hyderabad, Ấn Độ, ngày 10/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Ấn Độ ghi nhận ngày thứ 13 liên tiếp có số ca mắc mới trên 50.000 ca. Cụ thể, ngày 12/8, nước này có thêm 60.963 ca nhiễm và 834 ca tử vong. Đến nay, Ấn Độ xác nhận 2.329.638 ca bệnh, trong đó có 46.091 ca tử vong.

Israel đã vượt qua Trung Quốc đại lục về số ca nhiễm tính từ khi dịch bệnh bùng phát hồi đầu năm 2020. Tính đến sáng 12/8, Israel có 86.147 ca nhiễm. Tuy nhiên, số trường hợp tử vong tại nước này thấp hơn nhiều so với Trung Quốc đại lục, chỉ có 622 ca.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 lên xe cứu thương tại ngoại ô thành phố Melbourne, bang Victoria, Australia ngày 30/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Australia, trong vòng 24 giờ qua, bang Victoria có thêm 21 ca tử vong - cao nhất từ trước đến nay, trong khi số ca nhiễm mới là 410, chấm dứt chuỗi 3 ngày liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới dưới 400. Cho đến thời điểm này, ngoài hai bang lớn nhất là Victoria và New South Wales, virus SARS-CoV-2 đã được kiểm soát tại hầu hết các bang ở Australia.

Nhà chức trách ở New South Wales hiện đang truy vết tiếp xúc liên quan ổ dịch mới tại một trường học ở thành phố Sydney. Việc xuất hiện ổ dịch tại thành phố này đã làm gia tăng lo ngại về sự lây lan rộng rãi hơn trong cộng đồng so với trước đây ở bang đông dân nhất của Australia.

Chú thích ảnh
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern phát biểu tại cuộc họp báo ở Auckland ngày 12/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại New Zealand, các nhà dưỡng lão trên cả nước đều đã bị phong tỏa từ ngày 12/8 do lo ngại đây có thể trở thành ổ dịch sau khi nước này phát hiện 1 gia đình 4 người tại thành phố Auckland nhiễm virus SARS-CoV-2 sau 102 ngày cả nước này không có lây nhiễm cộng đồng.

Diễn biến đó đang khiến Chính phủ New Zealand hết sức cảnh giác trước nguy cơ lây lan của dịch bệnh khi không thể xác định nguồn lây nhiễm của các ca bệnh mới. Giới chức nước này đang đặt ra khả năng nguồn lây nhiễm từ hàng hóa nhập khẩu.

Chú thích ảnh
Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trường học ở Narathiwat, Thái Lan ngày 1/7/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 12/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 6.461 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 8.540 người.

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có ba quốc gia gồm Indonesia, Philippines và Việt Nam ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19. Philippines đã vượt qua Indonesia để trở thành quốc gia có số ca tử vong/ngày cao nhất khu vực, diễn biến dịch tiếp tục xu thế gia tăng và ngày càng nghiêm trọng hơn. Tổng số ca mắc COVID-19 mới tại Philippines tăng mạnh trong 1 tuần qua.

Hiện nay, tổng số ca mắc COVID-19 của Philippines vượt qua Indonesia, trở thành ổ dịch nghiêm trọng nhất ở Đông Nam Á. Trước diễn biến mới, nhà chức trách Philippines đã phải tái áp đặt các biện pháp giãn cách phòng dịch nghiêm ngặt.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang khi ra đường tại Indonesia. Ảnh: AFP

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 8.543 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 173 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 344.028 trường hợp. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 218.420 trường hợp.

Tình hình ở Indonesia hay Philippines nghiêm trọng nhất khu vực, song dịch bệnh đang có xu thể quay trở lại và lan diện rộng hơn. Một số nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt dịch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại, trong số này có Thái Lan và Malaysia. Tuy nhiên, dịch bệnh nhìn chung vẫn diễn biến phức tạp, đang bùng phát trở lại. Trong ngày, Đông Nam Á có tới 8 quốc gia ghi nhận các ca bệnh mới.

Nguồn: TTXVN
baotintuc.vn
Phiên bản di động