COVID-19 tại ASEAN hết 22/12: Thái Lan lo dập ổ dịch lớn nhất; Malaysia tăng mạnh số ca nhiễm

Trong ngày 22/12, các nước ASEAN ghi nhận thêm trên 11.100 ca mắc COVID-19, trong khi số ca tử vong tăng thêm 258 trường hợp. Thái Lan đang khẩn cấp xử lý ổ dịch lớn nhất, liên quan tới trên 1.000 người.
Trẻ em đeo khẩu trang hóa trang ông già Noel tại Singapore, ngày 16/12/2020 (Ảnh: THX/ TTXVN)
Trẻ em đeo khẩu trang hóa trang ông già Noel tại Singapore, ngày 16/12/2020 (Ảnh: THX/ TTXVN)

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 22/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 11.149 ca bệnh COVID-19 và 258 ca tử vong so với 1 ngày trước.

Như vậy, các nước ASEAN hiện ghi nhận tổng cộng 1.422.459 ca mắc COVID-19 trong đó có 32.328 ca tử vong và 1.193.474 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Với trên 6.300 ca nhiễm mới và 172 ca tử vong mới, Indonesia đang chứng kiến dịch lây lan căng thẳng hơn. Nước này tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN về cả tổng số ca bệnh và ca tử vong.

Ngày 22/12, hai quốc gia có số ca nhiễm mới ở mức 4 con số còn lại là Philippines và Malaysia. Philippines ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức trên 1.300 ca/ngày, trong khi tình hình đang nghiêm trọng hơn tại Malaysia với ca nhiễm mới đã vượt quá 2.000 người. Cùng ngày, số ca nhiễm mới tại Myanmar ở mức 3 con số, với 964 trường hợp.

Trong khi đó, Thái Lan đang báo động với ổ dịch lớn nhất từ trước tới nay tại khu chợ hải sản ở tỉnh Sakhon, gần Bangkok. Giới chức Thái Lan đã phát hiện 1.100 ca bệnh liên quan đến ổ dịch này.

Trong 24 giờ qua, khu vực ASEAN có 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới, trong khi Campuchia, Timor Leste, Lào và Brunei không có thêm ca bệnh COVID-19 nào.

Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 22/12/2020 (Theo số liệu của worldometers.info)
Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 22/12/2020 (Theo số liệu của worldometers.info)
Ổ dịch cộng đồng mới ở Thái Lan xảy ra tại một chợ hải sản  ở tỉnh Samut Sakhon (Ảnh; EPA-EFE)
Ổ dịch cộng đồng mới ở Thái Lan xảy ra tại một chợ hải sản ở tỉnh Samut Sakhon (Ảnh; EPA-EFE)

Thái Lan nỗ lực dập ổ dịch tại Samut Sakhon

Trong nỗ lực nhằm dập tắt ổ dịch lớn nhất cả nước, giới chức Thái Lan kêu gọi hơn 1.000 người trên khắp cả nước từng đến khu chợ hải sản lớn tại tỉnh Samut Sakhon, gần thủ đô Bangkok, từ ngày 1-18/12 vừa qua nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Nhà chức trách đã phát hiện dịch bệnh bùng phát tại khu chợ này từ cuối tuần qua khi hàng trăm lao động tại đây có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Giới chức Thái Lan đã truy vết và phát hiện đến nay có 1.100 trường hợp liên quan đến ổ dịch lớn nói trên.

Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) của Thái Lan ngày 22/12 xác nhận thêm 427 ca mắc COVID-19, trong đó có 397 trường hợp là lao động nhập cư và 16 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Tất cả các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng đều có liên quan đến ổ dịch tại tỉnh Samut Sakhon. Trong tổng số các ca COVID-19 được ghi nhận ở Thái Lan cho đến nay (5.716 ca), có tới 1.273 ca được phát hiện qua việc truy vết các trường hợp nhiễm bệnh.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Samut Sakhon, Thái Lan, ngày 19/12 (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Samut Sakhon, Thái Lan, ngày 19/12 (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quân đội Thái Lan thừa nhận không thể phong tỏa hoàn toàn biên giới nước này trước những người di cư bất hợp pháp, thậm chí ngay cả khi Bộ Y tế xác nhận ổ dịch COVID-19 mới nhất tại khu chợ hải sản ở tỉnh Samut Sakhon có liên quan đến lao động nhập cư. Người phát ngôn của Lục quân, Trung tướng Santipong Thammapiya, cho biết những lao động nhập cư bất hợp pháp vẫn đang qua biên giới bằng các con đường tự nhiên dù quân đội đã triển khai rất nhiều binh sĩ để bảo vệ biên giới dài 5.526km.

Theo thống kê của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), lao động nhập cư chiếm 1/10 số người lao động ở Thái Lan và đóng góp khoảng 6,6% GPD của nước này.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia ngày 11/12 (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia ngày 11/12 (Ảnh: THX/TTXVN)

Singapore hạn chế nhập cảnh từ New South Wales (Australia) và Anh

Để ngăn dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành, Singapore siết chặt quy định hạn chế nhập cảnh trong khi Thái Lan kêu gọi hơn 1.000 người liên quan đến ổ dịch bùng phát tại tỉnh Samut Sakhon đi xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Bộ Y tế nước này cho biết từ 23h59' ngày 23/12, những du khách ngắn hạn đã được cấp thẻ du lịch hàng không có lịch sử du lịch đến bang New South Wales (Autralia) trong vòng 14 ngày cuối cùng trước khi khởi hành đến Singapore sẽ không được phép nhập cảnh nước này. Ngoài ra, tất cả những người có thẻ dài hạn và du lịch ngắn hạn có lịch sử đến Vương quốc Anh trong vòng 14 ngày qua cũng sẽ không được phép nhập cảnh hoặc quá cảnh qua Singapore. Bộ Y tế Singapore cho biết quy định này cũng sẽ áp dụng đối với tất cả những người đã được chấp thuận trước khi nhập cảnh vào nước này.

Các công dân Singapore từ Anh trở về sẽ phải tiến hành xét nghiệm PCR sàng lọc virus SARS-CoV-2 ngay khi đến sân bay Singapore và cách ly 14 ngày tại nhà. Đối với người Singapore, người có thẻ dài hạn nhập cảnh vào Singapore có lịch sử đến New South Wales trong 14 ngày cuối cùng trước khi khởi hành đến Singapore, họ sẽ phải cách ly 7 ngày tại nơi cư trú. Những người này cũng sẽ được yêu cầu xét nghiệm PCR trước khi kết thúc thời hạn cách ly.

Bộ Y tế Singapore cho biết lực lượng đặc nhiệm liên bộ đối phó với dịch COVID-19 của nước này đã và đang theo dõi chặt chẽ tình hình toàn cầu và các biện pháp kiểm soát biên giới đã được thắt chặt do tình hình xấu đi ở Anh và sự gia tăng số lượng các ca mắc COVID-19 ở New South Wales.

Bộ trưởng Giao thông Singapore Ong Ye Kung phát biểu với các phóng viên (Ảnh: Straits Times)
Bộ trưởng Giao thông Singapore Ong Ye Kung phát biểu với các phóng viên (Ảnh: Straits Times)

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Giao thông Singapore Ong Ye Kung cho biết nước này muốn trở thành đầu mối phân phối vaccine COVID-19 của khu vực. Ông Kung cho hay Singapore có đủ năng lực đảm bảo quy trình và điều kiện phân phối.

Trong vài tháng qua, ngành công nghiệp vận tải hàng không Singapore đã tăng cường chuẩn bị cho hoạt động vận chuyển vaccine COVD bằng các thiết bị kiểm soát nhiệt.

Myanmar: Yangon đóng cửa các công viên

Thành phố lớn nhất Myanmar, Yangon đã quyết định đóng cửa tất cả các công viên, khu vườn và hồ trong nỗ lực kiểm soát dịch COVID.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về nguy cơ lây nhiễm mạnh trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới. Giới chức Myanmar đang tìm cách bảo vệ các thành quả chống dịch bằng cách dựng nhiều chốt chặn, biển chỉ dẫn và các hành lang quanh công viên Mahabandula và dọc theo bờ sông Inya cùng như các địa điểm nổi tiếng khác, thường thu hút đám đông trong ngày lễ.

Yangon lo siết chặt kiểm soát đề phòng bùng phát lây nhiễm dịp lễ Giáng sinh - Năm mới (Ảnh: AFP)
Yangon lo siết chặt kiểm soát đề phòng bùng phát lây nhiễm dịp lễ Giáng sinh - Năm mới (Ảnh: AFP)

Ngày 22/12, Myanmar ghi nhận 864 ca nhiễm mới, nâng tổng cao bệnh lên 117.946 trường hợp, trong đó có 2.484 ca tử vong và 97.819 người đã hồi phục.

Malaysia bắt đầu tiêm chủng COVID-19 từ tháng 2/2021

Thủ tướng Malaysia, Muhyiddin Yassin tuyên bố nước này sẽ bắt đầu tiêm phòng COVID-19 từ đầu tháng 2 năm tới. Ông Yassin sẽ là một trong những người đầu tiên tiêm vaccine này trước ống kính truyền hình. "Để thuyết phục người dân rằng vaccine an toàn và hiệu quả, tôi sẽ nằm trong số những người đầu tiên tiêm phòng COVID-19", Thủ tướng Malaysia tuyên bố.

Vaccine sau đó sẽ được phân phối cho các nhóm nguy cơ cao như người gìa, người có bệnh lý nền.

Chính phủ Malaysia đã ký thoả thuận với công ty dược AstraZeneca nhằm mua 6,4 triệu liều vaccine COVID-19 cho 10% dân số. Điều này có nghĩa, Malaysia hiện đã có đủ vaccine tiêm cho khoảng 40% dân số.

Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tới nhà xác bệnh viện ở Manila, Philippines (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tới nhà xác bệnh viện ở Manila, Philippines (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tháng trước, nước này đã ký hợp đồng với Pfize mua 12,8 triệu liều vaccine cho 20% dân số, và một hợp đồng khác với COVAX cấp vaccine cho 10% dân số.

Malaysia đang đối phó với làn sóng dịch thứ ba. Trong ngày 22/12, nước này ghi nhận 2.062 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 97.389 ca, trong đó có 39 ca tử vong và 70.304 người đã hồi phục.

Hàng không châu Âu đối mặt với gián đoạn lớn do việc cấm các chuyến bay từ Anh Hàng không châu Âu đối mặt với gián đoạn lớn do việc cấm các chuyến bay từ Anh

Tổng giám đốc Cơ quan kiểm soát không lưu châu Âu cho biết, có 900 chuyến bay mỗi ngày giữa Anh và 27 nước thành ...

Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19

Vaccine Nano Covax ngừa COVID-19 là vaccine đầu tiên của Việt Nam được cấp phép tiêm thử nghiệm trên người.

Nguồn: TTXVN
baotintuc.vn
Phiên bản di động