COVID-19 tại ASEAN hết 4/1: Toàn khối thêm 18.476 ca mắc; Indonesia bỏ thi quốc gia vì dịch bệnh

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 4/1, 8 quốc gia ASEAN ghi nhận 18.476 ca mắc COVID-19 và 303 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 2.111.625 ca, trong đó 46.130 người tử vong.
Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bali, Indonesia ngày 1/2/2021 (Ảnh: THX/TTXVN)

Tại ASEAN, tình hình COVID-19 vẫn nghiêm trọng nhất ở Indonesia. Nước này thông báo ghi nhận thêm 11.434 ca mắc COVID-19 và 231 ca tử vong, đưa tổng số người mắc bệnh và tử vong ở nước này lần lượt là 1.123.105 và 11.641. Dịch COVID-19 đã lây lan ra toàn bộ 34 tỉnh, thành của Indonesia. Trong 24 giờ qua, riêng thủ đô Jakarta ghi nhận thêm 3.632 ca nhiễm.

Trong khi đó, Malaysia có thêm 4.571 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa tổng số người nhiễm lên 231.483. Tổng số người tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này là 826.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines ngày 12/1 (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ Y tế Philippines cũng thông báo ghi nhận thêm 1.590 ca nhiễm mới và 55 trường hợp không qua khỏi. Như vậy, tính đến nay, nước này ghi nhận tổng cộng 531.699 ca nhiễm, trong đó có 10.997 trường hợp tử vong.

Tại Thái Lan, nhà chức trách nước này phát hiện thêm 809 ca nhiễm mới, trong đó có 796 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Riêng tại tỉnh Samut Sakhon, số ca nhiễm mới là 751 trường hợp. Tính đến nay tổng số ca nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á này là 22.058 ca, cao hơn nhiều so với mức chỉ chưa đầy 4.300 ca hồi giữa tháng 12/2020, khi làn sóng lây nhiễm mới bùng phát.

Indonesia chính thức bãi bỏ kỳ thi quốc gia vì COVID-19

Chú thích ảnh
Học sinh Indonesia thực hiện giãn cách xã hội khi tham gia kỳ thi đại học tại Banda Aceh, ngày 5/7/2020 (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa Indonesia Nadiem Makarim vừa ký thông tư chính thức bãi bỏ các kỳ thi quốc gia, các kỳ thi tương đương và các kỳ thi cấp trường trong giai đoạn khẩn cấp do đại dịch COVID-19.

Thông tư nói trên được ban hành vào ngày 1/2, theo đó học sinh không bắt buộc phải trải qua khi thi quốc gia và các kỳ thi tương đương để được xét tốt nghiệp hoặc chuyển lên cấp học cao hơn. Học sinh được công nhận tốt nghiệp một cấp học hoặc một khóa đào tạo sau khi hoàn tất chương trình học tập, đạt điểm hạnh kiểm tối thiểu và tham dự các kỳ thi cuối kỳ hoặc tay nghề do các cơ sở giáo dục tự tổ chức.

Campuchia phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Sinopharm của Trung Quốc

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược phẩm Trung Quốc Sinopharm (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 4/2, Bộ Y tế Campuchia thông báo nước này đã chính thức phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19 của hãng dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc).

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cùng ngày cho biết lô vaccine đầu tiên của Sinopharm do Trung Quốc viện trợ sẽ đến Campuchia vào ngày 7/2 tới. Theo nhà lãnh đạo Campuchia, vaccine này sẽ được tiêm miễn phí cho những người có nguy cơ cao bị nhiễm virus SARS-CoV-2 như nhân viên y tế, giáo viên, vệ sĩ, thành viên lực lượng vũ trang, tài xế xe tuk-tuk và taxi, người thu gom rác và một số đối tượng người khác.

Malaysia đặt mục tiêu hoàn tất tiêm chủng vào năm sau

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia ngày 30/1/2021 (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 4/2, Chính phủ Malaysia thông báo sẽ hoàn tất chương trình tiêm vaccine COVID-19 vào tháng 2/2022, với 80% trong tổng dân số 32 triệu người được tiêm phòng.

Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Muhyiddin Yassin nêu rõ trong giai đoạn đầu từ tháng 2 đến tháng 4 năm nay, Malaysia sẽ tiêm phòng cho 500.000 nhân viên làm việc ở tuyến đầu, tiếp đó khoảng 9,4 triệu người có nguy cơ cao sẽ được tiêm phòng từ tháng 4 đến tháng 8. Trong giai đoạn 3 và giai đoạn cuối cùng kéo dài đến tháng 2/2022, sẽ có hơn 16 triệu người từ 18 tuổi trở lên được tiêm

Trước đó, Chính phủ Malaysia cho biết lô vaccine đầu tiên của Pfizer/BioNTech sẽ được chuyển tới nước này vào ngày 26/2 tới. Malaysia đã ký 2 thỏa thuận với hãng dược phẩm Pfizer để mua 25 triệu liều vaccine, ngoài các thỏa thuận mua 18,4 triệu liều các loại vaccine khác do Viện Nghiên cứu Gamaleya của Nga và công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất.

Thái Lan tạm nối lại thương mại với Myanmar tại Kanchanaburi

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 20/1 (Ảnh: THX/TTXVN)

Hoạt động thương mại giữa Thái Lan và Myanmar đã được nối lại tại tỉnh Kanchanaburi vào ngày 3/2 sau khi các nhà chức trách Thái Lan tạm thời nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống đại dịch COVID-19 trong vòng 2 ngày.

Ông Terdsak Kittiwarakul, Tổng Thư ký Hiệp hội thương mại biên giới Thái Lan-Myanmar tại Ban Phu Nam Ron, cho biết Myanmar cần hàng tiêu dùng từ Thái Lan và nhập khẩu hải sản, hành tím qua tỉnh Kanchanaburi.

Tỉnh Kanchanaburi đã đơn phương đóng cửa biên giới với Myanmar sau khi dịch COVID-19 bùng phát tại khu vực này. Biên giới sẽ đóng cửa trở lại sau ngày giao dịch 4/2. Các chuyến hàng chở thuốc lá và đồ uống có cồn bị cấm.

Hoạt động thương mại qua biên giới ở huyện Mae Sot của tỉnh Tak và huyện Mae Sai của tỉnh Chiang Rai đã được nối lại vào ngày 1/2 vừa qua. Trạm kiểm soát Mae Sot là cửa khẩu thương mại biên giới quan trọng, trong đó hàng hóa đến Yangon chủ yếu được vận chuyển qua cửa khẩu này. Thái Lan và Myanmar có chung đường biên giới kéo dài khoảng 2.400 km.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế công Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết nước này sẽ nhập khẩu lô vaccine đầu tiên sản xuất tại châu Á của hãng dược phẩm AstraZeneca, sau khi Liên minh châu Âu (EU) kiểm soát việc xuất khẩu mặt hàng này.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuần trước, EU đã quyết định áp đặt các biện pháp hạn chế về xuất khẩu vaccine từ khối này cho đến tháng 3 tới nhằm đảm bảo nguồn cung vaccine mà EU đã đặt mua, trong đó có vaccine của AstraZeneca. Trong thông báo, Bộ trưởng Anutin Charnvirakul nêu rõ Thái Lan vẫn nhập khẩu được 50.000 trong tổng số 150.000 liều vaccine đầu tiên của AstraZeneca trong tháng này, nhưng các sản phẩm này sẽ không có xuất xứ từ châu Âu như kế hoạch ban đầu. Nhà sản xuất sẽ phân phối vaccine từ nguồn cung khác bên ngoài EU.

Mặc dù Thái Lan đã đặt mua thêm 35 triệu liều vaccine từ AstraZeneca, song nước này vẫn chưa ký hợp đồng với hãng. Chiến lược tiêm phòng của Thái Lan đang phụ thuộc phần lớn vào nhà sản xuất nội địa Siam Bioscience. Theo kế hoạch, doanh nghiệp này sẽ sản xuất 26 triệu liều vaccine của AstraZeneca để phục vụ cho công tác tiêm phòng vào tháng 6. Kể từ thời điểm đó, Thái Lan dự định tiêm 5 triệu liều/tháng.

Cũng theo Bộ trưởng Anutin Charnvirakul, công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc sẽ chuyển 200.000 liều đầu tiên trong tổng số 2 triệu liều vaccine mà Thái Lan đặt hàng vào khoảng cuối tháng 2 này.

Trắng đêm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 hàng nghìn người ở tòa nhà 88 Láng Hạ Trắng đêm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 hàng nghìn người ở tòa nhà 88 Láng Hạ

Ngay trong đêm 4/12, cán bộ y tế của Trung tâm Y tế quận Đống Đa đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn ...

Nguồn: TTXVN
baotintuc.vn
Phiên bản di động